Kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Ngày 29-1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2016.

Bảo đảm nhân dân đón tết yên bình

Tại phiên họp, Chính phủ nghe và thảo luận về báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và tình hình kinh tế - xã hội tháng 1-2016 và một số nội dung quan trọng khác. Các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng đầu năm 2016 tiếp tục chuyển biến và đạt kết quả khả quan. Giá tiêu dùng ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2016 không tăng so với tháng 12-2015; sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong thời gian diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, tháng 1-2016 đã diễn ra sự kiện hết sức quan trọng của đất nước là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng thành công tốt đẹp. Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, giá dầu giảm mạnh, vấn đề biển Đông diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cũng như những kết quả tích cực đạt được, tình hình cũng có những khó khăn nhất định, trong đó nổi lên là giá dầu thế giới giảm mạnh, kinh tế thế giới phục hồi chậm, thiếu vững chắc và tăng trưởng thấp; những diễn biến phức tạp ở biển Đông. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phát huy những kết quả đạt được, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. “Bộ, ngành nào cũng đã đề ra chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016. Bây giờ, cần quyết liệt đôn đốc việc triển khai thực hiện”, Thủ tướng lưu ý và yêu cầu tập trung triển khai một số nhiệm vụ. Đó là phải kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân các dự án, nhất là các công trình kết cấu hạ tầng, bảo đảm tiến độ. Thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp, việc bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Về cân đối cung cầu hàng hóa, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, đã chỉ đạo các sở công thương tham mưu cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố tăng cường công tác chuẩn bị, nhất là chuẩn bị nguồn hàng, bình ổn giá. Theo số liệu chưa đầy đủ, đến hết 31-12-2015 đã có 48 tỉnh, thành có các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp thương mại dự trữ nguồn hàng, bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh trong dịp tết.

Chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường và đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra thị trường; phòng chống, phát hiện và xử lý nghiêm nạn buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả, nhất là trong dịp lễ, tết nhằm đảm bảo ổn định thị trường, góp phần tăng thị phần cho hàng Việt Nam. Kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung - cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong các dịp lễ, tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu, bên cạnh bảo đảm tốt cung cầu hàng hóa trong dịp tết, các bộ, ngành, địa phương cần hết sức lưu ý đến các biện pháp tăng cường quản lý giá cả, thị trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các hàng vi buôn lậu, làm hàng giả, hàng nhái, găm hàng gây sốt giá, trục lợi bất chính.

Thủ tướng cũng yêu cầu, cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách người có công, an sinh xã hội, bảo đảm cho đối tượng chính sách và người nghèo có tết. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán, bảo đảm vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục. Ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động thu lợi bất chính. Thủ tướng lưu ý phải chủ động kế hoạch phương tiện đi lại, bảo đảm đi lại thuận tiện cho người dân về quê ăn tết, quyết tâm giảm được số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông.

Chưa tăng giá điện

Tại phiên họp Chính phủ lần này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng đã báo cáo về tình hình, ảnh hưởng của rét đậm, rét hại đối với nước ta và các biện pháp phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Để khắc phục hậu quả của đợt rét đậm, rét hại vừa qua gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của các tỉnh phía Bắc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải hết sức quan tâm hỗ trợ đồng bào khắc phục hậu quả của đợt rét đậm, rét hại vừa qua; hỗ trợ, giúp đồng bào khôi khục lại sản xuất, khôi phục lại đàn gia súc bị chết rét. Bộ Tài chính ứng ngân sách cho các tỉnh hỗ trợ đồng bào trên tinh thần chính sách, định mức đã có; đồng thời yêu cầu ngân hàng quan tâm hỗ trợ tín dụng, cho người dân vay vốn, sớm khôi phục sản xuất sau thiên tai.

Tại buổi họp báo của Văn phòng Chính phủ tối 29-1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, thống kê đến ngày 29-1 cho thấy, rét đậm, rét hại đã gây chết khoảng 9.000 con gia súc, 43.000 gia cầm, 27.000ha cây trồng bị thiệt hại. Hiện Bộ NN-PTNT đang hướng dẫn các địa phương thống kê thiệt hại để trình Chính phủ hỗ trợ theo quy định. Trước mắt, đề nghị địa phương ứng ngân sách để hỗ trợ cho bà con khôi phục sản xuất.

Đáng chú ý, tại cuộc họp báo, trả lời về khả năng tăng giá điện, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công thương chưa có chủ trương tăng giá điện. Hiện cũng chưa có văn bản đề nghị tăng giá điện từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam. “Bộ Công thương trong chức năng quyền hạn của mình được quyết việc tăng giá điện dưới 5%. Tuy nhiên, trước mắt chưa điều chỉnh giá điện”, ông Hải khẳng định.

Không nhất thiết ngành nào cũng có Ủy viên Trung ương

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII vừa qua có một số trường hợp cán bộ của bộ, ngành đã được quy hoạch nhưng lại không trúng cử, Chính phủ sẽ chuẩn bị nhân sự ra sao, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, công tác nhân sự là công tác của Đảng. Thời gian qua, Đảng đã chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch cán bộ đối với cấp ủy các cấp. Công tác này được thực hiện bài bản, chặt chẽ theo quy định, quy hoạch có độ mở và rộng, mỗi chức danh đều có 1-2, 3 hoặc thậm chí nhiều hơn số người chuẩn bị để bảo đảm tính kế thừa; hoặc một cán bộ cũng có thể quy hoạch một vài chức danh để khi cần thiết thiết Đảng sẽ điều động. Quy hoạch như vậy thì sẽ rất hạn chế tình trạng bị động. “Trong Đại hội Đảng XII vừa qua, một số trường hợp dự kiến nhưng không trúng cử thì cũng là bình thường, vì công tác quy hoạch cán bộ đã có số dư, đã có chuẩn bị. Đại hội mới vừa kết thúc, nên cấp thẩm quyền có trách nhiệm quản lý cán bộ sẽ xem xét, bố trí hợp lý trong thời gian tới”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, bộ máy nhà nước nhiều đầu mối, còn Ủy viên Trung ương thì có hạn, ví dụ hiện nay chỉ 200 Ủy viên Trung ương gồm cả chính thức và dự khuyết. Quan điểm của Đảng là không nhất thiết ngành nào cũng có Ủy viên Trung ương. Còn các địa phương cố gắng có người đứng đầu là Ủy viên Trung ương, nhưng nơi nào chưa bố trí được thì Trung ương sẽ xem xét các điều kiện cần và đủ để bảo đảm điều động cán bộ hợp lý. Trả lời câu hỏi liệu có khoảng trống nào trong việc thực thi nhiệm vụ giữa các thành viên Chính phủ mới và cũ, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết, ngày 29-1, mở đầu phiên họp Chính phủ, Thủ tướng đã chúc mừng các thành viên mới được tín nhiệm bầu vào Trung ương, Bộ Chính trị. Đồng thời nhắc nhở 14 thành viên Chính phủ không tái cử nhiệm kỳ này phải tập trung hoàn thành nhiệm vụ đến phút cuối cùng, đến khi bàn giao công việc. Sẽ không phải đồng loạt bàn giao mà nơi nào chuẩn bị xong thì tiến hành bàn giao nơi đó. Trách nhiệm là xuyên suốt, không có khoảng trống nào.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục