Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối:

Không hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân

(SGGPO).- Cuối buổi sáng 18-3, với tỷ lệ 14/14 phiếu thuận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối.
Không hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân

(SGGPO).- Cuối buổi sáng 18-3, với tỷ lệ 14/14 phiếu thuận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối.

So với hiện hành, Pháp lệnh sửa đổi có 4 nội dung khác biệt quan trọng liên quan đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; vay và trả nợ vay của người cư trú; đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam và chống tình trạng “đôla hóa”.

Liên quan đến vay và trả nợ vay nước ngoài, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh ngoại hối của Ủy ban Kinh tế nhìn nhận: việc cho phép cá nhân thực hiện vay và trả nợ vay nước ngoài khi cá nhân có khả năng thu xếp được khoản vay và tự chịu trách nhiệm trả nợ là bảo đảm quyền chính đáng của người dân, đồng thời góp phần thu hút nguồn vốn ngoại tệ từ nước ngoài phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc cá nhân vay và trả nợ vay nước ngoài tiềm ẩn nhiều rủi ro, trường hợp không trả được nợ sẽ ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm quốc gia.

Trong điều kiện nước ta hiện nay, đa số ý kiến thành viên của Ủy ban Kinh tế cho rằng cần quản lý chặt chẽ việc cá nhân vay và trả nợ vay nước ngoài, đồng thời cũng cần đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Vì vậy, Ủy ban tán thành quy định như Pháp lệnh sửa đổi, theo đó không hạn chế cá nhân vay và trả nợ vay nước ngoài, nhưng giao Chính phủ quy định cụ thể vấn đề này đã thể hiện trong Khoản 2 Điều 17 - Khoản 11 Điều 1 dự thảo Pháp lệnh sửa đổi.

Không hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân ảnh 1

Khách hàng đang giao dịch USD tại ngân hàng. Ảnh: Cao Thăng

Về chống tình trạng “đôla hóa”, Ủy ban Kinh tế nhất trí với quy định không hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân. Đồng thời giao Chính phủ xây dựng đề án có lộ trình chống tình trạng đôla hóa theo các Nghị quyết của Đảng.

Phát biểu tại phiên họp, các ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí với các quan điểm cơ bản được thể hiện trong báo cáo thẩm tra dự án Pháp lệnh của Ủy ban Kinh tế.

Tán thành việc thông qua dự án Pháp lệnh sửa đổi, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết ông nhận được nhiều phản ánh từ bà con kiều bào ở nước ngoài đã từng chuyển ngoại tệ về trong nước để làm ăn kinh doanh, nay có nhu cầu chuyển ngoại tệ thu được từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu đầu tư ở nước ngoài cho rằng, thủ tục chuyển ngoại tệ từ trong nước ra nước ngoài còn rườm rà, phức tạp.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Thủ tục chuyển tiền ngoại tệ ra nước ngoài cần đảm bảo chặt chẽ, nhưng khi xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn, Ngân hàng Nhà nước cũng phải thể hiện tinh thần cải cách hành chính, không được làm khó kiều bào, doanh nghiệp. Thống đốc phải tính toán cho nhà đầu tư”.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục