Liên kết doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội: Mấu chốt là lựa chọn được lĩnh vực đúng

Việc phát triển liên kết giữa khối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội để “khởi tạo động lực tăng trưởng mới” cần được coi là một ưu tiên chính sách, đó là khuyến nghị được nhiều chuyên gia kinh tế và đại diện cơ quan hoạch định chính sách chia sẻ tại cuộc hội thảo quốc tế do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản tổ chức sáng 26-3, tại Hà Nội.

Việc phát triển liên kết giữa khối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội để “khởi tạo động lực tăng trưởng mới” cần được coi là một ưu tiên chính sách, đó là khuyến nghị được nhiều chuyên gia kinh tế và đại diện cơ quan hoạch định chính sách chia sẻ tại cuộc hội thảo quốc tế do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản tổ chức sáng 26-3, tại Hà Nội.

        Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình

GS Kenichi Ohno (Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản) đã thẳng thắn nhận định như vậy, bởi vì: tình trạng tăng trưởng chậm, năng suất kém, chuyển dịch cơ cấu mới mang tính hình thức; sự trì trệ trong các chỉ số xếp hạng toàn cầu và các vấn đề nảy sinh trong tăng trưởng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng hiện nay của Việt Nam đang trong xu hướng chậm lại (dưới 6%) và ở mức thu nhập trung bình thấp. Năng suất sản xuất tăng trưởng chậm hơn đáng kể so với tiền lương; cũng có nghĩa là sản xuất trở nên đắt đỏ hơn, không khuyến khích được các nhà đầu tư.

Một luận cứ khác là trong bảng xếp hạng kinh tế toàn cầu nhiều năm qua, Việt Nam xếp hạng thấp đến trung bình và không có xu hướng cải thiện rõ rệt (năm 2010: xếp thứ 93/183; 2011: 78/183; 2012: 98/183; 2013: 99/185). Việt Nam đồng thời phải đối mặt với khoảng cách thu nhập và tài sản; bong bóng chứng khoán và bất động sản; tắc nghẽn giao thông, thiệt hại môi trường, tham nhũng... Giá đất tại Hà Nội ở thời điểm đã hạ nhiệt (tháng 11-2012) vẫn tương đương với vùng ngoại ô Tokyo, nhưng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/30 của Nhật Bản.

        Liên kết với doanh nghiệp FDI: lĩnh vực nào, như thế nào?

Trong quan hệ hợp tác FDI - doanh nghiệp nội, GS Ohno nhấn mạnh vai trò của chuyển giao công nghệ. Trong khi đó, khẳng định rằng công nghiệp hỗ trợ là một trong những lĩnh vực mà cả hai phía: doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội đều mong muốn xây dựng quan hệ liên kết nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, song TS Trương Thị Chí Bình (Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp, Bộ Công thương) nhận xét rằng, việc lựa chọn những lĩnh vực trọng điểm vừa qua chưa “trúng”. “Như với công nghiệp ô tô, do quy mô thị trường còn quá nhỏ nên nhà đầu tư không mặn mà việc phát triển công nghiệp hỗ trợ. Lĩnh vực điện, điện tử lại đòi hỏi trình độ công nghệ tinh vi, đầu tư ban đầu lớn, chưa kể phải chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao; trong khi đặc điểm của linh kiện loại này là nhỏ gọn và rất dễ dàng nhập khẩu, vì vậy cũng không cần quá nhọc công phát triển nhà sản xuất trong nước”, TS Trương Thị Chí Bình phân tích.

Tuy nhiên, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI lại đặt nhiều hy vọng vào việc phát triển công nghệ hỗ trợ trong lĩnh vực điện tử. GS Nguyễn Mại cho biết, ngay trong tháng 4 tới sẽ cùng với Công ty Samsung Việt Nam xây dựng kế hoạch để trước mắt tìm được khoảng 50 nhà cung cấp cho công ty này ngay trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Ở phía Nam, Intel là cái tên mà GS Nguyễn Mại mong muốn các doanh nghiệp nội chủ động tìm kiếm quan hệ hợp tác... Tất nhiên, các doanh nghiệp nội phải có lộ trình nâng cao năng lực của mình, bởi “không ai bắt tay với người không có năng lực”, GS Nguyễn Mại nhấn mạnh.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục