Du lịch Việt Nam: Đi sau, uống nước đục

Lúc nào cũng trễ!
Du lịch Việt Nam: Đi sau, uống nước đục

“Du lịch Việt Nam đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên vẫn còn thiếu một cái gì đó để có thể làm thay đổi tình hình trì trệ như hiện nay” - một số người tâm huyết với du lịch Việt Nam đã đưa ra nhận xét như vậy. Thực tế, rất nhiều người ngày càng sốt ruột hơn khi nhìn thấy du lịch Việt Nam cứ loay hoay, rơi vào cảnh đi trước về sau…

Du khách đi tour kích cầu tham quan vịnh Lan Hạ, đảo Cát Bà, Hải Phòng. Ảnh: Thế Dũng

Du khách đi tour kích cầu tham quan vịnh Lan Hạ, đảo Cát Bà, Hải Phòng. Ảnh: Thế Dũng

Lúc nào cũng trễ!

Tại hội nghị triển khai chương trình kích cầu du lịch năm 2013 vừa diễn ra tại TPHCM do Tổng cục Du lịch tổ chức, nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch đã bày tỏ sự bức xúc và chán nản với đại diện ngành, chương trình kích cầu sẽ được tổ chức trọng điểm vào 2 quý cuối năm nay nhưng đến thời điểm này mới phát động triển khai thì quá trễ! Và tình trạng này cứ diễn ra thường xuyên, năm nào cũng trễ! Chưa bàn đến các chi tiết cụ thể, hợp tác thế nào, giảm giá ra làm sao để có thể thu hút du khách, chỉ mới tính đến khâu tổ chức đã thấy chúng ta làm theo… hứng như thế nào. Bất chấp sự góp ý của DN du lịch trong nhiều năm qua, tại nhiều cuộc họp nhưng việc triển khai tổ chức các sự kiện du lịch vẫn cứ tà tà, đều đều như thế!

Các DN du lịch cho biết, ở thị trường nội địa, việc liên kết, xây dựng tour, dịch vụ giảm giá để chào bán có thể đơn giản, áp dụng nhanh hơn. Nhưng với thị trường nước ngoài thì cách làm này không mang lại hiệu quả vì muốn triển khai chương trình cho nửa năm sau của năm 2013 thì ít nhất DN, ngành cũng đã xây dựng các chương trình hoàn chỉnh, cụ thể để quảng bá, chào bán trước đó ít nhất là 3 tháng. Trong khi đó, thu hút khách quốc tế vào Việt Nam là một trong những mục tiêu đặt ra cho chương trình kích cầu du lịch năm 2013.

Kích cầu du lịch đang triển khai tại Việt Nam hiện nay dựa trên kêu gọi, tự nguyện từ các DN vận chuyển, dịch vụ là chính. Do vậy, kêu gọi là chuyện của ngành, có thực hiện giảm giá thật sự không là chuyện của DN. Giảm giá bằng cách tăng giá lên rồi giảm giá, kết quả là giá vẫn như cũ! Hoặc do chi phí đầu vào tăng, DN có giảm giá thật nhưng vẫn là giá cũ. Kết quả, dù giá tour trọn gói cho tour kích cầu đã được tính giảm đến 35% - 45% so với tour bình thường mà giá vẫn cứ cao so với nhiều tour đi du lịch nước ngoài.

Điều gì đang xảy ra với du lịch Việt Nam khi liên tiếp trong 4 tháng qua, du lịch Việt Nam có tăng trưởng âm, khách quốc tế đến Việt Nam liên tục sụt giảm? Theo số liệu thống kê, ngoại trừ tháng 1-2013, du lịch có tăng trưởng khách quốc tế ở mức khiêm tốn 2,2% so với cùng kỳ năm 2012; còn lại liên tục 4 tháng từ tháng 2-2013 đến tháng 5-2013, lượng khách quốc tế giảm so với cùng kỳ năm 2012, ngay ở cả tháng cao điểm đón khách quốc tế của Việt Nam (tháng 11 đến tháng 3). Tuy tỷ lệ sụt giảm chỉ mức 1 con số nhưng rõ ràng điều này cũng đáng lo ngại. Và với cách làm, cách triển khai kích cầu của ngành du lịch Việt Nam như hiện nay, liệu có cải thiện được gì trong việc thu hút khách quốc tế trong những tháng cuối năm?

Bao giờ chuyên nghiệp?

Một trong những nguyên nhân khách quan làm cho công tác quảng bá, xúc tiến của du lịch Việt Nam vẫn èo uột, kém hiệu quả là do kinh phí dành cho du lịch còn quá ít. So với nhiều nước có ngành công nghiệp du lịch phát triển trong khu vực ASEAN như Malaysia, Thái Lan với kinh phí xúc tiến, quảng bá bỏ ra hàng năm khoảng trên 100 triệu USD thì chỉ với khoảng 1,5 triệu USD của Việt Nam hiện nay thì sự kỳ vọng sẽ là điều quá sức.

Cách làm của ngành du lịch Việt Nam hiện nay cũng là một nguyên nhân gây nên sự trì trệ. Chúng ta không thể so sánh với các nước có ngành du lịch phát triển như Malaysia, Thái Lan, nhưng việc “đi trước, về sau” so với ngành du lịch Campuchia là điều đáng suy nghĩ. Ông Trương Đức Hải, Giám đốc Công ty Du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông, DN đưa khoảng 1.000 khách Việt Nam sang du lịch Campuchia mỗi tháng, cho biết, ngành du lịch Campuchia xác định khách du lịch Việt Nam và Thái Lan là 2 thị trường khách quan trọng, họ có những chính sách chăm sóc khách VIP bằng cách tạo điều kiện thuận lợi trong thủ tục hải quan, thông xe ở biên giới một cách nhanh chóng. Giá bán phòng khách sạn cho công ty du lịch Việt Nam khá tốt, khách sạn 3 sao khoảng 20 USD, 4 sao khoảng 40 USD. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, giá tour du lịch trọn gói bằng đường bộ qua Campuchia chỉ dao động trên 3 triệu đồng/khách. Cứ 5 khách quốc tế đến Campuchia có một khách Việt Nam, hiện du khách Việt Nam dẫn đầu thị trường khách quốc tế tại đây. Trong khi đó, du lịch Việt Nam đã xác định nhắm vào các thị trường tiềm năng Nhật Bản, Nga, các nước Bắc Âu bằng chính sách đơn phương miễn phí visa nhập cảnh cho du khách từ những thị trường này nhiều năm qua nhưng lại đang “hăm he” sẽ thu phí trở lại. Điều này đang đi ngược lại với xu hướng phát triển du lịch mà các nước đang áp dụng.

Ngoài ra, ngành du lịch Campuchia còn tạo điều kiện, hỗ trợ DN Việt Nam trong xúc tiến, quảng bá tại các sự kiện du lịch tổ chức ngay tại Việt Nam. Nhiều DN chia sẻ, không tính đến chuyện xúc tiến ở nước ngoài, chỉ nói đến việc tham gia quảng bá ở các sự kiện du lịch trong nước, chi phí thuê gian hàng cũng là một bài toán khó cho DN nhỏ. Tại Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM (ITE) 2012, nhiều DN du lịch Việt Nam được ngành du lịch Campuchia hỗ trợ chỗ ngồi để có thể tiếp cận khách hàng nước ngoài. Trong khi đó, ngay sát gian hàng của ngành du lịch Campuchia là gian hàng của Tổng cục Du lịch Việt Nam được trang trí hoành tráng, nằm ở vị trí đắc địa trong hội chợ nhưng hoang vắng không có bóng người, nguội lạnh với ít tờ rơi giới thiệu.

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục