Khai mạc Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2014 tại Ninh Bình

Sáng 27-9, Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2014 đã khai mạc tại Ninh Bình, với chủ đề: “Tái cơ cấu nền kinh tế: Kỳ vọng chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản". Đây là hoạt động diễn ra mỗi năm hai lần, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức với sự tham gia của đại diện các tổ chức quốc tế, các bộ ngành trung ương và địa phương cùng nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự và chủ trì Diễn đàn.
Khai mạc Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2014 tại Ninh Bình

(SGGPO).- Sáng 27-9, Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2014 đã khai mạc tại Ninh Bình, với chủ đề: “Tái cơ cấu nền kinh tế: Kỳ vọng chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản". Đây là hoạt động diễn ra mỗi năm hai lần, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức với sự tham gia của đại diện các tổ chức quốc tế, các bộ ngành trung ương và địa phương cùng nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự và chủ trì Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Diễn đàn là một hoạt động quan trọng nhằm chuẩn bị nội dung cho kỳ họp Quốc hội sắp diễn ra. Nhận định khái quát về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, bà Kim Ngân đặc biệt lưu ý đến thực trạng khó khăn của doanh nghiệp; khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế yếu, một số vấn đề xã hội nổi cộm… và đề nghị các đại biểu “hiến kế” cho Quốc hội nhằm tháo gỡ khó khăn, thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra cho năm 2014 và những năm tới.

Kinh tế đã thoát đáy, đang vật vã đi lên

Với bản tham luận "Kinh tế Việt Nam 2014 và triển vọng 2015", nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nhận định, năm 2014, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, lạm phát giảm, đến tháng 8 CPI mới ở mức 1,84% so với tháng 12-2014. Dự báo cả năm 2014, CPI khó vượt quá 4,5% so với tháng 12-2013. Nền kinh tế đã thoát đáy đi lên nhưng tổng cầu vẫn yếu, nợ xấu không được giải quyết hiệu quả và đang có xu hướng tăng lên, tín dụng không đến được với nền kinh tế; tốc độ phục hồi chậm.

Khu vực doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, chỉ số quản trị mua hàng theo HSBC, tuy vẫn ở mức trên 50 điểm % nhưng đã sụt giảm 4 tháng liên tục. Khu vực tư nhân Việt Nam ngày càng yếu đi, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này 8 tháng năm 2014 chỉ còn chiếm 32,7% trong tổng kim ngạch của cả nước, trong khi kim ngạch xuất khẩu của khối FDI đã lên tới 67,3%. Hệ thống phân phối đang bị các nhà đầu tư nước ngoài xâm lấn, FDI cũng đã chiếm tỷ trọng gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả nước.

Về bức tranh kinh tế - xã hội năm 2015, ông Trương Đình Tuyển khá lạc quan khi cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2015 có mức phục hồi cao hơn và có khả năng đạt mức tăng trưởng từ 6%-6,2%. Yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh đang được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và sẽ có chuyển biến trên hầu hết các tiêu chí trong nửa đầu năm 2015. Nhiều khả năng hầu hết các Hiệp định mậu dịch tư do ta đang đàm phán sẽ được hoàn thành không muộn hơn 6 tháng đầu năm 2015. Điều này sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng. Lạm phát được dự báo không quá 6,5% nếu Ngân hàng Nhà nước thực hiện tốt chính sách trung hòa tiền tệ (ngoại tệ vào Việt Nam sẽ tăng, lượng tiền VND để mua ngoại tệ sẽ  lớn (gần giống như năm 2007) cần phải có giải pháp rút tiền VND về...).

Ông Trương Đình Tuyển không quên nhắc nhở, việc nợ công tăng đang đe doạ khả năng trả nợ và an toàn tài chính. Nếu tăng trưởng thấp và do đó thu ngân sách tăng chậm, nguồn trả nợ sẽ khó khăn. Ông Tuyển cảnh báo các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, sẽ không thể đạt được các thành quả dự định, nếu “thiếu quyết tâm chính trị”.

Trên cơ sở phân tích tình hình, GS.TS Trần Thọ Đạt và các cộng sự đưa ra khuyến nghị: nếu tiếp tục chính sách kích cầu chỉ nên kích thích vào khu vực tư nhân. Tuy nhiên, cần thấy là hệ số sinh lời của khối doanh nghiệp tư nhân ngày càng giảm xuống mức trên 1%, trong khi lãi suất huy động là 6% -7% và lãi phải trả ngân hàng trên dưới 10%. Về mặt kinh tế các doanh nghiệp này không có động cơ đầu tư mở rộng sản xuất. Đấy là chưa nói đến sự đối xử thiếu bình đẳng so với khu vực FDI và DNNN cũng như vô vàn những trở ngại, nhiêu khê về mặt thủ tục hành chính cũng như các chi phí không chính thức…

Tái cơ cấu cần có luật và nguồn lực tài chính đủ mạnh

Người đầu tiên đưa ra nghị trường Quốc hội khái niệm “cục máu đông” – nợ xấu – đối với nền kinh tế, tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu lần này, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM tiếp tục trở lại với chủ đề này bằng những nhận xét sắc bén và kiến nghị cụ thể. 

Theo TS Trần Du Lịch, nền kinh tế đã thoát khỏi giai đoạn bất ổn vĩ mô, nhưng vẫn chưa thoát khỏi trì trệ. Tuy từng thời điểm có sự linh hoạt nhất định, nhưng về cơ bản trong 3 năm 2011-2013, chính sách tài khoá và tiền tệ đều nhằm vào mục tiêu kiềm chế lạm phát. Năm 2014, những chỉ báo kinh tế vĩ mô diễn biến tích cực, hệ thống ngân hàng thương mại đi vào ổn định, nhưng nền kinh tế vẫn đối diện với nhiều thách thức: nguy cơ tái lạm phát cao kèm theo sự trì trệ của thị trường đã thu hẹp “dư địa” của các chính sách tài khóa và tiền tệ; tình hình nợ xấu tuy có cải thiện, nhưng dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, nền kinh tế khó hấp thụ được vốn. Bên cạnh đó, do lạm phát kỳ vọng (và cả yếu tố tâm lý) nên việc kéo giảm lãi suất tiết kiệm tiền gửi bị hạn chế và lãi suất cho vay dù đã kéo giảm nhiều lần, nhưng vẫn còn khá cao, đặc biệt là lãi suất vay trung - dài hạn, nên  không kích thích được các DN đang có thị trường mở rộng đầu tư và vẫn là nguy cơ làm tăng nợ xấu đối với những DN đang nỗ lực phục hồi sản xuất. Những nỗ lực để làm ấm thị trường bất động sản chưa mang lại nhiều kết quả, nên thanh khoản của thị trường này ít được cải thiện.

"Theo số liệu tôi nắm được thì từ năm 2012 đến nay, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được khoảng 184.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng nợ xấu lại tiếp tục phát sinh, do nợ “dây chuyền” của doanh nghiệp tác động lây lan và việc cơ cấu lại nợ trong năm 2013 chỉ mang ý nghĩa tình thế, trong khi đó những doanh nghiệp vướng nợ chưa có khả năng phục hồi”, ông Trần Du Lịch cho biết.

Chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu, TS Trần Du Lịch đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh quá trình xử lý nợ xấu. Theo đó, Quốc hội cần sớm sửa đổi bổ sung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở theo hướng phát triển thị trường nhà ở, mở rộng đối tượng sở hữu nhà ở và hình thành thị trường nhà ở tương lai. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân sự cũng cần được điều chỉnh theo hướng bảo vệ quyền của chủ nợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán, phát mại tài sản bảo đảm.

Chưa dừng ở đó, ông Trần Du Lịch cho rằng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp phải quy định theo hướng công khai, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp; nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các khoản nợ ngân hàng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng cho phép chuyển nhượng dự án bất động sản.

TS Trần Du Lịch nhấn mạnh, cần phải bổ sung năng lực tài chính cho VAMC: “Một tổ chức mua bán nợ không thể chỉ dựa vào cơ chế, mà trước hết phải có năng lực tài chính khả dĩ để mua nợ. Cần phải có một dòng vốn nằm ngoài hệ thống ngân hàng tạm thời bơm vào hệ thống để xử lý nợ”.

Vẫn theo TS Trần Du Lịch, có nhiều nguồn để bổ sung tài chính cho Công ty VAMC, bao gồm tăng vốn điều lệ, sử dụng tiền vay nước ngoài của Chính phủ, NHNN phát hành tín phiếu để làm phương tiện mua nợ xấu, trong đó tập trung mua nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước. Với nguồn lực tài chính đủ mạnh, Công ty VAMC có thể thực hiện bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng và triển khai các hoạt động đầu tư, hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay hoàn thiện dự án đầu tư có tính khả thi...

Là cơ quan chủ trì chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cần tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty VAMC và các văn bản hướng dẫn theo hướng tạo sự chủ động, trao quyền hạn phù hợp cho Công ty VAMC xử lý nợ, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đã mua; nâng cao minh bạch trong hoạt động mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt và mua nợ xấu theo giá trị thị trường của Công ty VAMC.

Diễn đàn sẽ tiếp tục đến hết buổi sáng mai, 28-9.

Không còn thời kỳ “vàng”

Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương (Viện Khoa học và Xã hội), đến 1-7-2014, dân số Việt Nam đạt 90,659 triệu người, tăng 1,04% so với cuối năm 2013. Thời kỳ 2010-2013, tốc độ tăng dân số đã xuống mức thấp, 1,05% một năm, bình quân mỗi năm chỉ tăng 928 ngàn người.

Dân số từ 60+, tăng mỗi năm 387 ngàn người, tốc độ tăng 4,43%/năm. Tỷ lệ dân số từ 60+ tăng từ 9,4% lên 10,4% năm 2013 và 10,46% vào quý 2-2014, cho thấy Việt nam đã chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số.


Bảo Vân

Tin cùng chuyên mục