Tham gia vòng đàm phán Doha (WTO)

Việt Nam sẽ phải “trả giá” hai lần?

Việt Nam sẽ phải “trả giá” hai lần?

Tham gia vòng đàm phán Doha sau khi gia nhập WTO, Việt Nam ở vào thế bất lợi hơn so với các nước thành viên WTO khác do mức độ cam kết cao hơn, đặc biệt là những cam kếât về trợ cấp xuất khẩu, hỗ trợ trong nước, thuế nông sản… Liệu Việt Nam có phải “trả giá 2 lần” khi gia nhập WTO và tham gia vòng đàm phán Doha hay không là vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Tác động của Vòng đàm phán Doha đối với Việt Nam” do Bộ Thương mại và Ủy ban châu Âu phối hợp tổ chức tại Hà Nội, ngày 13-3.

  • Vòng đàm phán mới và hai kịch bản
Việt Nam sẽ phải “trả giá” hai lần? ảnh 1

Dây chuyền sản xuất thiết bị y tế xuất khẩu ở Công ty Nikkiso Việt Nam (KCX Tân Thuận). Ảnh: Đức Thành

Theo một báo cáo của Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế (NCIEC), vòng đàm phán Doha sẽ động chạm đến tất cả mọi vấn đề của Hiệp định nông nghiệp. Đối với việc mở cửa thị trường, đàm phán sẽ tập trung vào việc mở rộng hạn ngạch thuế quan và giảm bớt sự leo thang thuế quan đối với sản phẩm chế biến.

Ông Andras Lakatos, chuyên gia Liên minh châu Âu EU (thuộc dự án Hỗ trợ thương mại đa biên) đã chỉ ra những thách thức trước mắt đối với Việt Nam, đặc biệt là các cam kết gia nhập của Việt Nam không thay thế cho các nghĩa vụ có thể phát sinh của vòng đàm phán Doha, điều đó có nghĩa là các kết quả của vòng Doha sẽ được áp dụng đối với Việt Nam. Vì vậy, ông Andras Lakatos khuyến nghị, Việt Nam phải tham gia vào các cuộc đàm phán và đề ra quan điểm của mình trong tất cả các vấn đề chủ yếu, nhất là các yêu cầu mở rộng tiếp cận thị trường.

“Việt Nam ở vào thế bất lợi hơn so với các nước thành viên WTO khác do mức độ cam kết cao hơn. Liệu chúng ta có phải “trả giá” 2 lần khi tiếp tục phải chịu những cam kết cắt giảm cao hơn nữa khi tham gia vòng đàm phán Doha” – bà Nguyễn Thị Hồng, chuyên gia Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) bày tỏ sự lo ngại. Do chưa kết thúc đàm phán, bà Nguyễn Thị Hồng đã đưa ra hai kịch bản: thứ nhất là không phải cắt giảm tiếp theo kết quả Doha dựa vào các điều khoản (trong dự thảo Doha) dành cho những thành viên mới, điều khoản ưu đãi đặc biệt và khác biệt dành cho các nước đang phát triển, các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi. Kịch bản thứ hai là phải tiếp tục cắt giảm theo Doha, khó khăn nhất sẽ là phần mở cửa thị trường: giảm thuế, tăng hạn ngạch…

Theo khuyến nghị của các chuyên gia, Việt Nam nên cố gắng đàm phán theo kịch bản thứ nhất bằng cách tham gia vào những nhóm đàm phán có quan điểm tương đồng, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam (G20 do Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ dẫn đầu; G33 đại diện cho các nền kinh tế nhỏ dễ bị tổn thương do Indonesia dẫn đầu).

  • Công nghiệp: Đã khó lại càng khó hơn!

Phân tích những tác động của vòng đàm phán Doha đối với ngành công nghiệp Việt Nam, TS Trần Hữu Bưu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Công nghiệp) cho biết, thực tế cho thấy, các nước mới gia nhập thường phải cam kết 100% dòng thuế với mức thấp hơn so với các nước thành viên cũ. Với trường hợp của Việt Nam, hơn 9.400 dòng thuế công nghiệp đã được cam kết với mức cắt giảm khoảng 24% so với hiện hành. Như vậy, nếu tiếp tục cắt giảm thuế quan theo mô hình cắt giảm của vòng đàm phán Doha, ngành công nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trước sức ép cạnh tranh của hàng nhập khẩu.

Cụ thể hơn, TS Trần Hữu Bưu đưa ra phân tích: đối với nhóm các sản phẩm điện tử dân dụng đang được bảo hộ ở mức cao với mức thuế suất trung bình từ 30-50% - thuộc nhóm các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp do chủ yếu gia công và lắp ráp; do đó năng lực cạnh tranh sẽ bị giảm khi thực hiện lộ trình giảm thuế. Đặc biệt, nhóm sản phẩm dệt may và da giày của Việt Nam sẽ vấp phải sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của Trung Quốc.

Tuy những phân tích tác động của vòng đàm phán Doha đến Việt Nam không mấy lạc quan nhưng khi đã là thành viên WTO, Việt Nam sẽ phải trực tiếp tham gia vào vòng đàm phán mới này. Hầu hết các chuyên gia trong nước và quốc tế đều đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần chuẩn bị tốt và tham gia càng sớm càng tốt vào vòng đàm phán này. Tán đồng quan điểm này, TS Peter Naray, Cố vấn trưởng Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên nhấn mạnh: Việt Nam có thể hưởng lợi từ vòng đàm phán Doha bởi những dự tính cam kết của Doha trong các lĩnh vực mở cửa thị trường hàng công nghiệp, nông nghiệp, trợ cấp xuất khẩu… sẽ được áp dụng đối với tất cả các thành viên WTO. Bởi vậy, khi đàm phán Doha thành công, Việt Nam cũng có cơ hội lớn để thâm nhập vào thị trường các nước.

VIỆT LAN

Tin cùng chuyên mục