Làm ruộng lấy... USD

Lâu nay, cứ tưởng chỉ dân ta mới cày ruộng nhưng, một chàng thanh niên làng chài Phước Hải (phường Cửa Đại, Hội An, Quảng Nam) biến cái nghề khổ nhất ấy để làm cần câu cơm và làm giàu từ nó: dẫn Tây về Hội An cày ruộng. Đó là tuyến du lịch “nóng” nhất Hội An hiện nay. Anh là Trần Văn Khoa, Khoa Eco-Tour, như cách người dân gọi anh.
Làm ruộng lấy... USD

Lâu nay, cứ tưởng chỉ dân ta mới cày ruộng nhưng, một chàng thanh niên làng chài Phước Hải (phường Cửa Đại, Hội An, Quảng Nam) biến cái nghề khổ nhất ấy để làm cần câu cơm và làm giàu từ nó: dẫn Tây về Hội An cày ruộng. Đó là tuyến du lịch “nóng” nhất Hội An hiện nay. Anh là Trần Văn Khoa, Khoa Eco-Tour, như cách người dân gọi anh.

Du khách nước ngoài thích thú bắt cá tại Cửa Đại khi chọn tuyến du lịch của Khoa Eco-Tour.

Du khách nước ngoài thích thú bắt cá tại Cửa Đại khi chọn tuyến du lịch của Khoa Eco-Tour.

Từ chiếc thúng chai mượn hàng xóm

Sinh năm 1978 tại làng chài ven biển Cửa Đại. Đầu tóc húi cua, nước da đen màu biển mặn. Nhìn Khoa, ít ai nghĩ anh là chủ một hãng du lịch có tiếng ở Hội An.

Cách đây 7 năm, gia đình Khoa thuộc diện nghèo ở làng chài Phước Hải. Nhà sâu hút trong ngoằn ngoèo xóm chài bên Cửa Đại. Thế nhưng, 7 năm sau đó, Khoa xây dựng cho cha mẹ ngôi nhà hoành tráng. Phần mình, một ngôi nhà khang trang, tiện nghi và cũng chính là trụ sở của Công ty Du lịch Hoian Eco-Tour với tài sản hơn 7 tỷ đồng. Khoa nói: “Tôi làm giàu bằng ý tưởng điên rồ và hai chiếc thúng chai mượn của hàng xóm”.

Tốt nghiệp Cử nhân biên phiên dịch tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng năm 2003 nhưng gia đình nghèo quá, không xin được việc làm ổn định, Khoa len lỏi khắp các khách sạn ở Hội An để xin việc. Trong 2 năm, Khoa lần lượt làm nhân viên cho các khách sạn nổi tiếng tại Hội An. Những ngày làm tại đây, nắm bắt được sở thích du lịch của khách Tây đến với Hội An là rất muốn hòa đồng với thiên nhiên và cuộc sống thường ngày với người dân bản xứ, Khoa nghĩ mình phải tìm cách kiếm tiền từ đó. Thế nhưng, vốn không có, lương nhân viên quèn chẳng đủ để nuôi thân huống gì mở tour du lịch. Liều, Khoa nghỉ việc về mượn 2 chiếc thúng chai của hàng xóm để mở công ty du lịch trước sự ngăn cản của bạn bè, người thân. Khoa mở tour du lịch trên sông với các sản phẩm du lịch như: đánh cá trên sông, tham quan rừng dừa 7 mẫu, ngắm bình minh - hoàng hôn trên biển Cửa Đại, lặn biển… Rừng dừa thì thiên nhiên ban tặng; thúng chai, thuyền thì đi mượn, đi thuê hàng xóm. Thế là thành công ty du lịch. Lạ, độc đáo và hấp dẫn, chẳng mấy lâu sau, các tuyến du lịch của Khoa hút khách lạ kỳ.

“Mình không có vốn, lại ra đời trong lúc người ta đã làm ăn giàu có rồi, nếu mình theo lối mòn của họ thì chỉ có chết với chết. Vì thế, mình nghĩ phải làm ra sản phẩm du lịch gì đó mà vừa tiện, vừa lợi nhưng phải hấp dẫn. Trong lúc quẫn bách, mấy đêm liền theo cha đi chài lưới trên Cửa Đại. Đi từ chiều, về vào sáng sớm, mình nhận ra quê hương mình đẹp quá, tuyệt vời quá. Mình sực nghĩ ra, tại sao từ nhỏ đến lớn mình phải nằm đói trên đống vàng mà không hề hay biết. Thế là ngay sau đó, mình tổ chức các tuyến chài lưới, ngắm bình minh - hoàng hôn trên biển, tham quan rừng dừa 7 mẫu… Có lần, một nhóm du khách tham gia tuyến của mình là sinh viên đến từ Mỹ biết hoàn cảnh của mình là giám đốc, vừa là hướng dẫn viên, vừa là đầu bếp, một cậu tâm sự với mình: “Chúng tôi trả tiền mua tuyến du lịch của anh với mong muốn là được trải nghiệm cuộc sống của người dân Hội An, để được vui chơi nhưng anh đã cho chúng tôi nhiều hơn thế. Đó là bài học về cuộc sống, về nghị lực vượt lên số phận” - Khoa tâm sự.

Tây cày ruộng, giặm lúa

Thành công, Khoa kéo cha, mẹ, anh chị em trong gia đình cùng mình làm du lịch. Ba của Khoa vừa là lái tàu, vừa là đầu bếp chế biến hải sản có tiếng. Chỉ sau 2 năm, “Khoa Eco-Tour” trở thành một thương hiệu du lịch nổi tiếng tại Hội An. Lượng du khách tăng cao, mỗi tháng  khoảng 1.000 khách, Khoa vận động bà con xóm chài nghèo của mình cùng tham gia làm du lịch. Thế là làng chài Phước Hải bỗng chốc trở thành làng làm du lịch cộng đồng.

Với tiêu chí là luôn luôn có sản phẩm mới, đầu năm 2012, Khoa đã mở tuyến lúa nước tại làng quê sinh thái Cẩm Thanh (Hội An). Nếu như tuyến trên sông thành công ngoài mong đợi thì tuyến lúa nước của Khoa thành công mỹ mãn. Du khách, chủ yếu là khách nước ngoài, đã ồ ạt kéo đến tham gia tuyến du lịch này và tỏ ra hết sức thích thú. Người dân Hội An cũng rất thích thú khi thấy trên đồng ruộng quê mình có mấy người da trắng, cao to cũng đội nón cời, mặc áo nâu sồng đi cày ruộng, đi bừa, đi giặm lúa, cũng cưỡi trâu trên đồng, cưỡi trâu lội sông… Khoa bảo, đối với dân mình, làm ruộng là nghề vất vả nhưng với du khách nước ngoài là một niềm thích thú. Khi tham gia tuyến này, có người về nước dẫn cả gia đình, bạn bè tham gia. Khoa kể, có lần, một khách Tây chỉ vào mặt anh nói: “Ba mẹ mày nghèo nhưng đầu tư cho mày đúng. Cho mày đi học tiếng Anh là cho mày cái cần câu và những con cá là bọn tao. Tao thích mày là chỗ đó”.

Từ hai bàn tay trắng và 2 chiếc thúng chai mượn của hàng xóm ngày nào, nay Khoa đã gầy dựng một cơ ngơi đồ sộ với đầy đủ tàu thuyền du lịch lớn nhỏ, 50 chiếc thúng chai, ô tô riêng, nhà cửa khang trang… với thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng. Không những thế, Khoa còn tạo công ăn việc làm cho 100 gia đình ở xóm chài Phước Hải và làng quê sinh thái Cẩm Thanh với thu nhập bình quân 9 triệu đồng/tháng/hộ. Nhưng nay trước sân nhà, Khoa vẫn để 2 chiếc thúng chai mượn của hàng xóm ngày nào như lời nhắc nhở về một thời khốn cùng.

Ngày xưa, nói về nỗi vất vả của nghề làm ruộng bằng câu ca: “Người ta đi cấy lấy công/Nay tôi đi cấy còn trông nhiều bề…”, nhưng với Khoa Eco-Tour, dẫn Tây về Hội An làm ruộng. Nhiều lúc, thành công và sự giàu có ở đời có được chỉ từ một cách nghĩ tưởng điên rồ. Khoa Eco-Tour thuộc trường hợp này

 

Cái lớn nhất mình được đó là cái thương hiệu Hoian Eco-Tour. Chính nó đã thay đổi cuộc sống của Khoa, của gia đình Khoa và của xóm làng Khoa, là món quà vô giá mà Khoa may mắn có được. Lúc bắt đầu làm du lịch, chính Khoa cũng không nghĩ rằng mình thành công như ngày hôm nay. Lúc làm, Khoa nghĩ, mình làm liều một chuyến để kiếm miếng cơm manh áo nhưng cuộc đời đã cho mình nhiều hơn thế

Anh Trần Văn Khoa

 Nguyên Khôi

Tin cùng chuyên mục