Cải cách thủ tục thuế, hải quan: Quy định “chặt”, hậu kiểm “hở”

Theo thống kê của ngành thuế TPHCM, mỗi năm ngành chỉ kiểm tra được khoảng 10% -  15% số doanh nghiệp (DN). Nếu tính xoay vòng thì trung bình phải 8 đến 10 năm, DN mới bị kiểm tra trở lại. Trong khi đó, theo quy định giá trị sổ sách quyết toán thuế thì chỉ quyết toán trong vòng 5 năm, những sổ sách trước thời gian đó không bị truy thu, xử lý. Nhưng mỗi khi nói đến hậu kiểm thấp, lại nghe điệp khúc: thiếu cán bộ! Đó cũng là lý do, DN muốn “lọt sàn” hay bị “băm dằm”, quyền đều nằm trong tay cán bộ thuế. Từ đó dễ phát sinh tiêu cực, DN muốn tồn tại phải biết sợ và phải biết… điều!Ám ảnh phạt
Cải cách thủ tục thuế, hải quan: Quy định “chặt”, hậu kiểm “hở”

Theo thống kê của ngành thuế TPHCM, mỗi năm ngành chỉ kiểm tra được khoảng 10% -  15% số doanh nghiệp (DN). Nếu tính xoay vòng thì trung bình phải 8 đến 10 năm, DN mới bị kiểm tra trở lại. Trong khi đó, theo quy định giá trị sổ sách quyết toán thuế thì chỉ quyết toán trong vòng 5 năm, những sổ sách trước thời gian đó không bị truy thu, xử lý. Nhưng mỗi khi nói đến hậu kiểm thấp, lại nghe điệp khúc: thiếu cán bộ! Đó cũng là lý do, DN muốn “lọt sàn” hay bị “băm dằm”, quyền đều nằm trong tay cán bộ thuế. Từ đó dễ phát sinh tiêu cực, DN muốn tồn tại phải biết sợ và phải biết… điều!

Ám ảnh phạt

Anh Lôi Thạch, kế toán trưởng một công ty sản xuất điện tử ở Thủ Đức, TPHCM, phân tích: Ngay đầu Thông tư 119/2014/TT-BTC khẳng định sẽ cải cách biểu mẫu kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), lệ phí trước bạ theo hướng bỏ bớt một số biểu mẫu trong hồ sơ khai thuế và bớt một số cột trong các bảng kê như cột “ký hiệu mẫu hóa đơn”, “ký hiệu hóa đơn”, “mặt hàng”, “thuế suất”. Quy định này có giảm thời gian kê khai nhưng lại… tăng thời gian đối chiếu, soát xét “hậu kê khai”. Cụ thể, khi thanh tra, kiểm tra các DN về thuế GTGT, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào bảng kê hàng hóa dịch vụ mua vào, bán ra và đối chiếu với hồ sơ chứng từ lưu tại DN để xác định số thuế GTGT được khấu trừ, được hoàn lại. Căn cứ chủ yếu để xác định số thuế này là cột “mặt hàng” trên bảng kê mua vào. Bây giờ, nếu bỏ cột “mặt hàng”, cơ quan thuế sẽ không còn cơ sở để xác định tính hợp lệ của hóa đơn DN kê khai, dẫn đến việc yêu cầu DN giải trình những hóa đơn này. Khi giải thích thì phải lục, phải nhớ, việc giải trình còn “ngốn” thời gian nhiều hơn so với việc kê khai cột “mặt hàng” ngay từ đầu. Nếu không nhớ sẽ kê khai không chính xác, đồng nghĩa với bị phạt!

Lắp ráp máy tính tại Công ty cổ phần FPT ELEAD thuộc KCN Tân Bình

Tương tự, quy định mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì không phải lấy hóa đơn (cơ quan thuế cũng không cấp bán) nhưng phải lập bảng kê 01 theo quy định của Thông tư 78/2014/TT-BTC càng gây “rối” cho DN. Bởi theo bản kê phải có số chứng minh nhân dân của người bán, điều mà quan hệ dân sự với nhau khó ràng buộc được. Hơn nữa, làm sao DN kiểm tra và biết người bán có phải là đối tượng có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm hay không để bản khai có tính hợp pháp? Do vậy, ông Hoàng Thanh, giám đốc tài chính một công ty sản xuất thực phẩm, đề nghị xác định rõ lại các đối tượng này hoặc cho phép DN, cá nhân được quyền mua hóa đơn như trước, tránh trường hợp DN phải đối phó, khai “ma” và bị phạt.

Chính vì những quy định quá chi tiết nên nảy sinh một thực tế là nếu khai đủ cũng không thể kiểm tra xuể. Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN khu công nghiệp TPHCM, dẫn chứng: Các DN tại các khu chế xuất làm hàng xuất khẩu theo phương thức “tạm nhập tái xuất”, đầu vào kê khai nguyên phụ liệu nhập khẩu với hàng ngàn dòng về chi tiết nguyên phụ liệu, trong khi hải quan thì không nhất thiết phải quản lý linh kiện kỹ thuật chi tiết như vậy. Nhưng nếu kê khai theo cách gom nhóm nguyên phụ liệu và phải chuyển đổi đơn vị tính theo quy định của bảng kê xuất nhập khẩu hàng hóa của Nhà nước thì dẫn đến sai số, nhất là khi thanh khoản. Khi thanh khoản, do cách kê khai trên nên có DN phải nộp hồ sơ đến hàng chục ngàn trang giấy. Do vậy, các DN kiến nghị nên kê khai theo giá trị đầu vào nguyên phụ liệu và giá trị đầu ra sản phẩm xuất khẩu. Ngoài ra, phải gia cố hệ thống điện tử liên thông đến các bộ phận có liên quan như cổng, cảng, kho, bãi để tránh trục trặc, tránh trường hợp DN phải làm sẵn một bộ hồ sơ khai báo hải quan để đề phòng hệ thống hải quan tự động gặp sự cố!

Hậu kiểm, tiền kiểm lỏng lẻo

Hệ thống pháp luật quy định đến từng chi tiết như thế, nhưng điều đó không có nghĩa là tạo thuận tiện cho DN, chưa kể đến hiệu quả trong hoạt động chống thất thu thuế - nhiệm vụ chính trong công tác quản lý lĩnh vực thuế, hải quan - chưa cao. Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TPHCM), kể hàng loạt khoảng trống trong quản lý thuế và hải quan. Cụ thể, quy định DN bán lẻ phải lập bản kê cuối ngày đối với hàng hóa bán lẻ có giá trị mỗi lần bán dưới 200.000 đồng. Trong khi với hàng hóa có giá trị trên 200.000 đồng, buộc phải xuất hóa đơn thì nhiều DN không thực hiện, cũng không bị xử lý vi phạm. Bằng chứng là thị trường đầy những vi phạm bán hàng không xuất hóa đơn.

Khi chúng ta giao quyền cho DN nhưng khâu “tiền kiểm”, “hậu kiểm” gần như bỏ trống thì chẳng khác nào khoán trắng. Nghị định cho phép một số DN bán hàng được thực hiện hóa đơn tự in từ máy tính, nhưng nhiều năm qua cơ quan thuế TP không kiểm tra xem DN bán lẻ với nhiều cửa hàng, đại lý… có thực hiện in gian, in trùng số hóa đơn để trốn thuế hay không? Với “năng lực” quản lý thuế hiện nay của TP, hàng năm chỉ kiểm tra được khoảng 10% - 15% số lượng DN, vậy tại sao các kiến nghị kết nối liên thông mạng để chống gian lận thuế được đề nghị nhiều năm qua, đến giờ vẫn chưa được triển khai?

Luật sư Trần Hải Đức cho rằng, Bộ Tài chính chỉ mới “hớt ngọn” trong lĩnh vực áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thuế, hải quan. Để giảm thủ tục, giảm thời gian, chi phí, không thể chỉ bằng cách nâng chỉ tiêu đạt 95% số lượng DN khai thuế qua mạng. Bởi một khi công tác quản lý thuế chưa được kết nối, liên thông qua mạng thì việc khai thuế qua mạng chỉ là vỏ bọc! Chỉ khi ngành thuế kết nối được dữ liệu, biết rõ hóa đơn, nguồn hàng từ đâu, quản lý theo “cung đường” trên mạng dữ liệu thì DN mới không thể gian lận thuế và sẽ không tốn nhiều thời gian giải trình khi gặp vướng mắc nhỏ, dù là dấu gạch chéo trong hóa đơn.

Đối với ngành hải quan cũng thế, Bộ Tài chính tạo điều kiện cho DN bằng cách phân luồng xanh - vàng - đỏ để phân loại “niềm tin” đối với DN. Nói thẳng ra, DN tốt chưa hẳn sẽ tốt mãi và DN xấu chưa hẳn sẽ xấu mãi, nhưng với quy định phân luồng cứng ngắt này thì sẽ có không ít DN gian cố tô điểm lớp son đẹp để lọt vào luồng xanh với ý đồ buôn lậu. Trong khi, ở các nước tiên tiến, việc thực hiện phân luồng được đặt trên nền tảng là cơ quan quản lý đã nắm được “cung đường” nguồn hàng: xuất phát từ đâu, bán cho DN nào, DN nào ủy thác xuất khẩu… Có quản lý được hàng hóa qua mạng thì mới ứng dụng hiệu quả cải cách thủ tục hành chính cho DN và chống thất thu thuế. Nếu không, sẽ vẫn còn nhiều “con voi chui qua lỗ kim” tại luồng xanh hải quan như thời gian qua.

HÀN NI - ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục