Chảy máu tài nguyên, khoáng sản

Từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành ban hành ngay các quy định ngưng xuất khẩu thô một số khoáng sản như titan, quặng sắt... Thế nhưng, đến nay không ít doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục thực hiện xuất khẩu khoáng sản thô bằng giấy phép gia hạn xuất khẩu. Thậm chí một số loại khoáng sản còn được Bộ Công thương đề nghị cho xuất khẩu hoặc được Bộ Tài chính giảm thuế suất xuất khẩu.

Cụ thể, cuối năm 2009, Bộ Tài chính có quyết định giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu của mặt hàng quặng apatít từ mức 10% xuống 7%. Còn bộ Công thương, cũng đã có tờ trình, đề nghị Thủ tướng cho phép xuất khẩu một khối lượng rất lớn các loại tinh quặng trong các tháng còn lại của năm 2009 như xuất khẩu thêm tinh quặng sắt, tinh quặng magnetit, kẽm… Rõ ràng thực tế trên đi ngược lại chủ trương hạn chế xuất khẩu chưa qua chế biến của Chính phủ.

Trước đó, trong những lần Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến đối với Dự thảo nghị quyết sửa đổi bổ sung biểu khung thuế xuất khẩu trong đó có phần bổ sung một số nhóm mặt hàng nguyên liệu thô và tài nguyên khoáng sản vào danh sách đối tượng chịu thuế, nâng khung thuế một số tài nguyên khoáng sản nhằm hạn chế tối đa việc xuất khẩu nguyên liệu thô.

Mặc dù chúng ta đã có Luật Khoáng sản nhưng thực tế, tình trạng chảy máu tài nguyên, khoáng sản đã và đang diễn ra khá mạnh. Cụ thể, tại tỉnh Yên Bái mỗi năm, chỉ tính riêng lượng quặng sắt khai thác trong tỉnh, con số đã lên tới trên dưới 100.000 tấn trong đó chỉ một phần nhỏ được chế biến, còn phần lớn được xuất sang Trung Quốc.

Thời gian qua, không ít doanh nghiệp khai thác titan đã giàu lên nhanh chóng vì biết sử dụng kẽ hở của pháp luật để xuất khẩu thô. Theo ước tính, hiện nay hàng năm Việt Nam xuất khẩu thô khoảng gần một triệu tấn các hợp chất từ sa khoáng (trong đó chủ yếu là titan) với giá vài trăm USD/tấn, nhưng phải nhập hàng chục ngàn tấn bột dioxit titan tinh với giá vài ngàn USD/tấn và nhu cầu nhập khẩu những năm tới có thể lên cao hơn.

Hầu hết số khoáng sản này được xuất khẩu sang Trung Quốc, một cán bộ cấp Chính phủ từng thừa nhận một sự thật chua chát: “Trung Quốc mua khoáng sản thô không phải để phục vụ sản xuất ngay, mà họ đưa vào những mỏ nhân tạo. Dự báo nguồn tài nguyên trên toàn cầu đang dần cạn kiệt, nên phải sau năm 2050 Trung Quốc mới khai thác những mỏ nhân tạo này để phục vụ sản xuất”.

Không nói đâu xa, theo dự báo của các chuyên gia trong lĩnh vực than, chỉ trong vài năm nữa, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than. Đây là hệ quả của cả quá trình xuất khẩu than một cách “vô tư”. Bài toán cấp phép, cũng như quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản đang trở thành vấn đề cấp bách. Các cơ quan quản lý nhà nước phải nhanh chóng tiến hành các giải pháp đồng bộ, hoàn thiện thể chế, cơ chế pháp luật và tổ chức phối hợp thực hiện.

Trước mắt cần tổng kiểm tra tình hình cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản, kiên quyết thu hồi các giấy phép cấp không đúng quy định, tổng kết việc phân cấp cấp phép hoạt động khoáng sản cho các địa phương, thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản.

Điều không kém quan trọng trong tương lai, phải xây dựng, ban hành chiến lược phát triển tài nguyên khoáng sản và có giải pháp tổng thể cho từng loại khoáng sản nhằm khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên

CHIẾN DŨNG

Tin cùng chuyên mục