Đầu tư ra nước ngoài: Phải quản lý được dòng tiền ra - vào

Trong thời hội nhập, việc dòng vốn Việt chảy ra nước ngoài theo các dự án đầu tư là chuyện tất yếu. Tuy nhiên, xung quanh lĩnh vực này vẫn còn có những cách nhìn nhận khác nhau, nhất là khi các doanh nghiệp trong nước đang “khát” vốn gay gắt. Mặt khác, một tỷ lệ rất lớn vốn đầu tư ra nước ngoài hiện nay là của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chia sẻ góc nhìn về vấn đề này với Báo SGGP.
Đầu tư ra nước ngoài: Phải quản lý được dòng tiền ra - vào

Trong thời hội nhập, việc dòng vốn Việt chảy ra nước ngoài theo các dự án đầu tư là chuyện tất yếu. Tuy nhiên, xung quanh lĩnh vực này vẫn còn có những cách nhìn nhận khác nhau, nhất là khi các doanh nghiệp trong nước đang “khát” vốn gay gắt. Mặt khác, một tỷ lệ rất lớn vốn đầu tư ra nước ngoài hiện nay là của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chia sẻ góc nhìn về vấn đề này với Báo SGGP.

Cao su do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư trồng tại Lào đang cho thu hoạch mủ. Ảnh: Tuấn Quốc

Cao su do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư trồng tại Lào đang cho thu hoạch mủ. Ảnh: Tuấn Quốc

Không chỉ là kinh tế...

Khi hội nhập thì quy luật là bắt đầu với giao thương, rồi sau đó đến đầu tư. Các quan hệ thương mại với nước ngoài của chúng ta đã rất phát triển và bước sang giai đoạn đầu tư. Cơ hội kinh doanh ở nhiều thị trường thế giới mở ra cho các doanh nhân, doanh nghiệp không giống nhau. Cũng trong cùng lĩnh vực, có nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy ở thị trường Việt Nam cơ hội cho họ, nhưng doanh nghiệp trong nước cũng có thể nhìn thấy ở thị trường nước ngoài cơ hội, nhờ khả năng tiếp cận, cạnh tranh của họ. Không nhất thiết cứ phải sản xuất kinh doanh trong nước mới làm lợi cho đất nước. Chúng ta thu hút FDI, nhưng cũng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài đem lợi tức về cho đất nước. Hiện có những nước như Nhật Bản, lợi tức từ hoạt động đầu tư nước ngoài đem lại có khi còn lớn hơn lợi tức tạo ra trong nước. Cho nên các nước mới có khái niệm GNP (tổng thu nhập quốc dân), bao gồm cả phần đầu tư ra nước ngoài đem lợi tức về.

Phải nói rõ rằng, trong đầu tư ra nước ngoài, chính trị cũng là một yếu tố chi phối quan trọng. Nếu địa chỉ đầu tư là những quốc gia - đối tác chiến lược thì câu chuyện không chỉ là công cuộc kinh doanh thuần túy. Bên cạnh công chuyện làm ăn, còn có chuyện hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia nữa. Và khi hai quốc gia có quan hệ hợp tác chiến lược thì chính phủ hai bên có thể dành cho nhà đầu tư nhiều ưu đãi. Tại sao Nhật Bản dành ODA cho Việt Nam rất nhiều? Một trong những nguyên nhân sâu xa là nếu cơ sở hạ tầng của Việt Nam tốt lên thì nhà đầu tư Nhật cũng được hưởng lợi.

Hay như hiện tại, Việt Nam nằm trong tốp những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Lào và các nhà đầu tư Việt Nam đang được chính phủ cả hai bên dành nhiều ưu đãi.

Một số dự án đầu tư vì mục tiêu chính trị thì khác và nước nào cũng có. Những dự án như vậy có thể không sinh lợi lớn về tài chính, nhưng có những lợi ích khác. Ở Việt Nam các dự án như vậy thường do DNNN thực hiện, các nước khác có thể thông qua DN tư nhân. Trong trường hợp này, nhà đầu tư có thể được hỗ trợ, thông qua nguồn tín dụng giá rẻ, nhà nước bù chi phí để bù lại yếu tố rủi ro.

  • Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Đào Quang Thu

Đầu tư ra nước ngoài góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần thực hiện chiến lược phát triển của đất nước và tìm kiếm lợi nhuận mang về cho đất nước, cho doanh nghiệp

Cân nhắc thiệt, hơn

Tuy nhiên, bóc tách phần nhiệm vụ chính trị ra thì nguyên tắc - suy cho cùng - vẫn phải là có lợi ích mới làm. Đương nhiên với các dự án của doanh nghiệp tư nhân là vậy và DNNN cũng vậy.

Ở TPHCM nhiều năm trước, tôi biết rằng Saigon Tourist đã mở nhiều nhà hàng ở một số nước châu Âu, Mỹ. Họ tìm kiếm lợi nhuận ở các thị trường đó; đồng thời cũng tạo bàn đạp để phát triển các tour du lịch ra nước ngoài của họ nữa. Tóm lại, việc mang chuông đi đánh xứ người thế nào cho kêu là việc doanh nghiệp phải tính toán. Tuy nhiên, từ góc độ vĩ mô thì phải lưu ý một số việc.

Trước hết, Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ dòng tiền đi ra và đánh giá lợi tức đưa về. Nguyên tắc là đem ngoại tệ ra thì sau một thời gian nhất định, ví dụ 5 năm, phải biết được hiệu quả dòng tiền đó tạo ra như thế nào. Nếu doanh nghiệp làm vì mục tiêu chính trị thì Nhà nước phải tính cho họ phần nào làm nhiệm vụ chính trị, phần nào kinh doanh cho sòng phẳng.

Bên cạnh đó, để giữ gìn uy tín quốc gia thì phải luôn có sự nhắc nhở, đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ luật pháp của quốc gia sở tại, không được vi phạm pháp luật.

Nếu doanh nghiệp của nước ta ra nước ngoài gặp khó khăn, nhất là vì rào cản ngôn ngữ, luật pháp, tập quán kinh doanh... thì các thương vụ, đại sứ quán ở nước ngoài của chúng ta cần lập tức hỗ trợ doanh nghiệp. Tôi được biết trong quá trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam, các vị đại sứ từ các quốc gia có doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực liên quan thường theo dõi rất kỹ và sẵn sàng can thiệp khá quyết liệt để hỗ trợ doanh nghiệp. Thậm chí nhiều vị Đại sứ đã từng cùng ký chung văn bản kiến nghị gửi các cơ quan chức năng của ta.

Hiện tại Việt Nam đầu tư ra ngoài chưa lớn, khoảng 17 tỷ USD, chủ yếu là những nước láng giềng; góp phần gắn kết quan hệ chính trị, ngoại giao... Nhưng trong tương lai xa, doanh nghiệp Việt chắc chắn cũng sẽ “vươn khơi”, ra biển lớn. Tôi cho rằng đó là xu hướng rất hiện thực!

* Theo Quyết định số 236/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài”, địa bàn đầu tư ra nước ngoài sẽ ưu tiên phát huy các tiềm năng từ bên ngoài phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước; trong đó chú trọng các nước có biên giới gần.

Bên cạnh đó, tiếp tục khai thác và phát huy thế mạnh của các thành phần kinh tế Việt Nam trong đầu tư vào các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, các nước trong khu vực, Liên bang Nga...; đồng thời từng bước mở rộng đầu tư sang các nước và thị trường mới như Mỹ Latinh, Đông Âu, châu Phi tùy vào cơ sở lợi thế so sánh và thực lực của các thành phần kinh tế Việt Nam. Lĩnh vực ưu tiên là những ngành Việt Nam có lợi thế, phù hợp với chiến lược như lĩnh vực năng lượng, sản xuất điện năng, khai thác tài nguyên thiên nhiên; trong đó đặc biệt chú trọng các lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí và khoáng sản khác; lĩnh vực nuôi, trồng, sản xuất, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp; trồng cây công nghiệp và chế biến các sản phẩm từ cây công nghiệp; viễn thông…

Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ các dự án đầu tư ra nước ngoài đáp ứng được các yêu cầu trong nước về nguyên liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.

BẢO ANH ghi

Tin cùng chuyên mục