Xây mới chợ Tân Bình: Quận sẽ lắng nghe ý kiến của tiểu thương

Sau khi UBND quận Tân Bình công bố việc đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại (TTTM) dịch vụ đa năng và chợ truyền thống Tân Bình vào cuối tuần qua đã gây ra sự lo lắng cho các tiểu thương. Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng chợ Tân Bình cần phải cân nhắc kỹ nếu không sẽ khó mang lại hiệu quả và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của tiểu thương. Về phía UBND quận Tân Bình khẳng định, việc đầu tư xây dựng mới chợ theo hướng văn minh, hiện đại là một dự án khả thi.
Xây mới chợ Tân Bình: Quận sẽ lắng nghe ý kiến của tiểu thương

Sau khi UBND quận Tân Bình công bố việc đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại (TTTM) dịch vụ đa năng và chợ truyền thống Tân Bình vào cuối tuần qua đã gây ra sự lo lắng cho các tiểu thương. Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng chợ Tân Bình cần phải cân nhắc kỹ nếu không sẽ khó mang lại hiệu quả và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của tiểu thương. Về phía UBND quận Tân Bình khẳng định, việc đầu tư xây dựng mới chợ theo hướng văn minh, hiện đại là một dự án khả thi.

Chợ Tân Bình được xây dựng đã hơn 50 năm đang xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: Đình Lý 

Không nên xây chợ cao tầng

Trưa 22-9, có mặt tại chợ Tân Bình, TPHCM, chúng tôi ghi nhận hoạt động kinh doanh, buôn bán vẫn diễn ra bình thường. Riêng ở khu vực lầu 1 của chợ, vị trí mặt tiền đường Lý Thường Kiệt tạm thời bỏ trống do bị xuống cấp nghiêm trọng. Xen lẫn với hoạt động kinh doanh, buôn bán ở chợ là sự lo lắng của tiểu thương xung quanh việc xây dựng TTTM dịch vụ đa năng và chợ truyền thống Tân Bình vừa được UBND quận Tân Bình công bố. Tiểu thương Đoàn Kim Yến, sạp 21C, khu A, chợ Tân Bình, lo lắng: “Việc quận nói xây dựng chợ mới tiểu thương phải đóng tiền trước trong khi họ không biết chỗ kinh doanh mới sẽ ở chỗ nào là không thể chấp nhận được. Chưa kể, việc xây dựng chợ theo kiểu nhà cao tầng sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của tiểu thương do khi chuyển lên tầng sẽ không có khách hàng”.

Anh Trương Ánh, sạp 20C (khu A) cũng cho rằng: “Khi quận có chủ trương xây dựng chợ mới cần họp lấy ý kiến và thông báo cho tiểu thương biết vì hiện chúng tôi mới chỉ biết tin qua truyền miệng, chưa có bất cứ một văn bản nào để tiểu thương có sự chuẩn bị trong hoạt động kinh doanh. Mặt khác, nếu việc xây dựng chợ mới dưới dạng có lầu sẽ không có ai buôn bán vì khách hàng ngại lên lầu cao, còn đối với các tiểu thương buôn bán ở trên các tầng lầu còn phải chịu phí bốc vác hàng hóa sẽ không mang lại hiệu quả. Vì mô hình chợ nhiều tầng ở TPHCM như chợ An Đông, Văn Thánh… khi xây dựng lên tiểu thương kinh doanh trong tình cảnh ế ẩm”.

Từ những lý do trên, các tiểu thương ở chợ cho rằng, việc xây dựng mới chợ Tân Bình cần phải cân nhắc kỹ. Tiểu thương Đoàn Kim Yến kiến nghị: “Nếu chợ xuống cấp thì nâng cấp lên, tiểu thương sẵn sàng đóng tiền để cùng nhà nước sửa chữa, nâng cấp nhưng vẫn giữ lại được chỗ kinh doanh, buôn bán cũ. Ngoài ra, chợ Tân Bình vốn dĩ là chợ truyền thống, nếu cho xây dựng thành TTTM phía trước và chợ ở phía sau sẽ làm mất vẻ truyền thống của chợ nên cần phải xem xét lại”.

Còn tiểu thương Phạm Thị Nhung, buôn bán quần áo tại chợ Tân Bình, cho rằng: “Nếu chợ xuống cấp, gia cố, sửa chữa vẫn tốt hơn vì nó sẽ giúp cho tiểu thương giữ được khách hàng quen”. Bên cạnh đó, các tiểu thương ở chợ mong muốn, nếu quận quyết định xây dựng chợ mới thì phải có sự bồi thường thỏa đáng; hỗ trợ tiền thuế khi di dời ra chợ tạm và thời gian đầu vào kinh doanh ở chợ mới trong khoảng thời gian ít nhất là 1 năm.

Khu buôn bán giày dép trong chợ Tân Bình. Ảnh: Cao Thăng

Không để tiểu thương thiệt thòi

Ông Lê Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, khẳng định, tháo dỡ chợ Tân Bình cũ và đầu tư xây dựng mới là việc chẳng đặng đừng. Thứ nhất, chợ được xây dựng hơn 50 năm qua, trải qua nhiều giai đoạn duy tu, sửa chữa và mở rộng không đồng bộ, đến nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là nguy cơ cháy nổ. Thứ hai, tại chợ hiện có 3.336 sạp, nhưng hiện có tới 2/3 số sạp kinh doanh diện tích dưới 1m² nên không còn phù hợp với tiêu chuẩn chung theo Nghị định 02 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, trong đó quy định mỗi quầy sạp phải được thiết kế theo quy chuẩn tối thiểu là 3m²… Đây là 2 lý do chính quận triển khai thực hiện dự án xây dựng lại chợ Tân Bình theo mô hình văn minh, hiện đại.

Trong thời gian chờ đợi xây dựng chợ mới, chợ sẽ xây dựng 2 chợ tạm để di dời tiểu thương, nhằm đảm bảo việc kinh doanh được thông suốt. Theo khảo sát của UBND quận Tân Bình, gần 100% tiểu thương đang buôn bán tại chợ hiện nay đủ điều kiện để được tái bố trí vào chợ mới. Nếu tiểu thương không có nhu cầu thuê sạp ở chợ mới sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ kinh doanh. Sạp chợ mới rộng từ 3m² trở lên. Những người có sạp từ 3m² trở xuống ở chợ cũ sẽ được bố trí tối thiểu một sạp tại chợ mới. Những tiểu thương có sạp ở chợ cũ lớn hơn 3m² sẽ được bố trí diện tích tương đương. Để đảm bảo công bằng cho tiểu thương, đối với các hộ đang kinh doanh ở các vị trí thuận lợi như hai mặt tiền, ba mặt tiền, sẽ được tái bố trí sắp xếp ở vị trí tương ứng. Với các hộ còn lại sẽ tiến hành bốc thăm.

Liên quan đến việc xây dựng chợ có lầu, quận cũng đã cân nhắc kỹ vì đặc thù kinh doanh tại chợ Tân Bình chủ yếu là buôn bán sỉ nên rất khả thi. “Khi thiết kế xây dựng chợ mới theo dạng chợ có lầu, chúng tôi cũng rất lo lắng, nhưng ngay khi đi khảo sát từ một số nước đã cho thấy hiệu quả từ mô hình này. Và cũng chỉ xây dựng chợ có lầu mới có thể bố trí đầy đủ nơi kinh doanh cho số tiểu thương hiện hữu, đáp ứng đúng theo quy định mới. Nếu chúng ta cứ e ngại và không mạnh dạn làm thì sẽ rất khó” - ông Lê Sơn nói.

Các tiểu thương lo lắng việc kinh doanh bị ảnh hưởng do xây mới chợ Tân Bình, TPHCM.

Được biết, vào cuối tuần này, UBND quận Tân Bình sẽ tổ chức các buổi tiếp xúc, làm việc với tiểu thương để lắng nghe và giải đáp tất cả những thắc mắc và lo lắng của họ. Theo ông Lê Sơn, đầu tư xây dựng một ngôi chợ mới trên nền một chợ cũ đã bị xuống cấp khá trầm trọng buộc phải có sự đồng cảm và chia sẻ từ nhiều phía. Đặc biệt, để thực hiện được dự án này cần phải xã hội hóa nguồn vốn. Cũng giống như cách chúng ta đập ngôi nhà đã xập xệ, muốn có chỗ ở mới khang trang, sạch đẹp thì cần phải có tiền nên chúng tôi rất mong sự hợp tác của tiểu thương.

Lâu nay, những vấn đề liên quan đến chợ đều rất phức tạp, bởi lẽ, đằng sau hàng ngàn hộ kinh doanh là cuộc sống của gia đình họ cùng bao nhiều con người đang phụ giúp kinh doanh tại chợ. Ý thức được vấn đề này nên quận sẽ làm hết sức mình, trên cơ sở sẽ đặt quyền lợi của tiểu thương lên trên hết. Và chỉ như vậy, dự án mới có thể thành công.

Dự kiến, giá thuê sạp ở chợ Tân Bình mới cao nhất là 400.000 đồng/m²/tháng (tầng 1), 380.000 - 390.000 đồng/m²/tháng (tầng 2 và 3); 360.000 - 380.000 đồng/m²/tháng (tầng 4, 5, 6) thấp nhất là 150.000 đồng/m²/tháng (tầng lửng hầm). Giá thuê địa điểm kinh doanh ngành ăn uống là 300.000 đồng/m²/tháng. Tiểu thương sẽ đóng tiền thuê sạp trong vòng 30 năm và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng sạp chợ, được thế chấp, cho thuê và sang nhượng lại quyền sử dụng sạp. Việc đóng tiền thuê sạp sẽ chia thành 4 đợt nhằm giảm bớt áp lực cho tiểu thương. Trong trường hợp tiểu thương không đủ điều kiện đóng tiền thuê sạp, quận cũng đã lên phương án phối hợp với các ngân hàng để hỗ trợ vốn cho tiểu thương. Theo tính toán của ông Lê Sơn, tổng số tiền thuê sạp trong 30 năm mà tiểu thương phải đóng cao nhất là khoảng 430 triệu đồng/sạp diện tích 3m². Đây là con số không quá lớn vì khi tiểu thương đóng đủ số tiền này sẽ được quận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng sạp chợ .

THÚY HẢI - ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục