Tiếp tục phản hồi loạt bài viết: “Bất cập trong kinh doanh vận tải hàng không” - Khi hành khách lên tiếng...

Loạt bài “Bất cập trong kinh doanh vận tải hàng không” mà báo SGGP đăng tải trong thời gian qua đã thu hút sự quan tâm sâu rộng của quần chúng nhân dân. Trong số đó có rất nhiều người vốn là khách hàng, là hành khách đã nhiều lần bay cùng JPA. Vậy họ nói gì về những chuyện xoay quanh JPA? Chúng tôi xin trích giới thiệu một số ý kiến dưới đây để bạn đọc cùng tham khảo.

  • Ông PHẠM ANH QUANG, chung cư Screc Tower, P.12, Q.3: Quá lãng phí khi mua thương hiệu ngoại

Chúng tôi đã đi máy bay giá rẻ từ lâu, cả chục năm nay rồi dưới cái tên Pacific Airlines, chứ không phải chỉ khi JPA gắn thêm thương hiệu của một hãng hàng không nổi tiếng nào đó ở Úc thì chúng tôi mới biết mà đi. Vì chỉ có những người nghèo, cần phải tiết kiệm tiền bạc mới đi máy bay giá rẻ, cứ thấy giá rẻ là mua đi chứ họ đâu cần biết thương hiệu đó là nội hay ngoại, là nổi tiếng như thế nào, uy tín ra sao? Cái mà người nghèo cần là thực tế diễn ra như thế nào: giá vé có thực sự rẻ? Máy bay của anh có hay bị hư hỏng, chậm và hủy chuyến nhiều không?…

Chính vì điều này nên tôi nghĩ, việc đi mua thương hiệu Jetstar với giá 0,2% tính theo doanh thu thì thật là lãng phí. Bởi theo tôi, dù cho mang thương hiệu Jetstar, Pacific hay gọi thẳng ra một cái tên là Hãng HK giá rẻ Việt Nam thì với mọi hành khách nó đều như nhau cả. Đó là tôi chưa nói đến, với tinh thần yêu nước, yêu thương và ủng hộ hàng nội, thương hiệu Việt, đôi khi người dân còn ủng hộ mạnh hơn nếu hãng hàng không đó mang thương hiệu Việt. Đúng thật là quá lãng phí khi mỗi tháng phải trả một khoản phí như vậy, nếu không vì khoản phí này, tôi nghĩ, JPA sẽ hạn chế được con số lỗ ít hơn.

  • Ông NGUYỄN CÔNG THÀNH, chung cư Sơn Kỳ, phường Sơn Kỳ quận Tân Phú: Thật buồn khi biết vì sao JPA lại thường xuyên bị chậm và hủy chuyến

Tôi đã đi máy bay của JPA khoảng 4-5 lần. Và thật buồn là hầu như lần nào các chuyến bay của tôi cũng đều bị chậm ít thì 1 tiếng, nhiều thì đến 2-3 tiếng đồng hồ hoặc bị hủy chuyến để dồn vào chuyến bay kế tiếp. Đôi khi tôi nghĩ, chắc có lẽ là số tôi gặp xui nên mới đi nhằm vào ngày có các chuyến bay bị trục trặc như thế.

Tuy nhiên, sau đó, qua nhiều nguồn tin, tôi mới biết là không phải chỉ mình tôi, mà chuyện máy bay của JPA bị hư hỏng, bị chậm và hủy chuyến là chuyện thường xuyên xảy ra. Và mặc dù qua các phương tiện truyền thông, báo chí, ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc JPA, có giải thích rằng: “Chuyện chậm và hủy chuyến bay là chuyện bình thường trên thế giới, không có một hãng hàng không nào mà không bị như thế”, nhưng vì sao việc chậm và hủy chuyến bay lại tập trung nhiều ở JPA đến vậy thì không thấy đề cập đến.

Qua nhiều nguồn tin khác nhau, chúng tôi mới biết, với các loại máy bay cũ do Jetstar chuyển sang và phương thức điều hành bán vé theo kiểu hòa mạng giữa “trời tây, trời ta” và theo kiểu bán vé tận thu, bất chấp hậu quả chuyến bay ra sao thì việc máy bay của JPA thường xuyên gặp trục trặc, chậm và hủy chuyến là điều tất yếu. Quả thật là rất buồn khi nghe những thông tin như thế.

Th.Tuyết - Ph.Nguyễn

  • Bất cập trong kinh doanh vận tải hàng không

- Tiếng nói của những người lao động

- Bài 1: Những chuyện rắc rối xung quanh Jetstar Pacific

- Bài 2: Khi tài nguyên quốc gia bị “chảy máu”

- Các chuyên gia và cơ quan quản lý nói gì?

Tin cùng chuyên mục