Cần có các thiết chế độc lập trước khi tư nhân hóa thị trường điện

(SGGPO).- “Xây dựng thể chế thị trường năng lượng cạnh tranh ở Việt Nam” là chủ đề cuộc hội thảo diễn ra sáng nay, 1-7 tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM).

(SGGPO).- “Xây dựng thể chế thị trường năng lượng cạnh tranh ở Việt Nam” là chủ đề cuộc hội thảo diễn ra sáng nay, 1-7 tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM). 

Tại cuộc hội thảo, ông Julian Scarff, chuyên gia thuộc tổ chức Australia Aid khẳng định, việc cải cách thị trường điện lực sẽ giúp xác lập tính ưu việt của cơ chế giá bằng cách thúc đẩy cạnh tranh, cải thiện hiệu quả... Kinh nghiệm ở Braxin cho thấy, thị trường phân phối điện được tư nhân hóa trong giai đoạn 1995 – 2000 với tỷ lệ tư nhân hóa khoảng 60% đã tạo ra mức thu nhập tương đương 2,5% GDP cả nước trong giai đoạn này. Ở các nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi, việc xóa bỏ trợ cấp giá điện ước tính làm GDP tăng 0,5% trong năm 2010…

Thông qua việc phân tích và so sánh mô hình thị trường điện Việt Nam và quốc tế, ông Julian Scarff lưu ý đến một kết quả quan trọng: giảm giá điện. Theo ông, “các hành động cải cách làm cho giá điện tiến gần đến chi phí biên dài hạn”. Tuy vậy, cải cách làm cho giá điện bán buôn trung bình giảm xuống, nhưng không nhất thiết làm giá bán lẻ giảm. Tư nhân hóa cho phép Chính phủ và các đơn vị sản xuất điện được hưởng lợi từ việc tăng giá, nhưng lại ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Do đó, việc điều chỉnh giá điện phải được thực hiện trước khi tư nhân hóa thay vì sau khi tư nhân hóa.

Từ góc độ lợi ích của người tiêu dùng cuối cùng, kinh nghiệm cho thấy cần có những cơ quan có năng lực và độc lập trước khi tư nhân hóa các đơn vị hoạt động trong ngành điện.

Tại Australia, có 3 cơ quan cùng phối hợp điều chỉnh hoạt động của thị trường điện. Cơ quan Điều hành thị trường điện (AEMO) có chức năng điều hành thị trường điện thông qua một quy trình điều độ tập trung, thu về một mối tất cả điện năng phát ra từ các nhà máy điện và cung cấp lượng điện cần thiết từ đầu mối này đến các nhà bán buôn. Ủy ban Thị trường điện (AEMC) là một thiết chế khác, có chức năng đưa ra và điều chỉnh quy định về vận hành thị trường điện; đánh giá độc lập và tham mưu cho Chính phủ về sự phát triển của thị trường điện. Cuối cùng là Cơ quan Điều tiết điện lực (AER) có chức năng quản lý, giám sát thị trường bán buôn điện và gas để đảm bảo các bên cung cấp tuân thủ pháp luật và quy định; thực thi pháp luật khi cần thiết. AER cũng sẽ định giá sử dụng mạng lưới truyền tải và hỗ trợ Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng trong giải quyết các vấn đề liên quan đến điện theo Luật Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục