Thương lái Trung Quốc thao túng giá khoai

Thời gian gần đây nhiều thương lái Trung Quốc tăng cường thu gom nông thủy sản của nước ta khiến nhiều người lo ngại. Tại 2 huyện trồng khoai lang nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Long là Bình Minh và Bình Tân, thương lái Trung Quốc chẳng những thu gom khoai lang mà còn lập cả kho bãi và “núp bóng” dân bản xứ thuê đất trồng khoai, thao túng giá cả. Trước tình hình trên, ngày 20-7, ông Nguyễn Văn Diệp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã chủ trì cuộc họp với các ngành liên quan bàn giải pháp cho tình trạng trên.
Thương lái Trung Quốc thao túng giá khoai

Thời gian gần đây nhiều thương lái Trung Quốc tăng cường thu gom nông thủy sản của nước ta khiến nhiều người lo ngại. Tại 2 huyện trồng khoai lang nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Long là Bình Minh và Bình Tân, thương lái Trung Quốc chẳng những thu gom khoai lang mà còn lập cả kho bãi và “núp bóng” dân bản xứ thuê đất trồng khoai, thao túng giá cả. Trước tình hình trên, ngày 20-7, ông Nguyễn Văn Diệp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã chủ trì cuộc họp với các ngành liên quan bàn giải pháp cho tình trạng trên.

  • Làm chủ...vùng nguyên liệu?

Theo thống kê mới nhất của Phòng Kinh tế huyện Bình Minh, đến thời điểm này có 19 thương lái Trung Quốc thuê đất làm nhà kho dọc theo quốc lộ 1 A thuộc xã Thuận An. Ước tính có trên 10 kho với diện tích 3.425 m². Bên cạnh đó, thương lái Trung Quốc còn thuê hơn 480 lao động ở địa phương để làm công như phân loại khoai, vô hộp… với giá từ 10.000 đồng/giờ làm ban ngày và 15.000 đồng/giờ làm ban đêm.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Bình Minh Phan Thị Bé, cho biết: “Đa số thương lái Trung Quốc yêu cầu người bản xứ đứng ra thuê đất xây kho với giá 10 triệu đồng/500m²/năm. Bình quân mỗi ngày có 5 xe tải loại 35 tấn/xe, chở khoai lang từ Bình Minh sang Trung Quốc. Thế nhưng, vấn đề thu mua khoai không ổn định, chỉ cần họ ngưng mua vài ngày là giá khoai giảm liền. Điều này khiến nông dân trồng khoai luôn đối mặt nhiều rủi ro”. Cũng theo Phòng Kinh tế huyện Bình Minh, hầu hết khoai lang ở địa phương đều được dán nhãn bằng chữ Trung Quốc ngay tại các kho ở Bình Minh rồi mới xuất đi, điều này không đúng quy định của pháp luật.

Không chỉ lập kho và thu gom nguyên liệu, thương lái Trung Quốc còn “núp bóng” người dân bản xứ để thuê đất trồng khoai lang. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, đã có trên 46 ha đất lúa tại xã Thuận An cho thuê để trồng khoai, với giá 35 triệu đồng/ha/năm (thời hạn thuê trong 3 năm). Đồng thời thuê nhân công trực tiếp sản xuất và chăm sóc với giá từ 80.000 -120.000 đồng/ngày. Riêng người quản lý và phụ trách kỹ thuật được trả lương 7 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long cho rằng, qua kiểm tra đã phát hiện tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không nhãn mác hoặc đã xóa nhãn; cơ cấu giống khoai tập trung lớn ở một số giống sẽ gây bất lợi cho nông dân trồng khoai trong tỉnh.

Khoai lang Vĩnh Long đóng thùng xuất sang Trung Quốc. Ảnh: HUỲNH LỢI

Khoai lang Vĩnh Long đóng thùng xuất sang Trung Quốc. Ảnh: HUỲNH LỢI

  • Đe dọa môi trường sống

Ông Doãn Ngọc Chiến, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Vĩnh Long, lo ngại: “Việc cho người nước ngoài thuê đất nhưng thiếu sự quản lý sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Theo quy định của pháp luật chỉ có Chủ tịch UBND tỉnh mới có thẩm quyền xem xét và quyết định cho người nước ngoài thuê đất. Trong khi thương lái Trung Quốc đang vận dụng nhiều cách khác nhau để làm việc này ngay tại vùng khoai. Mặt khác, vấn đề sử dụng nông dược không rõ nguồn gốc không chỉ đe dọa môi trường mà còn gây tổn hại cho vùng khoai lang đặc sản của Vĩnh Long”.

Cũng trăn trở về việc này, ông Phạm Chí Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương Vĩnh Long, khẳng định hầu hết các trạm, kho bãi thu mua khoai lang của thương lái Trung Quốc đều vi phạm pháp luật Việt Nam. Đơn cử như họ sử dụng trên 10 lao động mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp, không đăng ký kinh doanh, không kê khai thuế, bao bì nhãn mác… cũng không phù hợp với những quy định hiện hành. Trước tình hình trên, Sở NN- PTNT Vĩnh Long, cho biết sẽ yêu cầu Chi cục Bảo vệ thực vật kiểm tra những cánh đồng khoai lang do người Trung Quốc “núp bóng” thuê đất, đang sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật gì, gây ô nhiễm mức độ nào đến môi trường.

Ông Nguyễn Văn Diệp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho rằng, để xảy ra tình trạng trên là do sự quản lý lỏng lẻo của các ngành chức năng và chính quyền địa phương. Do đó, ngành nông nghiệp phải sớm kết hợp với các ngành liên quan kiểm tra lại chính xác việc cho thuê đất và quy hoạch diện tích trồng khoai lang ở tỉnh, nhất là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có gây ô nhiễm môi trường về lâu dài hay không. Khâu tiêu thụ khoai lang đang bộc lộ nhiều rủi ro, thiếu bền vững bởi phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Người dân xã Thuận An, huyện Bình Minh, Vĩnh Long thu hoạch khoai lang.Ảnh: HUỲNH LỢI

Người dân xã Thuận An, huyện Bình Minh, Vĩnh Long thu hoạch khoai lang.Ảnh: HUỲNH LỢI

Vì vậy, cần tìm thêm những thị trường khác như Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia… Đồng thời, tính toán kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến khoai lang, nhằm tăng thêm giá trị và lợi nhuận cho nông dân. Xây dựng thương hiệu và tổ chức sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn Global GAP để đưa khoai lang Vĩnh Long vào những thị trường khó tính – có giá trị kinh tế cao như châu Âu, Nhật Bản…  Ông Diệp lưu ý, việc chấn chỉnh quản lý phải làm chu đáo và đúng pháp luật nhưng không gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu khoai lang, tránh ảnh hưởng đầu ra làm thiệt thòi quyền lợi người trồng khoai.

HUỲNH LỢI - AN BÌNH

Tin cùng chuyên mục