Kích cầu du lịch 2010: Nhiều nút rối cần tháo gỡ

Sau những thành công bước đầu của chương trình “Ấn tượng Việt Nam” năm 2009, Tổng cục Du lịch Việt Nam tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch năm 2010 “Việt Nam - Điểm đến của bạn” với 6 chiến dịch đang được triển khai. Mặc dù được kế thừa từ những thành quả của năm 2009 nhưng những khó khăn trong năm 2010 vẫn khiến nhiều người hoài nghi sự thành công của chương trình kích cầu du lịch năm nay.
Kích cầu du lịch 2010: Nhiều nút rối cần tháo gỡ

(SGGP-ĐTTC).- Sau những thành công bước đầu của chương trình “Ấn tượng Việt Nam” năm 2009, Tổng cục Du lịch Việt Nam tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch năm 2010 “Việt Nam - Điểm đến của bạn” với 6 chiến dịch đang được triển khai. Mặc dù được kế thừa từ những thành quả của năm 2009 nhưng những khó khăn trong năm 2010 vẫn khiến nhiều người hoài nghi sự thành công của chương trình kích cầu du lịch năm nay.

Văn Miếu - Khuê Văn Các, một điểm du lịch nổi bật của thủ đô Hà Nội. Ảnh: LÃ ANH

Văn Miếu - Khuê Văn Các, một điểm du lịch nổi bật của thủ đô Hà Nội. Ảnh: LÃ ANH

Lơ là giảm giá

Theo nội dung của chương trình kích cầu du lịch được Tổng cục Du lịch công bố giữa tháng 3-2010, chương trình “Việt Nam - Điểm đến của bạn” bao gồm 6 chiến dịch, trong đó có 3 chiến dịch kế thừa từ “Ấn tượng Việt Nam” năm 2009 và 3 chiến dịch mới mang tính trọng điểm: Chiến dịch bán hàng giảm giá “Impressive Grand Sale 2010” vào mùa thấp điểm, dự kiến diễn ra vào tháng 8 và 9 tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM với mức giảm trung bình 10-50%.

Chiến dịch này có sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, điểm mua sắm… Chiến dịch hướng về cội nguồn dành cho kiều bào tại 4 quốc gia Pháp, Hoa Kỳ, Anh và Australia, nhằm khuyến khích kiều bào về thăm quê hương, cũng như tham gia giới thiệu quảng bá, vận động bạn bè nước ngoài tới thăm Việt Nam…

Chiến dịch xúc tiến tại chỗ đối với khách du lịch đã đến Việt Nam với khẩu hiệu “Việt Nam thân thiện chào đón bạn” với nhiều hoạt động như tặng quà, văn nghệ chào mừng khách đến các trung tâm du lịch của địa phương; xây dựng và làm sạch nhà vệ sinh công cộng tại tất cả các điểm du lịch…

"Ở nước ngoài, những đợt cao điểm về du lịch người ta giảm giá vì khách du lịch đến nhiều, mua sắm nhiều, xài tiền nhiều. Trong khi ở nước ta thì ngược lại. Kích cầu du lịch mà mỗi nơi, mỗi địa phương đều đưa ra giá dịch vụ cao ngất để kiếm lời trước mắt, làm sao thu hút được khách du lịch."

Ông Lại Hữu Phương, Giám đốc Trung tâm dịch vụ lữ hành BenThanh Tourist

Mặc dù có tới 6 chiến dịch nhưng một điều dễ dàng nhận thấy: so với năm 2009, chương trình kích cầu năm nay có quy mô nhỏ và đang ở vào thế khó hơn. Ngoài những hạn chế lặp lại của năm 2009 như tự phát, sự yếu kém hợp tác giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, năm 2010 còn bất lợi hơn ở một số điểm then chốt.

Nếu năm 2009, chương trình “Ấn tượng Việt Nam” kêu gọi các nhà hàng, khách sạn giảm giá 30-40% cả năm, Chính phủ giảm 50% thuế GTGT và dãn thuế thu nhập doanh nghiệp 9 tháng cho các khách sạn, đơn vị lữ hành tổ chức sản phẩm trọn gói... năm nay những ưu đãi này đã không còn.

Chương trình “Việt Nam - Điểm đến của bạn” tuy kéo dài hết năm 2010 nhưng Tổng cục Du lịch chỉ khuyến khích các đơn vị giảm giá 10-30% vào tháng 8 và 9 khiến các đơn vị này “lơ là” chuyện giảm giá. Hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines cam kết bán vé máy bay khuyến mại (giảm 50%) cả năm nhưng giới hạn một số tuyến bay, số ghế… Nhiều công ty lữ hành phàn nàn những chương trình của ngành du lịch phần lớn mới chỉ mang tính phát động phong trào, lý thuyết… hơn là đi sâu vào cụ thể, thực tế. Một số chương trình trong gói kích cầu năm 2010 lặp lại những chương trình không mấy thành công của năm 2009…

Mạnh ai nấy làm

Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VHTTDL) TPHCM đã phối hợp với Sở Công Thương triển khai rộng khắp trên địa bàn chương trình kích cầu “Việt Nam - Điểm đến của bạn” để các doanh nghiệp tiến hành đăng ký tham gia. Từ đó các sở này sẽ thông báo cho Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Tổng cục Du lịch những chương trình cụ thể du lịch kết hợp mua sắm.

Ngành du lịch thành phố cũng đã chủ động triển khai nhiều kế hoạch khôi phục và phát triển du lịch trong tình hình mới, tạo ra nhiều sản phẩm mới mà điểm nhấn là chương trình “TPHCM - 100 điều thú vị”. Tuy nhiên, thực tế các đơn vị kinh doanh nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch vẫn chưa thực sự “bắt tay” với các hãng lữ hành. Vì thế mới xảy ra tình trạng các chương trình khuyến mại, giảm giá của các đơn vị nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch kết thúc, giá tour sẽ lại bị các hãng lữ hành đẩy lên cao.

Ông Nguyễn Đức Chí, Phó Trưởng phòng Lữ hành (Sở VHTTDL TPHCM), cho biết trong bối cảnh giá cả tiêu dùng, dịch vụ ngày càng tăng, việc liên kết giảm giá giữa các đơn vị sẽ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chính các công ty du lịch, nhà hàng, khách sạn vẫn chưa thực sự liên kết tốt với nhau, nên vào những dịp lễ, Tết, đa số các điểm du lịch như Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết… các dịch vụ nghỉ ngơi, mua sắm đều đồng loạt tự ý tăng giá.

"Thay vì khuyến mại rầm rộ nhưng du khách đi một lần rồi không trở lại, chúng ta cần thay đổi từ những điều nhỏ nhất: Những nụ cười và sự tiếp đón thân thiện từ người bán hàng đến anh lái xe, nhà vệ sinh sạch sẽ, quán xá không lừa lọc chụp giật… mới tạo nên ấn tượng tốt về Việt Nam và khiến du khách muốn quay lại hoặc giới thiệu người khác đến."

Ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch

Theo ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế hệ trẻ, Phó Trưởng nhóm Khuyến mại kích cầu du lịch nội địa tại TPHCM, chương trình kích cầu năm 2010 mang nặng tính phong trào, các doanh nghiệp phải tự tìm hướng để thực hiện, nên hiện tại chỉ có 8 đơn vị liên kết bán lẻ và cũng chỉ thống nhất bán một vài sản phẩm cùng chung một mức giá.

Mới đây, nhóm doanh nghiệp kích cầu du lịch nội địa TPHCM đã tự đề ra một số chương trình nhằm thu hút du khách, như bán vé chuyển khách giữa các thành viên trong nhóm, các đơn vị được Vietnam Airlines bán vé khuyến mại; giúp mua vé cho những đơn vị còn lại để tận dụng tối đa lượng vé máy bay khuyến mại; phát hành công văn đến các khách sạn loại 3 sao trở lên, các nhà hàng, điểm tham quan giải trí, vận chuyển... trên 15 tỉnh - thành để kêu gọi giảm giá 20-40%.

Ở diện rộng hơn, để cạnh tranh thu hút khách, các công ty lữ hành trong nước đã công bố nhiều tour nội địa, quốc tế giảm giá kèm theo nhiều chương trình khuyến mại. Tuy nhiên, mức độ giảm giá vẫn còn chênh lệch, giá tour trọn gói đường hàng không có thế giảm 30-35% nhưng những tour đường bộ chỉ giảm 5-10%. Đại diện Hiệp hội Du lịch TPHCM cho biết các đơn vị lữ hành của thành phố đã liên hệ với nhiều địa phương để giảm giá cung ứng dịch vụ tham quan, mua sắm, địa phương nào chấp thuận mới đưa vào chương trình tour giảm giá cho khách du lịch.

Thay đổi tư duy làm du lịch

Mặc dù còn rất nhiều điều băn khoăn với chương trình kích cầu du lịch năm 2010 nhưng không thể không công nhận những người làm công tác du lịch đã bắt đầu thay đổi tư duy. Thay vì chỉ tập trung với những chương trình khuyến mại ồ ạt nhưng hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn, du lịch nước ta đang hướng đến những hoạt động mang tính chiều sâu.

Du lịch được coi là ngành kinh tế vận động không ngừng, một việc có thể chưa có tác dụng thời điểm này nhưng sẽ mang lại những lợi ích thiết thực ở nhiều năm sau. Thí dụ như các chương trình xúc tiến tại chỗ và hướng về cội nguồn trong gói kích cầu năm 2010. Không phải ngẫu nhiên mà lượng khách du lịch trong quý I-2010 tăng đến 36%, đó là thành quả của cả năm 2009. Cũng giống như vậy, gói kích cầu năm 2010 có thể chưa đem lại lợi ích ngay bây giờ nhưng nó sẽ góp phần thay đổi tập quán làm du lịch những năm sau, thậm chí thay đổi cả tư duy làm du lịch bấy lâu.

Một sản phẩm du lịch bao gồm nhiều yếu tố khác nhau, từ vận tải đến lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm. Những yếu tố này cộng lại có mức giá tốt mới tạo nên một sản phẩm du lịch tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, giá khách sạn, giá vé máy bay tốt nhưng các nhà hàng vẫn cứ vô tư “chặt chém” khách, sẽ rất khó cạnh tranh được với các công ty du lịch nước ngoài. Cần biết rằng, hiện nay các công ty lữ hành của các nước lân cận như Malaysia, Singapore, Thái Lan đang có giá khuyến mại rất hấp dẫn. Vì thế, để các đơn vị liên kết giảm giá bán lẻ, không thể chỉ khuyến khích mà cần có kinh phí hỗ trợ và những chính sách hợp lý để tránh tình trạng “hét giá” vào mùa cao điểm.

Để phát huy một cách tốt nhất những lợi thế, nhất thiết phải có sự thay đổi trong tư duy kinh doanh của các doanh nghiệp. Thay vì tự phát, manh mún phải hợp tác chặt chẽ thành một “chuỗi”. Có như thế mới giữ chân du khách đồng thời tăng lượng khách đến với Việt Nam trong điều kiện các nước láng giềng đang có nhiều lợi thế hơn chúng ta rất nhiều.

Yên Lam - Hoài Trâm

Tin cùng chuyên mục