Kinh tế TPHCM: Tăng trưởng đi vào chiều sâu

Tăng trưởng đạt đỉnh 5 năm
Kinh tế TPHCM: Tăng trưởng đi vào chiều sâu

Sáng 24-6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, Thường trực UBND TPHCM đã họp về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM 6 tháng đầu năm 2010, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho 6 tháng cuối năm. Nhận định của các sở ngành chức năng và UBND TP cho thấy: 6 tháng qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP bằng với thời kỳ nền kinh tế phát triển mạnh nhất trong 5 năm qua. Trong khi đó, chất lượng sống của người dân vẫn tiếp tục là nỗi thách thức đối với chính quyền TP…

Khách quốc tế tại TPHCM chiếm hơn 50% lượng khách của cả nước. Ảnh: VIỆT DŨNG

Khách quốc tế tại TPHCM chiếm hơn 50% lượng khách của cả nước. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tăng trưởng đạt đỉnh 5 năm

Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM cho biết, tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn TP ước đạt 162.200 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ, cao hơn 6 tháng đầu năm 2009 và cả năm 2009 (GDP 6 tháng đầu năm 2009 tăng chỉ 4,6% và cả năm tăng 8,5%). “Tốc độ tăng trưởng này bằng với mức tăng thời kỳ nền kinh tế TP phát triển mạnh nhất của 5 năm qua (từ năm 2006 đến nay). Các ngành: dịch vụ, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đều tăng trưởng”, ông Thái Văn Rê nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân thông tin thêm: “Khác với những năm trước, tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2010 mang một ý nghĩa hết sức quan trọng khi kết quả này gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP. Cụ thể, chỉ tính tại Khu công nghệ cao TP, giá trị sản xuất công nghiệp kỹ thuật cao trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt trên 500 triệu USD. Nếu dồn sức, chỉ đạo quyết liệt hơn thì tốc độ tăng trưởng GDP của TPHCM cả năm 2010 có thể đạt đến 12%”.

Nhận định sâu về tình hình phát triển ngành công nghiệp TP, ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho rằng: Doanh nghiệp TP mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, cộng với trình độ, năng lực vững chắc và sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND TPHCM trong việc hỗ trợ lãi suất giúp doanh nghiệp đứng vững, phát triển vững chắc. “Cách đây 2, 3 năm, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp TP luôn thấp hơn so với bình quân cả nước nhưng 6 tháng đầu năm nay thì tốc độ phát triển ngành công nghiệp TP tăng 13,7%, trong khi cả nước tăng 13,6%. Điều này cho thấy, tăng trưởng kinh tế của TP đã dần đi vào chiều sâu”.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cũng tăng đến 33,1% so với cùng kỳ. Riêng tổng doanh thu du lịch tăng 26,9%. Báo cáo cụ thể của ngành du lịch TP cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế tại TPHCM chiếm hơn 50% lượng khách quốc tế của cả nước.

Nỗi lo về chất lượng sống

Nền kinh tế TPHCM đạt được những kết quả đáng mừng, đáng trân trọng. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến chất lượng sống của người dân vẫn đang là nỗi thách thức lớn. Hội nghị thẳng thắn nhìn nhận, tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn TP vẫn còn chậm. Chưa kể, tình hình ùn tắc giao thông chưa được cải thiện; ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước chưa được giải quyết. Đặc biệt, việc bố trí mạng lưới vận tải hành khách công cộng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Tình hình thiên tai, dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là người nghèo.

Mặt khác, nhiều vấn đề cố hữu vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Đó là lực lượng lao động có tay nghề vẫn còn thiếu; công tác đào tạo nguồn lao động chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; tồn tại tình trạng thiếu hụt lao động tại các cơ sở sản xuất, các KCX - KCN; vẫn còn tình trạnh chủ doanh nghiệp nợ lương người lao động. Công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm chưa chặt chẽ, bộc lộ nhiều hạn chế.

Đặc biệt, theo báo cáo mới nhất của UBND TPHCM, trong 24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu mà TP phấn đấu thực hiện trong năm 2010, đến nay - qua nửa chặng đường thực hiện - TP đã đạt được 50% chỉ tiêu nhưng phần lớn là các chỉ tiêu về kinh tế, trong khi nhiều chỉ tiêu xã hội chưa đạt. Trong đó có thể kể đến là chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh quy đổi; xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường; tỷ lệ xử lý nước thải y tế; xử lý chất thải rắn y tế; thu gom, xử lý chất thải rắn nguy hại…

5 nhóm giải pháp lớn

Để nền kinh tế TP tiếp tục phát triển bền vững, đi vào chiều sâu, TPHCM đề ra 5 nhóm giải pháp lớn. Trong đó, TP tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Với nhóm giải pháp này, TP tập trung phát triển các ngành dịch vụ có thế mạnh và lợi thế so sánh, có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp gắn với nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nhằm tăng hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

May áo sơ mi xuất khẩu tại Tổng Công ty cổ phần may Nhà Bè. Ảnh: CAO THĂNG
May áo sơ mi xuất khẩu tại Tổng Công ty cổ phần may Nhà Bè. Ảnh: CAO THĂNG

“TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển 4 ngành công nghiệp gồm: cơ khí, điện tử - tin học, hóa chất, chế biến lương thực - thực phẩm có giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, TP cũng tập trung phát triển nhanh các sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ cao, có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao, các ngành công nghiệp phụ trợ”, Chủ tịch Lê Hoàng Quân nhấn mạnh.

Nhóm giải pháp quan trọng khác là điều hành linh hoạt, thực hiện tốt chính sách tài chính, tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa lạm phát cao và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Trong nhóm giải pháp này, TP sẽ quyết liệt trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý chi tiêu ngân sách ở tất cả các ngành cách cấp; tăng cường công tác kiểm tra thuế, xử lý nghiêm các vi phạm về thuế, nhất là thuế VAT; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá, gian lận thương mại, đầu cơ buôn lậu.

Kế đến là giải pháp nhằm bảo đảm tốt an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác phòng chóng tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cuối cùng là tăng cường quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, tạo môi trường thuật lợi cho sự phát triển của TP. Ở giải pháp thứ 5 này, TP tiếp tục triển khai các biện pháp kéo giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục