Siêu dự án lọc - hóa dầu tại Bình Định: Nguồn tài chính rất khả thi?

Tại buổi họp báo giới thiệu việc khởi động dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội tại Bình Định, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) và UBND tỉnh Bình Định đã thể hiện quyết tâm xây dựng dự án này tại Khu kinh tế Nhơn Hội. PV Báo Sài Gòn Giải Phóng đã trao đổi với ông Sukrit Surabotsopon, Phó Tổng giám đốc PTT để làm rõ những vấn đề dư luận đang quan tâm.

- PV: Tiến độ thực hiện dự án hiện đến đâu, thưa ông?

>> Chúng tôi đã chọn được các Công ty McKinsey tư vấn quản lý chiến lược dự án; Công ty Foster Wheeler tư vấn về kỹ thuật, phác thảo sơ bộ thiết kế nhà máy; Công ty IHS với nhiều chuyên gia uy tín trên thế giới về lĩnh vực lọc hóa dầu tư vấn về thương mại, nguồn dầu thô đầu vào, sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, PTT đã thành lập đội chuyên trách dự án cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia, cố vấn bắt đầu nghiên cứu khả thi chi tiết dự án, đến tháng 5-2014 sẽ hoàn tất và khi được Chính phủ Việt Nam phê duyệt, PTT sẽ lập tức chuyển sang giai đoạn hoàn tất thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) và chi tiết - mua sắm - xây dựng (EPC) để khởi công xây dựng.

- Không ít người hoài nghi về con số 25 - 30 tỷ USD cho dự án?

Để tìm được nguồn tài chính, quan trọng nhất là khả năng cạnh tranh của bản thân dự án. Đây là dự án lọc hóa dầu mà trọng tâm là hóa dầu nên khả năng cạnh tranh càng khả thi. Hiện nay, chúng tôi đã có chắc 40% nguồn vốn. Đối với phần vốn còn lại chúng tôi đang tìm kiếm các đối tác tiềm năng, phù hợp.

- Dư luận lo ngại về tác động môi trường của dự án, PTT đã có hướng đánh giá gì?

Trong đánh giá tác động môi trường của dự án, chúng tôi không chỉ tập trung đánh giá môi trường tự nhiên mà còn đánh giá tác động về mặt xã hội - kinh tế. Kinh nghiệm ở Thái Lan cho thấy ngành lọc hóa dầu sẽ dẫn dắt các ngành khác tiếp theo. Bởi vậy, đánh giá chi tiết dự án sẽ có đánh giá đến khâu hạ nguồn tiếp theo.

- Hiện nay, ở Việt Nam PVN gần như chi phối thị trường, khi lọc hóa dầu Nhơn Hội đi vào sản xuất, liệu có xảy ra xung đột lợi ích giữa hai bên?

Sẽ không có xung đột lợi ích với PVN. Bởi quan điểm của PTT ngay từ đầu và tiếp theo là sẵn sàng mời bên đối tác nào phù hợp. Vì vậy, chúng tôi sẽ làm việc với Bình Định về rà soát, lựa chọn đối tác. Nếu PVN quan tâm và chúng tôi thấy phù hợp thì không có lý do gì không bắt tay với nhau để hợp tác. Hơn nữa, chúng tôi tập trung vào sản phẩm hóa dầu mà không phải là lọc dầu nên việc xung đột lại càng không thể xảy ra. Theo ước tính đến năm 2020, nhu cầu về các sản phẩm hóa dầu của Việt Nam là khoảng 5 triệu tấn/năm. Nếu như chúng tôi xây dựng nhà máy toàn diện, sẽ đảm bảo hơn 10 triệu tấn/năm. Như vậy một nửa con số đó đáp ứng nhu cầu trong nước rồi.

- Thưa ông, nguồn nhiên liệu sẽ được nhập từ đâu và sản phẩm sẽ cung ứng cho thị trường nào?

Chúng tôi sẽ nhập dầu thô từ Trung Đông, Tây Phi và Mỹ Latinh, và cung ứng sản phẩm cho thị trường các nước châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc).

* Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc: Khi dự án được thi công xây dựng và hoàn thành, ngoài đóng góp nguồn tiền lớn cho ngân sách sẽ giải quyết lao động trực tiếp từ 10.000 - 30.000, gián tiếp khoảng 100.000 lao động của Bình Định và vùng lân cận. Bên cạnh đó, các sản phẩm kéo theo tạo sự lan tỏa phát triển nhanh kinh tế của Bình Định.


* Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội và các dự án lọc hóa dầu của Việt Nam khi cộng lại có xảy ra khủng hoảng thừa sản phẩm? TS Trần Du Lịch, thành viên nhóm tư vấn dự án, cho rằng: Trong tương lai phân chia thị trường thế nào, tôi nghĩ rằng không hoàn toàn theo suy nghĩ của người làm quy hoạch mà để thị trường vận hành. Chúng ta không áp đặt thị trường trong mối quan hệ sắp tới theo kiểu khép kín. Tôi tin rằng không ai bỏ tiền ra chỗ không sinh lợi. Vấn đề quan trọng nhất, chúng ta không quy hoạch theo kiểu tự cung, tự cấp mà nhìn ở góc cạnh toàn cầu hóa, mở cửa thị trường.

HÀ MINH (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục