Vải thiều xuất đi Mỹ, Australia bị đội giá vì... dây chuyền chiếu xạ

(SGGP).- Ngày 5-7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra việc đầu tư, nâng cấp cơ sở chiếu xạ đầu tiên của miền Bắc tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội thuộc Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia (Bộ KH-CN). Đây là một trong những hoạt động nhằm tiếp sức cho việc đẩy mạnh tiêu thụ trái cây Việt Nam (trước mắt là vải thiều và nhãn) ra các thị trường khó tính và có giá trị kinh tế cao như Mỹ, Australia… gắn liền yêu cầu nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật châu Âu và Mỹ.

Theo Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, khi vận hành, dây chuyền chiếu xạ này sẽ có khả năng xử lý 20-30 tấn vải, nhãn/ngày, góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Australia và Mỹ. Tại buổi làm việc, ông Đặng Quang Thiệu, Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội cho biết, tổng nguồn vốn để mua sắm thiết bị, nâng cấp nguồn, dây chuyền và sửa chữa, xây dựng khu chiếu xạ này vào khoảng 30 tỷ đồng. “Hiện nay chúng tôi đã sẵn sàng phần thiết bị, chỉ còn thiếu 9 tỷ đổng để xây dựng và sửa chữa kho”, ông Đặng Quang Thiệu chia sẻ. Được biết, để được phía Mỹ chứng nhận và cấp giấy phép chiếu xạ, cùng với đảm bảo dây chuyền chiếu xạ, trung tâm phải đảm bảo các điều kiện để hàng hóa chiếu xạ không bị tái nhiễm. Tuy nhiên, đến nay Bộ KH-CN vẫn chưa bố trí kinh phí cho phần xây dựng nhỏ, sửa chữa lớn cho Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội để xây dựng, sửa chữa kho lạnh nên việc triển khai bị chậm. Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Ngay trong tuần tới, tôi sẽ trao đổi với Bộ trưởng Bộ KH-CN để có giải pháp. Vấn đề hiện nay là nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật để có thể đáp ứng được yêu cầu chiếu xạ ở quy mô lớn hơn. Việc đó chúng tôi sẽ trao đổi với Bộ trưởng Bộ KH-CN và các bộ có liên quan để xử lý, hỗ trợ trung tâm ngay trong năm 2015”.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện nay ở miền Nam đã có 2 cơ sở chiếu xạ được công nhận. Trong khi nếu vận chuyển nông sản từ Bắc vào Nam khiến chất lượng bị giảm sút và các doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu những chi phí lớn. Đó cũng là lý do vải, nhãn xuất khẩu đi Australia và Mỹ bị đội giá như thời gian qua đã nêu. Vì thế, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Bộ KH-CN để giải quyết sớm nguồn vốn cho Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội thực hiện nhiệm vụ đặt ra, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp cũng như bà con nông dân trồng vải, nhãn ở các địa phương miền Bắc.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục