Kinh Đô rót vốn vào Ngân hàng Đông Á

*Ông Cao Sỹ Kiêm từ nhiệm HĐQT DongA Bank
Kinh Đô rót vốn vào Ngân hàng Đông Á

*Ông Cao Sỹ Kiêm từ nhiệm HĐQT DongA Bank

(SGGPO).- Ông Trần Phương Bình, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc DongA Bank cho biết, Công ty CP Kinh Đô (KDC) sẽ là nhà đầu tư chiến lược của DongA Bank, đồng thời công ty này cam kết mua lại toàn bộ cổ phiếu trong đợt 1 của DongA Bank, tăng vốn điều lệ của ngân hàng lên 6.000 tỷ đồng.

Kinh Đô rót vốn vào Ngân hàng Đông Á ảnh 1

Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng Đông Á

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 (ĐHCĐ) của Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) được tổ chức sáng ngày 21-7 tại TPHCM, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT DongA Bank đã xin rút khỏi HĐQT ngân hàng này vì lý do cá nhân.

Ông Cao Sỹ Kiêm là nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam được bầu làm Chủ tịch HĐQT DongA Bank tại ĐHCĐ thường niên của DongA Bank năm 2014. Trước đó, ông là thành viên HĐQT độc lập của ngân hàng này.

Năm 2015 HĐQT DongA Bank hết nhiệm kỳ, tuy nhiên trong kỳ đại hội này, DongABank chưa tiến hành đề cử cho đến khi có sự tham gia của nhà đầu tư mới góp vốn vào và sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường để xin ý kiến cụ thể. Trong thời gian đó, HĐQT hiện tại sẽ tiếp tục điều hành hoạt động của DongA Bank.

Về tăng vốn điều lệ, HĐQT DongA Bank đã trình cổ đông nâng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng thông qua việc kêu gọi thêm nhà đầu tư mới; đồng thời tìm kiếm đối tác nước ngoài để phát triển trong năm 2015. Theo đó, phương thức tăng vốn, chào bán cổ phần cho cổ đông riêng lẻ của DongA Bank sẽ thực hiện trong 3 đợt: đợt 1 tăng từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng, đợt 2 tăng vốn lên 8.000 đồng và đợt 3 tiếp tục tăng vốn lên 10.000 tỷ trong năm 2015.

Liên quan đến việc tăng vốn này, ông Trần Phương Bình, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc DongA Bank cho biết, Công ty CP Kinh Đô (KDC) sẽ là nhà đầu tư góp vốn vào ngân hàng. Lý do chọn Kinh Đô là vì công ty này đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chiến lược của DongA Bank, đồng thời công ty này cam kết sẽ mua lại toàn bộ cổ phiếu trong đợt 1 của DongA Bank, tăng vốn điều lệ của ngân hàng lên 6.000 tỷ đồng. Theo đó, DongA Bank sẽ chào bán 100 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phần cho Kinh Đô. Dự kiến, đợt phát hành sẽ được thực hiện vào quý III-2015. Toàn bộ số tiền thu được sẽ dùng cho việc đảm bảo và tăng cường khả năng thanh toán và cho vay tại sở giao dịch, chi nhánh và các phòng giao dịch trên toàn hệ thống. Ông Trần Phương Bình cũng cho biêt thêm, không chỉ góp vốn đợt 1 mà Kinh Đô sẽ tiếp tục góp vốn đợt tiếp theo.

Được biết, từ năm 2014, DongA Bank đã có kế hoạch tăng vốn lên 6.000 tỷ đồng nhưng vẫn chưa thể thực hiện được do thị giá luôn thấp hơn mệnh giá khiến cho việc phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 2014 được trình bày tại ĐHCĐ, tính đến ngày 31-12-2014, tổng tài sản hoạt động của DongA Bank đạt 87.108 tỷ đồng, tăng 105% so với đầu năm 2010. Vốn điều lệ trong giai đoạn 5 năm (2010-2014) đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 47% so với đầu năm 2010. Tổng nguồn vốn huy động đạt 79.954 tỷ, tăng 118% so với đầu năm 2010. Dư nợ tín dụng đạt 51.850 tỷ, tăng 51% so với đầu năm 2010.

Năm 2014, lợi nhuận trước thuế của DongA Bank đạt 35 tỷ đồng, tương ứng 7% kế hoạch và giảm 96% so với năm 2013. Chính vì thế, DongA Bank sẽ không trả cổ tức cho cổ đông. Tăng trưởng tín dụng là 1% (cho vay tổ chức tín dụng trong nước tăng 73% trong khi cho vay khách hàng giảm 2,26%) và nợ xấu là 3,7%.

Năm 2015, DongA Bank đặt kế hoạch 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp gần 6 lần năm 2014. Đại hội lần này cũng thông qua việc bầu lại Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2015-2020. Số lượng thành viên ban quản trị dự kiến bầu là 8 người và bổ sung thêm 3 thành viên Ban kiểm soát.
    

 HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục