Mặt bằng thuộc sở hữu nhà nước bị sử dụng lãng phí

Kiên quyết thu hồi để xây dựng công trình phúc lợi

Kiên quyết thu hồi để xây dựng công trình phúc lợi

Ngày 24-5-2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg về việc xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước bị sử dụng sai mục đích. Sau 3 năm triển khai, đến nay tình trạng lãng phí đất công vẫn phổ biến.Vì sao trong khi nhiều địa phương đang thiếu mặt bằng để xây dựng trường học, trạm xá, thì một số đơn vị quản lý vẫn tự tiện đem đất công cho thuê sai mục đích?

  • Sử dụng đất công sai mục đích
Kiên quyết thu hồi để xây dựng công trình phúc lợi ảnh 1

Gần 3 năm nay, chợ Hạnh Thông Tây (cũ), rộng trên 2.000m2, nằm tại ngã tư Quang Trung – Thống Nhất, quận Gò Vấp, bị rào lại bỏ trống.
 

Một thực tế bất hợp lý là hàng loạt nhà và đất công đã bị sử dụng sai mục đích - phổ biến là cho thuê mặt bằng kinh doanh. Nhiều bạn đọc ở phường 12 quận 10 phản ánh: trong khi người dân địa phương thiếu điểm tập thể dục thì một mặt bằng diện tích gần 1.800m2 lại bị đem cho thuê làm… nhà hàng.

Tại một cuộc họp gần đây, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Chủ tịch UBND phường 7 quận 10, kể: Địa phương đang thiếu mặt bằng xây trường tiểu học, các em phải băng qua đường để đến học ở phường khác, trong khi trên đường Nguyễn Kim có mặt bằng gần 500m2 nhiều năm nay bị dùng để cho thuê làm kho chứa hàng và sửa chữa ô tô.

Không riêng gì những nơi nói trên, tại nhiều địa phương, nhiều diện tích nhà xưởng, đất công đã bị các đơn vị quản lý đem cho thuê làm ga-ra, kho chứa hàng. Trên 11.155m2 đất công ở đường Hoàng Hữu Nam (phường Phú Hữu, quận 9) bị sử dụng cho thuê sản xuất đồ gỗ. Ngoài ra, còn nhiều diện tích đất công đã bị cho thuê mướn dưới danh nghĩa “liên kết kinh doanh” rất khó phát hiện.

  • Thu hồi, xử lý ra sao?

Sau Quyết định 80/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 111/2001/QĐ-UB và thành lập Ban chỉ đạo xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Theo đó, mặt bằng của các đơn vị thuộc thành phố thì thẩm quyền quyết định là của Chủ tịch UBND TP; mặt bằng thuộc trung ương thì phải được sự thống nhất của bộ-ngành chủ quản và ý kiến của Bộ Tài chính. Vấn đề đặt ra: Thẩm quyền cho thuê mặt bằng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước chỉ tập trung ở một số cơ quan chức năngï, nhưng thực tế hầu như đơn vị nào cũng có thể cho thuê.

Trao đổi vấn đề này, ông Trần Nam Trang, Trưởng phòng Quản lý công sản (Sở Tài chính) cho biết: “Nhiều trường hợp “núp bóng” dưới dạng… hợp tác kinh doanh nhưng đối chiếu trên hợp đồng, thực chất là cho thuê mướn. Đối với những trường hợp này, chúng tôi xử lý kiên quyết theo tinh thần Quyết định 80/2001/QĐ-TTg, phát hiện đơn vị nào vi phạm là trình lên UBND TP đề nghị thu hồi ngay mặt bằng”.

Theo quy định, khi doanh nghiệp đã sắp xếp dư dôi quỹ đất, phù hợp quy hoạch thì có thể xin phép bán lấy tiền để đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ; nếu là khối hành chính sự nghiệp thì phải tận dụng công sản để sửa chữa công sở, đổi mới công nghệ.

Sau 3 năm triển khai các quyết định trên, TPHCM đã thu hồi và bán được 361 mặt bằng nhà - đất, trị giá trên 2.000 tỉ đồng. Những mặt bằng thu hồi đã được công khai bán đấu giá hoặc giao cho quận-huyện xây dựng các công trình công viên cây xanh, công trình công cộng. Con số trên đã nói lên một chủ trương đúng, tuy nhiên so với thực tế, diện tích mặt bằng thu hồi được xem ra vẫn chưa là bao so với diện tích mặt bằng đang bị sử dụng lãng phí.

HỮU THÁI
 

Tin cùng chuyên mục