Kích cầu bằng bù lãi suất 4%, cần theo dõi hiệu quả thực hiện

Đã giải ngân 113.708 tỷ đồng vốn hỗ trợ lãi suất
Kích cầu bằng bù lãi suất 4%, cần theo dõi hiệu quả thực hiện

Chiều 6-3, Viện nghiên cứu phát triển IDS đã tổ chức buổi đóng góp ý kiến cho báo cáo về chính sách kích cầu trong hoàn cảnh Việt Nam của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển (Depocen) thực hiện theo “đơn đặt hàng” của Quốc hội. Hội thảo đã thu hút sự tham gia đông đảo của các chuyên gia kinh tế và báo giới, bởi tính chất “nóng” của vấn đề vốn đang là tâm điểm hiện nay.

Tăng cường khâu giám sát thực hiện kích cầu

Kích cầu bằng bù lãi suất 4%, cần theo dõi hiệu quả thực hiện ảnh 1
Sản phẩm của Công ty Casumina sản xuất theo tiêu chuẩn JIS (Nhật Bản). Ảnh: ĐỨC THÀNH

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển (Depocen), Trưởng nhóm nghiên cứu, việc Chính phủ triển khai nhóm giải pháp kích cầu trong hoàn cảnh hiện nay là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, với những đặc điểm mang tính đặc thù, việc triển khai các chính sách này ở Việt Nam cũng đã bộc lộ những điểm “lạ” so với thế giới.

Điểm “lạ” của Việt Nam là thực hiện bù lãi suất 4%. “Thực tế cho thấy, bù lãi suất là để kích thích doanh nghiệp đầu tư chi tiêu. Nhưng DN đầu tư hay không, không phụ thuộc vào lãi suất mà là đầu ra. Nếu không tìm được đầu ra, DN sẽ không đầu tư. Vì vậy, thay vì bù lãi suất, cần giảm việc đóng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, y tế... cho DN”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Anh đề xuất.

Nhóm nghiên cứu này cũng cho rằng, việc hỗ trợ mua hết lương thực cho nông dân là đúng, tuy nhiên cần tập trung đầu tư cho giáo dục đào tạo, hạ tầng cơ sở nông thôn; xây dựng kho chứa lương thực chất lượng cao, ưu tiên cho các dự án sẽ triển khai ngay.

Nhóm này cũng cho rằng, bên cạnh chính sách tài khóa như hiện nay, cần kết hợp chính sách tiền tệ, tỷ giá, thu hút đầu tư, giảm lãi suất, tỷ giá linh hoạt, đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt là cần đẩy mạnh khâu giám sát gói giải pháp kích cầu, tránh tình trạng ăn chặn tiền tết của hộ nghèo như vừa qua. “Chính sách dù đúng đến đâu, nhưng thực hiện và giám sát có vấn đề thì hiệu quả sẽ rất thấp”, nhóm nghiên cứu khuyến nghị.

Minh bạch trong việc bù lãi suất 4%

Chính sách kích cầu hiện vẫn đang là vấn đề nóng hổi, vì vậy những vấn đề, khuyến nghị mà nhóm nghiên cứu đưa ra đã nhận được nhiều đóng góp của các chuyên gia kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, điều mà chúng ta cần làm ngay bây giờ đó là tăng cường tuyên truyền hơn nữa để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về việc thực hiện các chính sách kích cầu.

“Gói kích cầu triển khai mạnh từ tháng 2, nhưng chắc chắn không phải ai cũng biết và hiểu. Không phải ai cũng hiểu 1 tỷ USD mà Chính phủ đưa ra là dành cho ai, vào việc gì. Hoặc trên 90.000 tỷ đồng mà các ngân hàng đã cho vay bù lãi suất 4%, không ai biết doanh nghiệp vừa và nhỏ được bao nhiêu, họ vay làm những gì, bao nhiêu lao động được giữ lại nhờ vốn vay đó..”, bà Chi Lan nói.

Vì vậy, để thực hiện hiệu quả, cần kịp thời công khai, minh bạch thông tin cho toàn xã hội, đồng thời phải tăng cường công tác giám sát hiệu quả thực hiện.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, cần phải minh bạch lượng tiền được cho vay bù lãi suất, nhất là việc DN vay làm gì, hiệu quả ra sao.

Cũng theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, kích cầu phải đi liền với cải cách thủ tục hành chính. “Hiện nay các bộ ngành đã thống kê được 6.500 thủ tục hành chính, con số này được đẻ thêm rất nhiều lần khi tới tỉnh huyện, xã phường. Nếu kích cầu mà không thay đổi cơ chế thì hiệu quả chẳng đáng là bao”, TS Doanh khẳng định.

Ông cũng cho rằng, Chính phủ cần lập đội đặc nhiệm hoặc Tổ chuyên trách về thực hiện gói kích cầu để kịp thời thông tin, công khai hiệu quả thực hiện. Việc cập nhật thông tin cần được làm hàng tuần, hàng tháng để Chính phủ biết rõ, việc thực hiện kích cầu đang ở đâu.

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng bày tỏ sự lo ngại khi Chính phủ hiện nay quá tập trung và kỳ vọng vào việc bù lãi suất. Thực tế cho thấy, trong 93.027 tỷ đồng đã cho vay bù lãi suất, số lượng đáo nợ chiếm nhiều.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang An, Viện trưởng IDS cho biết, Chính phủ cần theo dõi thật sát việc bù lãi suất, nếu có vấn đề phải hiệu chỉnh ngay.

Quan điểm này cũng được TS Lưu Bích Hồ đồng tình và đề nghị Chính phủ cần phân tích nhiều chiều. “Chúng ta cần hiểu rằng, mục tiêu số 1 hiện nay là tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, kích cầu tiêu dùng trong nước, từ đó kích cầu đầu tư. Nếu kích cầu không cẩn thận, Chính phủ phải bỏ ra nhiều vốn nhưng vốn lại chỉ dành cho các đại gia; DN và người lao động khó khăn sẽ nằm ngoài diện kích cầu”, TS Lưu Bích Hồ nói.

Đã giải ngân 113.708 tỷ đồng vốn hỗ trợ lãi suất

(SGGP).- Theo tổng hợp nhanh của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày hôm qua (6-3), các ngân hàng thương mại đã giải ngân cho vay vốn có hỗ trợ lãi suất là 113.708 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ cho vay của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương là 89.430 tỷ đồng, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 22.607 tỷ đồng, nhóm ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 1.669 tỷ đồng.

H.YÊN

LÂM  NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục