Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - Việt Nam được lợi

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partner Agreement, viết tắt là TPP) sẽ bước vào phiên đàm phán thứ 18, dự kiến diễn ra tại Malaysia sắp tới. Đây là hiệp định bàn về tự do thương mại giữa các quốc gia nằm bên bờ Thái Bình Dương. Nhật Bản là quốc gia thứ 12 cam kết sẽ tham gia TPP vào cuối năm 2013.
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - Việt Nam được lợi

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partner Agreement, viết tắt là TPP) sẽ bước vào phiên đàm phán thứ 18, dự kiến diễn ra tại Malaysia sắp tới. Đây là hiệp định bàn về tự do thương mại giữa các quốc gia nằm bên bờ Thái Bình Dương. Nhật Bản là quốc gia thứ 12 cam kết sẽ tham gia TPP vào cuối năm 2013.

        Cộng đồng 1 tỷ người

Theo tính toán, GDP của nhóm các nước trong TPP sẽ chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu với 29.000 tỷ USD, chiếm 30% xuất khẩu và 20% nhập khẩu nông sản thế giới cùng dân số 1 tỷ người, sẽ tạo ra thế lực rất lớn về kinh tế đối chọi lại với các hiệp định khác. Nhiều khả năng, TPP sẽ được ký kết vào tháng 6-2014. Trên thực tế, “chuyến tàu” TPP đang đến rất gần, nhưng tất cả những thông tin từ TPP vẫn còn rất ít.

May áo sơ mi xuất khẩu tại Công ty cổ phần May Việt Tiến. Ảnh: Cao Thăng

May áo sơ mi xuất khẩu tại Công ty cổ phần May Việt Tiến. Ảnh: Cao Thăng

Theo nhiều nghiên cứu, các thành viên TPP đều là những nước rất giàu có, Việt Nam và Peru là 2 quốc gia nghèo khó nhất. Do vậy, đến thời điểm này, hàng loạt các câu hỏi đã được đặt ra xoay quanh nội dung chính Việt Nam sẽ nhận được gì và mất gì khi tham gia TPP? Theo nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Tận dụng TPP để phát triển thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu và Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) phối hợp tổ chức ngày 10-7 tại TPHCM, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong các nước tham gia TPP.

Nhận định này hoàn toàn có cơ sở vì Việt Nam vẫn còn là nước thâm dụng lao động để sản xuất các mặt hàng có công nghệ thấp như dệt may, da giày và hàng nông sản. Khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ bán được nhiều hơn các mặt hàng này với thuế suất 0%, thay vì 17% - 30%. Bên cạnh đó, một dòng chảy về vốn FDI cũng sẽ đổ vào Việt Nam nhiều hơn để tận dụng được các ưu đãi về thuế, cùng với đó là sự chuyển giao công nghệ từ khối FDI cũng như sức lan tỏa chung của cả nền kinh tế sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh.

Ông Herb Cochran (Phòng Thương mại Hoa Kỳ) dẫn số liệu nghiên cứu của Giáo sư Peter Petri (Đại học Brandeis, Mỹ), xét về mặt xuất khẩu, nếu Việt Nam không tham gia vào TPP thì đến năm 2025 chỉ đạt 239 tỷ USD nhưng khi có TPP sẽ tăng thêm 67,9 tỷ USD lên 307 tỷ USD, trong đó mặt hàng dệt may và da giày sẽ có mức tăng cao nhất với 45,9%. Tương tự, Việt Nam có nhiều thế mạnh về xuất khẩu hải sản đông lạnh. Với mặt hàng này khi xuất khẩu vào Mỹ phải chịu mức thuế 28% nhưng nếu có TPP, sẽ không phải chịu thuế, tạo sự cạnh tranh rất lớn về giá so với các sản phẩm cùng loại khác.

        Tận dụng cơ hội

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại khi cho rằng, TPP sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam song nếu các doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chí của nguyên tắc ứng xử quốc gia, xuất xứ hàng hóa, sẽ không thể tận dụng được cơ hội để tăng lượng hàng xuất khẩu. Chẳng hạn, với ngành dệt may, nếu doanh nghiệp trong nước không triển khai nhanh chiến lược nội địa hóa nguồn nguyên liệu, giảm tối đa việc sử dụng vải sợi từ Trung Quốc sẽ khó thoát khỏi chiếc áo gia công để hướng đến ngành dệt may có giá trị gia tăng cao. Để làm được việc này, bản thân các doanh nghiệp cần tìm hiểu nhiều hơn về TPP thì mới chủ động hơn trong cuộc chơi và tận dụng tốt những lợi thế từ TPP.

Nhìn lại số liệu sau 5 năm Việt Nam gia nhập WTO, chính các doanh nghiệp FDI đã và đang hưởng được lợi lớn nhất từ các cam kết. Trừ năm 2009 kim ngạch xuất khẩu giảm, còn lại kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI tăng mạnh, đạt mức bình quân từ 35%-40%/năm, trong khi kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đều tăng rất thấp, năm 2012 chỉ đạt 1,3%. Từ chỗ tỷ trọng xuất khẩu của hai khối FDI và trong nước gần bằng nhau vào năm 2009, đến nay FDI đã vượt khá xa với con số tương ứng là 73,2 tỷ USD và 42,3 tỷ USD vào năm 2012. Nhiều ý kiến lo ngại, nhiều khả năng tình hình này sẽ lặp lại khi chúng ta có TPP.

Quá trình đàm phán TPP đã đi được một quãng đường khá dài. Với Việt Nam vẫn còn khá nhiều vấn đề tồn đọng, nhiều khung, chương chưa được gút lại. Nhưng chung cuộc thế nào thì việc tham gia TPP vẫn rất tốt cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, bởi lẽ “nước lên thì thuyền sẽ lên”. TPP sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam đẩy mạnh việc cải cách hành chính, cung cấp thêm một sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp. Điều quan trọng là sự chủ động vào cuộc của các doanh nghiệp để nắm bắt tốt nhất cơ hội vì TPP ảnh hưởng trước hết là đến các doanh nghiệp.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục