GS-TS Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tái cấu trúc thị trường tài chính

Chính phủ đang triển khai việc tái cấu trúc toàn diện nền kinh tế, đẩy nhanh việc thực hiện những giải pháp tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường. Nhân dịp đầu năm, GS-TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trả lời phỏng vấn phóng viên Báo SGGP về những kế hoạch, hành động trong năm nay.
GS-TS Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tái cấu trúc thị trường tài chính

Chính phủ đang triển khai việc tái cấu trúc toàn diện nền kinh tế, đẩy nhanh việc thực hiện những giải pháp tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường. Nhân dịp đầu năm, GS-TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trả lời phỏng vấn phóng viên Báo SGGP về những kế hoạch, hành động trong năm nay.

  • Ưu tiên doanh nghiệp sản xuất kinh doanh

° PV: Trong bối cảnh kinh tế - xã hội năm 2012 dự báo nhiều khó khăn, Bộ Tài chính sẽ làm gì để hỗ trợ các DN, nhất là DN nhỏ và vừa  thưa Bộ trưởng?

° Bộ trưởng VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: Ngành tài chính đã và đang triển khai nhiều giải pháp tài chính để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, sớm ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh. Trước hết về chính sách thuế, Bộ Tài chính dự kiến tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập DN thêm 3 tháng đối với thuế của quý 1 và quý 2 năm 2011 (đã có khoảng 7.843 tỷ đồng được gia hạn một năm theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ); nghiên cứu trình các biện pháp giãn, giảm thuế.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính về thuế, hải quan theo hướng tăng cường tính công khai minh bạch, tự khai, tự chịu trách nhiệm, góp phần giảm chi phí và thời gian sản xuất kinh doanh, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành và thực hiện chính sách thuế, hải quan nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, hiệu quả và thông thoáng trong nền kinh tế.

Hiện nay, Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quản lý thuế đang được Bộ Tài chính hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, theo hướng giảm thời gian, tần suất kê khai, nộp thuế, giảm chi phí của người nộp thuế, mở rộng diện DN đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế qua internet; chuẩn hóa quy trình quản lý thuế trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm thống nhất, có tính liên kết cao…

Người dân mua bán hàng hóa trong dịp tết. Ảnh: H.TRÂM

Người dân mua bán hàng hóa trong dịp tết. Ảnh: H.TRÂM

  • Thực hiện đồng bộ các giải pháp

° Năm 2012, Chính phủ đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở dưới hai con số. Bộ trưởng có thể cho biết những ưu tiên trong điều hành chính sách để kiềm chế giá cả năm 2012?

° Kinh tế thế giới năm 2012 được một số tổ chức kinh tế lớn dự báo vẫn gặp nhiều khó khăn thách thức... nên tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước có khả năng giảm hơn năm 2011. Với dự báo trên, chỉ số giá tiêu dùng năm 2012 dự kiến vẫn tăng, nhưng tốc độ tăng có khả năng giảm hơn so với năm 2011. Vì vậy muốn bình ổn giá phải phấn đấu quyết liệt và thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây mới có thể đạt được chỉ số giá như mục tiêu đề ra; cụ thể:

Về quản lý, điều hành giá, thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường, xóa bao cấp đối với các loại hàng hóa, dịch vụ còn bao cấp qua giá vào thời điểm thích hợp, với liều lượng hợp lý phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện công khai, minh bạch giá các hàng hóa, dịch vụ… đi đôi với các giải pháp hỗ trợ hợp lý đối với những ngành sản xuất gặp khó khăn, hỗ trợ đối với người nghèo, người có thu nhập thấp, thực hiệc các chính sách an sinh, xã hội.

Thực hiện cơ chế DN sản xuất, kinh doanh tự định giá, cạnh tranh về giá phù hợp với các quy định của pháp luật đối với đại bộ phận hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế, như: hàng nông, lâm, thủy sản; hàng tư liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, hàng công nghiệp tiêu dùng… Nhà nước áp dụng các biện pháp kinh tế gián tiếp để tác động vào sự hình thành và vận động của giá hàng hóa dịch vụ trên và mặt bằng giá để thực hiện mục tiêu bình ổn giá.

Kiểm soát giá độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh về giá, chống bán phá giá và chuyển giá nội bộ theo quy định của pháp luật. Kiểm soát các phương án giá, mức giá của hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục nhà nước định giá, bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá; những hàng hóa dịch vụ được nhà nước sử dụng ngân sách để đặt hàng phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia, hàng hóa phục vụ công ích.

Thực hiện các giải pháp về phát triển sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ: Nhất quán triển khai có hiệu quả các biện pháp Chính phủ đề ra để giải quyết các vấn đề hợp lý từ “gốc” của sự hình thành vận động của giá cả, kiềm chế lạm phát; giữ vững các cân đối kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống; tích cực chấn chỉnh, sắp xếp, hoàn thiện mạng lưới kinh doanh, khắc phục tình trạng mua bán lòng vòng, chồng chéo, lũng đoạn thị trường; thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; rà soát, sửa đổi bổ sung các cơ chế chính sách còn bất cập để khuyến khích xuất khẩu; coi trọng phát triển thị trường nội địa, nhất là thị trường nông thôn, miền núi; thực hiện có hiệu quả hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

° Chiến lược tái cơ cấu thị trường tài chính, nhất là thị trường chứng khoán (TTCK) để khơi thông nguồn vốn dài hạn phục vụ sản xuất, kinh doanh là một trong những lĩnh vực được cộng đồng DN và nhà đầu tư chờ đợi trong năm 2012. Xin Bộ trưởng cho biết rõ hơn về vấn đề này?

° Năm 2012, ngành tài chính sẽ triển khai tập trung đề án tái cơ cấu thị trường tài chính tập trung vào TTCK, thị trường vốn nhằm mục tiêu tiếp tục hình thành và phát triển thị trường vốn, TTCK bảo đảm vai trò là kênh huy động nguồn vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo điều kiện cho sự phát triển đồng bộ các thị trường vốn, TTCK trên nguyên tắc tôn trọng các quy luật thị trường, hạn chế can thiệp hành chính, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, minh bạch, ổn định. Thực hiện tái cấu trúc cơ sở hàng hóa trên cơ sở hoàn thiện và nâng tiêu chí phát hành, niêm yết, chuyển từ cấp phép sang chế độ công bố thông tin đầy đủ; tái cấu trúc chứng khoán chưa niêm yết; tập trung khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài có mục tiêu đầu tư dài hạn…

° Xin cảm ơn Bộ trưởng!

BÌNH THU - HÀN NI (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục