Từ ghe buồm đến tàu vỏ sắt

Đã bao đời nay, ngư dân vùng biển miền Trung đã gắn cuộc đời mình với biển cả. Ban đầu là những chiếc ghe bầu ra khơi bằng những cánh buồm no gió như đội Hùng binh năm xưa ra Hoàng Sa cắm mốc chủ quyền, đến những chiếc ghe, tàu, thuyền chạy bằng động cơ và bây giờ là những con tàu sắt uy nghi, vững chãi. Dẫu hiểm nguy chực chờ, những ngư dân can trường vẫn ngày đêm bám biển.
Từ ghe buồm đến tàu vỏ sắt

Đã bao đời nay, ngư dân vùng biển miền Trung đã gắn cuộc đời mình với biển cả. Ban đầu là những chiếc ghe bầu ra khơi bằng những cánh buồm no gió như đội Hùng binh năm xưa ra Hoàng Sa cắm mốc chủ quyền, đến những chiếc ghe, tàu, thuyền chạy bằng động cơ và bây giờ là những con tàu sắt uy nghi, vững chãi. Dẫu hiểm nguy chực chờ, những ngư dân can trường vẫn ngày đêm bám biển.

Tàu nào cũng ra khơi

“Câu nói tưởng chừng đơn giản, nghe rất “thuận buồm” ấy đôi khi đối với ngư dân không phải vậy. Là bởi, biển cả khó lường, thiên tai, nhân tai luôn rình rập; rồi giá nhiên liệu liên tục tăng, đó là chưa kể mỗi khi đánh bắt, dù trong ngư trường truyền thống Trường Sa - Hoàng Sa của Việt Nam nhưng lại luôn bị tàu nước ngoài quấy rối, tấn công và đập phá. Riêng đối với huyện đảo Lý Sơn có tới 5 tàu bị thiệt hại do các tàu Trung Quốc gây ra gần đây. Chưa kể hàng trăm tàu bị ảnh hưởng về sản lượng đánh bắt. Vậy nên, để ra khơi được là cả một quyết tâm bám biển, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền; đôi khi là bài toán mưu sinh liều lĩnh, mong manh và đáp án thì chỉ có khi cho tàu cập bến”, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải (huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) Nguyễn Quốc Chinh mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

Một trong 2 tàu cá công suất 1.000CV của ngư dân Võ Bắp, Quảng Ngãi.

Cái “đáp án” mà ông Chinh nói ấy là hiệu quả đánh bắt của mỗi chuyến ra khơi. Cái “đáp án” luôn đi trên sóng ấy đôi khi đem lại giá trị bạc tỷ nếu thiên thời, địa lợi, nhân hòa, đôi khi lại cũng vô cùng khốc liệt và nghiệt ngã nếu gặp “sóng cồn, bão giật”.

Ông Lê Hạnh, 48 tuổi, xã An Hải, gần 30 năm làm nghề đi biển, nhớ lại: “Dạo trước đi biển cực lắm. Hồi ấy, phần lớn ngư dân sử dụng ghe, tàu công suất thấp nên phải đi vài ngày mới đến được ngư trường Hoàng Sa. Giờ ngư dân có tàu to, hiện đại hơn, thậm chí tàu vỏ sắt vững chắc nên chạy tàu hết 1 ngày, 1 đêm đến Hoàng Sa; còn đến Trường Sa mất 3 ngày, 3 đêm, hiệu quả đánh bắt cao hơn. Với ngư dân, gian truân trước biển lộng gió, nắng cháy da là thường, song mệt mỏi nhất là gặp tàu nước ngoài. Bản thân tàu của tôi năm 2013, ba lần bị tàu nước ngoài chặn bắt ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng ý thức mình đánh bắt hải sản trên vùng biển đã có chủ quyền của dân tộc mình, nên lại ra khơi tiếp”.

Ngoài những trường hợp liên tục bị tàu nước ngoài hăm dọa, ngư dân bị “hành xử” có phần thô lỗ là ông Nguyễn Hải, 44 tuổi, ngụ ở xã An Hải. Năm 2012, phương tiện đánh bắt của ông Hải bị tàu nước ngoài tịch thu toàn bộ. Bản thân ông bị giam giữ một tháng mới được “tha” về, sau khi gia đình nộp tiền bảo lãnh gần 100 triệu đồng.

Lực đẩy cho những con tàu

Qua rồi cái thời đi ghe, thuyền buồm nửa tháng mới ra đến Hoàng Sa - Trường Sa, giờ được Nhà nước quan tâm, những con tàu vỏ gỗ to lớn, vỏ sắt vững chãi thay phiên nhau án ngữ trên những vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sau những thất bại của chuyến trước, họ lại chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết để ra khơi. Sau những thiệt hại do bị cướp tàu, ngư lưới cụ và đe dọa đến mạng sống, họ vẫn ra khơi, vẫn trực chỉ ngư trường truyền thống.

Không phụ lòng những “đứa con của biển”, biển đã đem lại cho họ cuộc sống sung túc hơn, tôm cá, cua ghẹ, hải sâm, đồn đột, cá ngừ hay cá thu… đã giúp con em những ngư dân nghèo được đi học, học cao và không ít ngư dân đã là những tỷ phú thực thụ.

Gặp lại ngư dân Võ Bắp (xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi), ông chủ của 2 chiếc tàu công suất “khủng” nhất Quảng Ngãi cho đến thời điểm hiện tại (trên 1.000CV), mới hạ thủy gần 2 tháng đi đánh bắt chuyến đầu tiên tại khu vực Vịnh Bắc bộ cập bờ. Võ Bắp đứng trên mũi tàu nói oang oang: “Mới chuyến đầu đánh bắt bằng tàu lớn đã trúng rồi. Lãi cả tỷ bạc đấy”. Năm nay, Võ Bắp 43 tuổi, cái tuổi được cho là “cứng” nhất của nghề đánh bắt xa bờ.

Thường thì tuổi đời và tuổi nghề song hành nhau, nhưng ở Võ Bắp, dường như tuổi nghề đã vượt xa tuổi đời với cái dày dặn do sóng gió đại dương nhào nặn. “43 tuổi, 27 năm đi biển, sở hữu 3 cặp tàu (6 chiếc), trị giá của tàu thôi đã hơn chục tỷ bạc. Nuôi thêm gần 60 lao động, trung bình 6 - 10 triệu đồng/tháng. Nếu là doanh nghiệp, ông đúng là giám đốc thực thụ, có lẽ đã đứng trên bục vinh danh”, tôi ví von. Võ Bắp quay lại bảo: “Nợ ngân hàng nhiều lắm anh ơi!”.

Quả đúng là Võ Bắp đang nợ thật. Bởi để đóng được cặp tàu, mỗi tàu 1.000CV, hết 7 tỷ đồng thì ông vay ngân hàng hơn 3 tỷ. “Nhưng sẽ trả hết trong một năm”, Võ Bắp tự tin. Sự tự tin của ông là có cơ sở bởi 2 cặp tàu trước công suất nhỏ hơn nhưng chỉ trong 3 - 4 năm, ông trả hết nợ. “Trả hết nên họ mới cho vay thêm đóng tàu mới. Mình làm ăn hiệu quả, trả nợ đúng hạn, có uy tín nên họ mới cho vay”, ông Bắp phân tích thêm.

“Có chủ trương mới rồi, vay dễ hơn, lãi suất thấp hơn, ông có vay đóng thêm tàu vỏ sắt không?”. Không ngần ngại, ông Võ Bắp nói ngay: “Tôi đã nhờ mấy anh em bên ngân hàng để ý, nếu có giải ngân sẽ vay thêm đóng tàu. Được nhà nước tạo điều kiện như thế thì thuận lợi quá còn gì”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn - Lương Kim Sơn có lẽ còn vui hơn ngư dân: Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, về các xã biển nghe người dân bàn chuyện đóng tàu, nghe mà thấy vui. Có chính sách mới này, nhiều hộ sẽ không còn phải lo chạy vạy vốn với lãi suất “cắt cổ”, những con tàu được tiếp thêm lực, sẽ ra khơi mạnh mẽ, an toàn hơn.

Đến hết tháng 8-2014, Quảng Ngãi có 163 chiếc tàu cá, trong đó có 109 chiếc tàu vỏ thép, còn lại tàu vỏ gỗ và tàu composite được các cá nhân, tập thể và doanh nghiệp đăng ký. Ông Lê Viết Chữ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ liên quan,

Trọng tâm là rà soát danh sách ngư dân có nhu cầu vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá cho đúng đối tượng, có kinh nghiệm đánh bắt để giới thiệu vay vốn để khi Nghị định 67 có hiệu lực sẽ triển khai ngay đáp ứng nhu cầu của ngư dân, các tổ chức.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục