Các công ty chứng khoán: Ngắc ngoải?

Các công ty chứng khoán: Ngắc ngoải?

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), nếu tính công ty chứng khoán “tân binh” - Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn Tourist được cấp phép vào ngày 8-5-2008 thì cho đến thời điểm này đã có 91 công ty chứng khoán hoạt động. 

“Bèo” như công ty chứng khoán!

Các công ty chứng khoán: Ngắc ngoải? ảnh 1
Một công ty chứng khoán khuyến mãi để thu hút khách hàng. Ảnh: THANH TÂM

Mới đây, gặp lại anh H. - giám đốc môi giới của Công ty Chứng khoán N., anh cho biết không còn làm ở công ty này nữa, vì công ty đã bị bán cho một người khác là một “đại gia” và nghe đâu có cả một số cá nhân nước ngoài đứng sau lưng.

Anh H. nói rằng cũng hơi bị buồn, vì trước khi chuyển về công ty này, anh đang làm trưởng phòng tư vấn của một công ty khác. Anh cho biết thêm, công ty chứng khoán N. ra đời chưa đầy một năm nhưng phải bán lại cho chủ khác vì chủ cũ không “cầm nổi lửa” khi thị trường chứng khoán cứ suy thoái. Mặt khác, do công ty này ra đời vào lúc “bất phùng thời”, tháng 10-2007 – thời điểm chứng khoán bắt đầu sụt giảm nên bị lỗ “te tua”. Nghe đâu trong vòng 8 tháng, công ty đã lỗ hơn 2 tỷ đồng.

Một tiến sĩ cùng nhóm bạn bè là giảng viên ở Trường Đại học Ngân hàng TPHCM đã chuẩn bị mọi thứ để thành lập công ty chứng khoán và đã được UBCKNN chấp nhận về mặt nguyên tắc cho mở công ty chứng khoán từ cuối năm 2007. Thế nhưng cho đến nay, vị tiến sĩ làm “chủ xị” của nhóm cho biết là công ty không thể ra đời được, bởi lẽ thị trường đang ảm đạm và chưa biết khi nào phục hồi trở lại nên bản thân ông và các thành viên sáng lập cũng nản lòng.

Tương tự, có một số công ty chứng khoán đã được cấp phép nhưng chưa hoạt động vì không kham nổi chi phí trong thời điểm “èo uột” này. Thậm chí, như Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE đã được UBCKNN chấp thuận thành lập công ty chứng khoán về mặt nguyên tắc nhưng công ty đã làm đơn xin rút.

Công ty chứng khoán mất ưu thế kéo theo cổ phiếu của ngành chứng khoán cũng mất giá. Chẳng hạn cổ phiếu của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (mã chứng khoán SSI) được xếp vào hàng “đại gia” chưa bao giờ lại “rớt” thê thảm như hiện nay.

Ngày đầu tiên (29-10-2007) chuyển từ sàn Hà Nội vào sàn TPHCM, SSI đưa ra giá tham chiếu 250.000đ/cổ phiếu, đến phiên đóng cửa, thị giá tăng lên đến 285.000đ/cổ phiếu, thế nhưng đến ngày 12-6-2008, thị giá của SSI chỉ còn 28.600đ/cổ phiếu.

Không riêng gì SSI, hàng loạt công ty chứng khoán khác phát hành cổ phiếu OTC với giá “rẻ bèo”, thậm chí bằng với mệnh giá 10.000đ nhưng chẳng có người mua! Một nguyên nhân nữa khiến cổ phiếu ngành chứng khoán mất giá và công ty có nguy cơ “dẹp tiệm” là do kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2008 của nhiều công ty chứng khoán bị lỗ nặng do mảng tự doanh – mua bán cổ phiếu bị lỗ, cộng với phí thuê mặt bằng khá lớn (cả 100 triệu đồng/tháng), trả lương nhân viên, khấu hao, điện nước…

Phá sản và bị nước ngoài “thôn tính”

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán thừa nhận rằng chưa bao giờ công ty chứng khoán “khó khăn chồng chất khó khăn” như hiện nay. Theo ông, trong 91 công ty chứng khoán, chỉ có khoảng 30% công ty hoạt động có lãi nhưng không nhiều, số còn lại đang gặp… “nạn” và có không ít công ty bên bờ vực phá sản.

Đây là hậu quả của kiểu kinh doanh “thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào”. Mặt khác, do trong thời gian vừa qua, UBCKNN không “khống chế” chứng khoán là ngành đặc thù nên “mở cửa”, cấp phép dễ dàng, vì thế ai cũng có thể mở được công ty chứng khoán. Từ đó mới có chuyện nhiều ngành chẳng dính dáng gì tới tài chính, chứng khoán như thực phẩm, địa ốc, điện… cũng đua nhau mở công ty chứng khoán!

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn, cho rằng, với sự sàng lọc của thị trường, trong tương lai sẽ chỉ còn lại khoảng 20 công ty chứng khoán.

Còn trên nhiều diễn đàn chứng khoán, giới đầu tư đưa ra dự báo về “số phận” của các công ty chứng khoán với tỷ lệ: 20% phá sản, 20% ngắc ngoải, 20% cầm cự “thoi thóp”, 20% không lợi nhuận, chỉ còn 20% là có thể trụ lại được.

Thử làm bài toán tính thu nhập sẽ thấy: Hiện nay, mỗi ngày, tổng giá trị tiền giao dịch trên cả 2 sàn Hà Nội và sàn TPHCM khoảng 400 tỷ đồng (thật ra có ngày tổng giá trị tiền giao dịch trên cả 2 sàn chưa tới 200 tỷ đồng), phí giao dịch trung bình công ty chứng khoán thu vào 0,3%, tương ứng với khoảng 120 triệu đồng/ngày, chia cho 91 công ty, tính ra mỗi công ty thu nhập chỉ hơn 1 triệu đồng/ngày, cộng thêm nhiều lần giao dịch trong ngày đi chăng nữa thì tổng thu nhập của một công ty cũng khó vượt qua 100 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, theo kết quả thống kê của năm 2007, có 20% công ty chứng khoán “đại gia” như: Công ty Chứng khoán SSI, ACBS, Bảo Việt, Vietcombank… đã “ẵm” hết khoảng 70% thu nhập của toàn thị trường. Phần còn lại chia cho các công ty chứng khoán sinh sau đẻ muộn!. 

Theo tiến sĩ kinh tế Lê Thanh Đạo (Singapore) thì thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhỏ mà có trên 90 công ty chứng khoán là nhiều. Trong tình hình khó khăn này, xu thế các công ty chứng khoán nhỏ bị sáp nhập với các công ty lớn hoặc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài là điều chắc chắn sẽ xảy ra.

Từ đầu năm đến nay có không dưới 10 cuộc mua bán, sát nhập công ty chứng khoán. Trong đó có những cuộc mua bán lớn như: Ngân hàng RHB (Malaysia) mua cổ phần của Công ty Chứng khoán Việt Nam, Công ty cổ phần Chứng khoán Morgan Stanley đã mua cổ phần của Công ty Chứng khoán Hướng Việt, Quỹ Golden Bridge mua cổ phần của Công ty Chứng khoán Nhấp & Gọi…

Bên cạnh đó còn có nhiều công ty chứng khoán khác cũng đã bán từ 10% cổ phần trở lên cho một số tập đoàn nước ngoài. Nhiều ý kiến nói rằng, nhà nước cần có khung pháp lý để việc sáp nhập đi vào nền nếp. 

DIỄM CHI

Tin cùng chuyên mục