Quản lý khoa học công nghệ tại TPHCM

Một năm nhìn lại

Một năm nhìn lại

Nhiều người bảo rằng 2007 là một năm khá sôi động của lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN), nếu so với chính lĩnh vực này của những năm trước đó. Đầu năm mới, Báo SGGP xin cùng các nhà quản lý đưa ra một cái nhìn tổng quan về những nét chính trong bức tranh toàn cảnh về khoa học công nghệ trên địa bàn TPHCM năm qua…

Tăng cường quản lý

Một năm nhìn lại ảnh 1
Trung tâm Neptech giới thiệu thiết bị mới tại Techmart Quốc gia 2007.

So với trước đây, năm 2007 được các chuyên gia đánh giá là một năm mà các nhà quản lý khoa học công nghệ (KHCN) đã có rất nhiều quy định, chỉ thị… nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước. Đối với các trường, các viện, 2007 là năm mà Nghị định 115 (tự chủ tài chính) được xúc tiến triển khai.

Cho dù việc chuyển sang cơ chế tự chủ, tự hạch toán còn gặp rất nhiều khó khăn đối với hầu hết các đơn vị đang được “nuôi” bằng “bầu sữa” ngân sách, tuy nhiên, hầu hết các đơn vị đang sống bằng “bầu sữa” ngân sách đều hiểu rằng, dù sớm hay muộn, cũng sẽ đến ngày họ phải “cai sữa”.
 
Bên cạnh vấn đề mang tính quốc gia này, trên địa bàn TPHCM, các nhà quản lý về KHCN cũng đã đưa ra nhiều quy định, chính sách mới nhằm tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Cụ thể là quy chế mới về đề tài, dự án nghiên cứu khoa học; chỉ thị của UBND TPHCM “Tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trên địa bàn quận - huyện thành phố Hồ Chí Minh”.

Trong năm qua, thành phố cũng đã thành lập Ban chỉ đạo 168 về vấn đề sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh các hoạt động quản lý nhà nước trong các lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, tiến hành thanh tra, kiểm tra hàng loạt doanh nghiệp về các vấn đề này như kiểm định taximet, kiểm tra chất lượng nón bảo hiểm…

Xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ

Trong một năm bận rộn, các hoạt động đầu tư để xây dựng tiềm lực KHCN cũng được TPHCM quan tâm triển khai qua nhiều dự án lớn của mình. Người ta có thể kể đến dự án Trung tâm Thiết kế chế tạo thiết bị mới (NEPTECH) đang được triển khai nhanh chóng, với số thiết bị trị giá khoảng 25 tỷ đồng đã về tới TPHCM, và một trung tâm quy mô đang chuẩn bị được hình thành trong khuôn khổ khu công nghệ cao TPHCM.

Một đơn vị khác, Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm, cũng đã được phê duyệt dự án đầu tư trị giá 75 tỷ đồng, đang chuẩn bị đấu thầu để xây mới lại tòa nhà và đầu tư các trang thiết bị hiện đại. Thành phố cũng đã phê duyệt dự án Trung tâm cao su và chất dẻo với vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng, và ở dự án của Trung tâm Công nghệ sinh học, quy hoạch 1/500 đã được hoàn chỉnh. Dự án này có vốn đầu tư 100 triệu USD!

Một dự án khác đang trong giai đoạn triển khai cũng được kỳ vọng rất lớn, đó là việc thành lập Viện Khoa học công nghệ tính toán đầu tiên trong cả nước. Dự kiến, một hệ thống máy tính sắp được đầu tư tại đây, như là phần đầu tiên của hệ thống máy tính lớn, có thể tính toán nhiều vấn đề, từ dự báo thời tiết đến công nghệ mô phỏng trong y khoa…

Song song với các dự án đầu tư có thể tính bằng tiền này, những điểm nhấn trong quá trình xây dựng tiềm lực KHCN trong năm qua của TPHCM còn đáng nhắc đến ở việc thành lập quỹ KHCN với vốn đầu tư 50 tỷ đồng; xây dựng 2 phòng thí nghiệm trọng điểm tại khu công nghệ cao TPHCM và việc ban hành giai đoạn 2 chương trình đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ.

Trong việc xây dựng tiềm lực KHCN, năm qua, TPHCM cũng đã xây dựng một số đề án lớn như đề cương đề án “Đổi mới cơ chế và chính sách nhằm phát huy lực lượng khoa học và công nghệ ở thành phố và người Việt Nam ở nước ngoài”; đề án “đổi mới công nghệ công nghiệp”; triển khai một số dự án lớn trong đó có phần chuyển giao công nghệ từ nước ngoài…

Thay lời kết

Đối với nhiều người “khó tính”, KHCN của Việt Nam gần như là… luôn luôn thua kém nước ngoài. Những nhận định kiểu như các thành quả nghiên cứu KHCN của chúng ta còn khiêm tốn, các nhà khoa học chưa đáp ứng được mong mỏi của xã hội… xét ở góc độ của những người “khó tính”, gần như là luôn luôn có lý.

Tất nhiên, nếu nhìn nghiêm túc và sòng phẳng, dẫu rằng KHCN của chúng ta không thể nói là mạnh trên thế giới, nhưng phủ nhận những đóng góp, những nỗ lực trong lĩnh vực KHCN cũng là một điều hết sức bất công.

Năm mới, nói chuyện cũ, những hoạt động đáng nhớ trong nỗ lực đẩy mạnh sự phát triển KHCN TPHCM được chúng tôi nhắc lại trên đây, chỉ mang tính chất “điểm” tin. Thành công, thất bại hay cần rút kinh nghiệm, có lẽ chỉ có thời gian là trọng tài công bằng nhất. Dẫu sao đi nữa, một năm sôi động cũng là đáng quý, đặc biệt là với lĩnh vực ít sôi động như KHCN. Có người nói rằng: vốn dĩ quả đất không có đường đi, đường là do nhiều người đi mà có…

Theo PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, năm 2008, Sở KH-CN TPHCM sẽ phân cấp quản lý KHCN thí điểm tại các quân huyện về một số mặt: sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ… Sở KH-CN TPHCM sẽ giúp đào tạo cán bộ quản lý KHCN cho các quận huyện. Năm 2008 Sở KH-CN cũng đổi mới cơ chế quản lý đề tài theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Sẽ có thêm một số yêu cầu cụ thể cho các đề tài, ví dụ như yêu cầu phải đăng ký sở hữu trí tuệ (đề tài phải có tính mới thì mới có thể đăng ký sở hữu trí tuệ).

Ngoài ra, năm 2008 cũng là năm Sở KH-CN tập trung xây dựng đề án năng lượng với các vấn đề chính: các nguồn năng lượng mới (điện gió, điện mặt trời…); nhiên liệu sinh học và thành lập chương trình nghiên cứu về năng lượng.   

HỒ XUNG

Tin cùng chuyên mục