Cần giải pháp giải cứu doanh nghiệp

Thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Cần giải pháp giải cứu doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, với đà giảm lãi suất rất chậm hiện nay, có thể dự đoán xu hướng tăng mạnh số lượng doanh nghiệp (DN) tuyên bố phá sản, đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trong thời gian tới. Chính vì vậy, việc ổn định vĩ mô và phục hồi tăng trưởng không dừng lại chủ yếu ở nhiệm vụ kiềm chế lạm phát mà phải bổ sung một nhiệm vụ quan trọng khác với mức độ ưu tiên ngày càng cao. Đó là chống đình đốn kinh tế, tập trung sức để cứu khu vực DN.

Lãi suất cho vay giảm dần sẽ giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Cao Thăng

Lãi suất cho vay giảm dần sẽ giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Cao Thăng

Thúc đẩy sản xuất kinh doanh

PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, khi đề cập đến sự giảm sút sức khỏe DN hiện nay, điều quan trọng nhất chưa hẳn thể hiện ở số lượng DN phá sản hay đóng cửa. Cái đáng lo ngại hơn là tình trạng đa số DN đang cắt giảm công suất hoạt động với mức độ cắt giảm ngày càng tăng. Đây mới đích thực là phần chìm của tảng băng khó khăn mà các DN Việt Nam đang gặp phải.

Khác những năm trước, tình trạng đình đốn sản xuất đã khiến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, suy giảm mạnh. Sau một thời gian dài nền kinh tế khó khăn, tình hình tài chính nhiều DN xấu đi nghiêm trọng. DN không đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, các ngân hàng càng thận trọng hơn trong hoạt động cho vay. Diễn biến kinh tế quý 1 cho thấy tình hình kinh tế đã và đang có những thay đổi nhanh và mạnh theo chiều hướng xấu, đòi hỏi phải đánh giá lại thực chất, xem xét xu hướng và triển vọng ngắn hạn để có những quyết sách phù hợp.

Ông Trần Đình Thiên cũng cho rằng, cần giảm lạm phát thấp hơn (có thể khoảng 6% - 7%) để trên cơ sở đó giảm lãi suất xuống tới mức bảo đảm cho khối DN đang “khát” vốn và khả năng hấp thụ vốn rất yếu có thể tiếp cận được vốn dễ dàng. Hiện nay, nhiều ý kiến cũng như nhiều DN cho rằng mức lãi suất cho vay nếu có kéo giảm xuống 13% - 14%/năm (hiện tại 17% - 18%/năm, thậm chí 19% - 20%) vẫn là quá cao, không giúp đa số DN đang gay go có thể tiếp tục “sống”, chưa nói cải thiện tình hình. Bởi so với mặt bằng lãi suất cho vay bình quân tại một số nước trong khu vực (Ấn Độ khoảng 10%, Philippines 7,3%, Thái Lan 6,9%, Trung Quốc 6,6%, Singapore 5,4%), mức lãi suất cho vay bình quân của Việt Nam quá cao. Đây là gánh nặng quá lớn, làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của các sản phẩm và DN Việt Nam, vốn đang rất yếu.

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Trong một đề xuất toàn diện hỗ trợ DN, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, nêu điểm quan trọng đầu tiên là Chính phủ tiếp tục quyết liệt tập trung chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, từng bước có biện pháp hiệu quả để kiểm soát, kiềm chế lạm phát trong thời gian sớm nhất, hướng tới việc giảm lãi suất xuống mức hợp lý.

Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần tăng cường công tác dự báo thị trường trong và ngoài nước để điều chỉnh chính sách kịp thời, hạn chế khả năng nợ xấu tại các ngân hàng có thể dẫn đến tình trạng chỉ số tín nhiệm quốc gia bị giảm và hệ quả DN gặp khó khăn khi vay vốn nước ngoài. Tiếp tục giãn thuế và xem xét khả năng giảm thuế thu nhập DN đối với DN hoạt động trong một số lĩnh vực...

Ở khía cạnh khác, dùø quan ngại trước thực tế đang rất khó khăn của DN, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Lê Xuân Bá, số DN phá sản, giải thể cũng chưa hẳn là nhiều và bản thân DN yếu kém tại sao phải cứu? Nằm trong các giải pháp hỗ trợ DN vượt khó, cùng với việc hạ trần lãi suất còn 12%, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động phối hợp với khách hàng vay để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ và tiếp cận vốn. Có như vậy mới tạo điều kiện cho DN từng bước phục hồi, duy trì và mở rộng sản xuất - kinh doanh, đảm bảo khả năng trả nợ, giảm nợ xấu. Song song đó, tiếp tục xem xét cho vay mới đối với khách hàng vay vốn có hiệu quả và đảm bảo khả năng trả nợ. Theo đại diện một số DN, trong bối cảnh nhiều DN khó khăn và đứng trước nguy cơ phá sản như hiện nay, việc hạ lãi suất được coi là một phương thuốc để cứu DN nhưng vẫn chưa đủ.

Nỗ lực tự thân

Theo các chuyên gia, để vượt qua khó khăn năm 2012, DN cần rà soát lại kế hoạch kinh doanh gắn liền với kế hoạch tài chính (tập trung vào những sản phẩm có khả năng tăng trưởng, tiêu thụ nhanh để thu hồi vốn sớm), mở rộng thị trường nội địa, xâm nhập thị trường bên ngoài (như Trung Quốc, Hàn Quốc...). Bên cạnh đó, các DN cần khai thác tối đa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường để đáp ứng các sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế. Theo Viện Phát triển doanh nghiệp, các DN cần tiếp tục thực hiện tái cấu trúc, tập trung vào yếu tố nâng cao năng suất lao động, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Quan trọng hơn phải đa dạng nguồn vốn không quá phụ thuộc vào ngân hàng và cơ cấu lại danh mục sản phẩm để đảm bảo duy trì được thị trường chính, khách hàng lâu dài...

"DN nhất là DN nhỏ và vừa cần chủ động trong việc xây dựng phương án, phương thức đầu tư phù hợp với năng lực về vốn, công nghệ và con người. Đặc biệt, cần minh bạch tài chính. Kinh nghiệm một số DN đã vay vốn thành công cho thấy, trước hết họ cần phải thuyết phục được ngân hàng về hiệu quả của phương án một cách rõ ràng như: khó khăn và thuận lợi của dự án, chi phí ban đầu, doanh thu, kế hoạch trả nợ..."

PGS-TS Nguyễn Thị Mùi,
Ngân hàng TMCP Công thương

Hà My

Tin cùng chuyên mục