Giảm thủ tục hành chính, thời gian và chi phí nộp thuế: Phải giải quyết từ gốc

Giảm thủ tục hành chính, thời gian và chi phí nộp thuế: Phải giải quyết từ gốc

Ngày 20-8, tại TPHCM, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương và Hội Tư vấn thuế Việt Nam tổ chức hội thảo triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ về giảm thủ tục hành chính, thời gian và chi phí nộp thuế và bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp (DN).

Giảm số giờ nộp thuế

Bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban cải cách và hiện đại hóa Tổng cục Thuế cho biết, vấn đề cải cách thủ tục hành chính thuế tuy được thực hiện thường xuyên trong những năm gần đây nhưng số giờ khai, nộp thuế, bảo hiểm xã hội vẫn còn cao hơn các nước. Vì vậy, Nghị quyết 19/NQ-CP yêu cầu trong năm 2015 phải giảm số giờ kê khai, nộp thuế của Việt Nam ngang bằng các nước ASEAN 6 là 171 giờ. Theo bà Anh, sở dĩ số giờ nộp thuế ở Việt Nam vẫn còn cao có một số nguyên nhân như: do DN mất nhiều thời gian chuẩn bị tài liệu, sổ sách, hồ sơ chứng từ để phục vụ cho việc tính thuế; còn nhiều quy định trong chính sách thuế khác biệt so với quy định của kế toán DN; tờ kê khai thuế GTGT còn nhiều mẫu biểu, bảng kê, phụ lục… kèm theo; việc kê khai điều chỉnh, đối chiếu hóa đơn mua, bán, dịch vụ với chứng từ thanh toán, tờ khai hải quan…làm tăng thêm khối lượng công việc và thời gian của DN. Thuế GTGT đã được khai theo quý đối với DN có doanh thu đến 20 tỷ đồng nhưng chưa giảm được tần suất kê khai. Thuế TNDN còn phải khai tạm nộp hàng quý và quyết toán năm nên DN mất thời gian và tăng số lần nộp thuế.…

Người dân nộp thuế vẫn còn mất nhiều thời gian và thủ tục phiền hà.

Từ thực tế này, bà Anh cho biết, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm số giờ nộp thuế, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã rà soát lại toàn bộ các văn bản pháp quy và báo cáo Chính phủ thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp như: Sửa đổi các văn bản pháp quy để đơn giản hóa chính sách và thủ tục; hạn chế những khác biệt về quy định giữa thuế và kế toán DN; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); tăng cường công tác hậu kiểm để chống thất thu thuế; thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý thuế; kiểm soát nội bộ, giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan thuế, cán bộ thuế. Trình Chính phủ, Quốc hội mở rộng đối tượng được áp dụng khai thuế GTGT theo quý bằng việc điều chỉnh mức doanh thu từ 20 tỷ đồng/năm lên mức 50 tỷ đồng/năm; bãi bỏ quy định DN phải điều chỉnh thuế GTGT đầu vào khi đến kỳ hạn thanh toán chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Đối với thuế TNDN, DN chỉ kê khai quyết toán thuế TNDN 1 năm 1 lần; tự xác định và tạm nộp thuế trong năm. Trình Quốc hội cho phép chỉ quy định khống chế 15% đối với chi phí quảng cáo, không khống chế các khoản chi tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng, môi giới, tiếp tân, khánh tiết…Mặt khác, Bộ Tài chính đang soạn thảo dự thảo sửa đổi 6 thông tư nhằm tháo gỡ những bất cập, vướng mắc của người nộp thuế thời gian qua.

Tạo sự bình đẳng

Tại hội thảo, các ý kiến cho rằng, Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; trong đó yêu cầu giảm số giờ nộp thuế nhằm giảm thời gian, chi phí cho DN là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để DN thực sự hưởng lợi từ chủ trương này, việc cải cách phải làm từ gốc chứ không nên làm từ ngọn. Ông Trần Mai, Công ty M&H Auditing Valuation, phân tích: “Hiện nay nói hiểu luật thuế để làm cho đúng là rất khó. Bởi chúng ta làm luật quá phức tạp, quá nhiều văn bản chồng chéo. Những cải cách vừa qua chỉ mới giải quyết phần ngọn chứ chưa giải quyết được phần gốc. Do đó, cần phải xây dựng pháp luật thuế đơn giản, dễ hiểu, minh bạch”. Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thương mại Độc Lập, cho rằng: “Theo quy định tại dự thảo sửa đổi quy định về chính sách thuế GTGT thì bỏ quy định mức đầu tư 1 tỷ đồng đối với DN mới thành lập nhưng lại quy định DN phải có phương án kinh doanh, trong khi với đa số DN vừa và nhỏ không đủ khả năng làm điều này. Như vậy, vô hình trung gây ra khó khăn cho DN”.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam, thông tin: Qua khảo sát ở một số DN phía Nam, DN không chỉ quan tâm đến số giờ nộp thuế mà còn quan tâm đến chính sách hướng dẫn cụ thể để làm thế nào cho đúng, làm thế nào để hạn chế tình trạng DN gian lận thuế, tạo sự bình đẳng trong kinh doanh. “Hiện nay có nhiều nơi làm không thống nhất, một số DN lợi dụng sự thông thoáng của nhà nước để gian lận thuế, từ đó cơ quan nhà nước lại siết chặt chính sách ảnh hưởng đến những DN làm ăn chân chính” - bà Cúc nhấn mạnh.

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục