Mì tôm Việt Nam sắp thoát khỏi “danh sách đen” của EU

Mặt hàng đậu bắp Việt Nam xuất sang EU có thể sắp đối mặt nguy cơ bị tạm cấm nhập khẩu do nhiều lần bị phát hiện có dư lượng vượt mức. Trong khi mì tôm đến từ Việt Nam có thể sẽ được “thoát khỏi” quy định kiểm tra khắt khe ngay tại biên giới của EU.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN-PTNT) vừa cảnh báo, mặt hàng đậu bắp của Việt Nam xuất khẩu sang EU có thể sẽ bị thị trường này ra lệnh “tạm cấm nhập khẩu” trong thời gian tới.

IMG_9064.jpeg
Mặt hàng đậu bắp của Việt Nam xuất khẩu sang EU có thể sẽ bị thị trường này ra lệnh “tạm cấm nhập khẩu” trong thời gian tới

Theo ông Nam, hiện nông sản - thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang có 5 mặt hàng bị EU áp dụng chính sách kiểm soát theo tần suất và tỷ lệ ngay tại cửa khẩu (biên giới) của thị trường này.

Cụ thể, trong nhóm phụ lục I của EU, mặt hàng đậu bắp Việt Nam đang bị kiểm tra với tỷ lệ 50% lô hàng ngay tại cửa khẩu biên giới của EU; tương tự, sầu riêng bị kiểm tra với tần suất 10% và mì ăn liền bị kiểm tra với tần suất 20%.

Đồng thời, trong nhóm phụ lục II, đậu bắp đang bị kiểm tra 50% và thanh long bị kiểm tra 20% ngay tại cửa khẩu biên giới. Các mặt hàng này ngoài chịu tần suất kiểm tra khi đến biên giới thì còn cần phải bổ sung chứng nhận kết quả lấy mẫu và phân tích mẫu theo quy định của EU.

Tuy nhiên, ông Nam cho biết, do trong 6 tháng qua, cơ quan kiểm soát an toàn thực phẩm của EU vẫn phát hiện thanh long và đậu bắp của Việt Nam có vi phạm về dư lượng vượt mức quy định của thị trường này, trong khi hiện tại đậu bắp đang bị kiểm soát ở mức cao nhất, nên sắp tới có thể bị đưa vào nhóm “tạm dừng nhập khẩu”, còn thanh long hiện đang kiểm soát với tỷ lệ 20% thì sẽ bị nâng lên 30%.

IMG_9065.png
Sản xuất mì tôm ở Việt Nam. Ảnh minh họa

Cũng theo ông Nam, riêng mặt hàng mì tôm (mì ăn liền) được sản xuất tại Việt Nam để xuất vào EU thì sắp tới có thể sẽ được EU đưa ra khỏi nhóm bắt buộc kiểm tra tần suất (mẫu) tại cửa khẩu biên giới, do trong 6 tháng qua, cơ quan chức năng của EU không phát hiện có vi phạm.

Tuy nhiên, ông Ngô Xuân Nam lưu ý, các doanh nghiệp vẫn có thể bị đưa trở lại “phụ lục đen” nếu hàng hóa xuất sang EU tái vi phạm về an toàn thực phẩm.

Tin cùng chuyên mục