Lắng nghe để xây dựng chiến lược

Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam liên tiếp có các hoạt động diễn ra ở Hà Nội những ngày vừa qua. 
Các kỹ sư FPT giởi thiệu những công nghệ mới của mình với các trí thức trẻ người Việt. Ảnh TRẦN BÌNH
Các kỹ sư FPT giởi thiệu những công nghệ mới của mình với các trí thức trẻ người Việt. Ảnh TRẦN BÌNH

Với sự tham gia của 100 người Việt trẻ tài năng trong và ngoài nước, chương trình kỳ vọng huy động tối đa nguồn lực chất xám, khơi nguồn cảm hứng, tạo sự liên kết mới từ những tinh hoa KH-CN trong và ngoài nước, từ đó lan tỏa thành những động lực đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, tạo ra sự đổi thay về diện mạo và trình độ phát triển công nghệ của Việt Nam, nhất là để theo kịp, thành công với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới.

100 người Việt trẻ tham dự sự kiện là những người được đào tạo bài bản tại các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới và công tác trong các ngành: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nền tảng, các ngành công nghiệp chế tạo ứng dụng tự động hóa, robotics... Họ có quá trình làm việc chuyên sâu trong các ngành, lĩnh vực công nghệ, đặc biệt trong việc phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại mang tính nền tảng (trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn, an ninh mạng, Internet of Things…) và đặc biệt là có những thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu và lao động.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các trí thức Việt trẻ đã nêu nhiều ý kiến, góp ý khác nhau nhưng có cùng một nguyện vọng, một mục tiêu là hướng về Tổ quốc, đóng góp vào sự phát triển đất nước. GS Nghiêm Đức Long (Australia) cam kết đồng hành, đóng góp cho Chính phủ trong xây dựng hệ sinh thái 4.0 mà không cần trả thù lao. TS Trịnh Toàn (Mỹ) bày tỏ mong muốn thúc đẩy liên kết giữa các nhà khoa học trong nước và ngoài nước để cùng kết nối tri thức, giải các bài toán phát triển đất nước. Làm việc trong lĩnh vực robot và tự động hóa, TS Phạm Quang Cường, giảng viên Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), rất mong muốn hợp tác, tham gia các dự án, nhà máy công nghiệp tại Việt Nam để phát triển các robot “made in Việt Nam”….

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chủ trương của Chính phủ là tranh thủ tối đa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để giúp chúng ta nâng cao hiệu quả, hiệu suất của nền kinh tế, qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đưa quy mô nền kinh tế cao hơn nữa.

Quyền Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, thời đại ngày nay, đất nước muốn hùng mạnh thì bắt buộc phải dùng công nghệ. Các trí thức, chuyên gia công nghệ và nhà khoa học trẻ người Việt ở nước ngoài chính là một trong những nguồn lực quan trọng. “Các bạn đóng góp cho đất nước tốt nhất là thông qua các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam đã hình thành các doanh nghiệp có vốn lớn, có thị trường, có khả năng quản trị, đang đầu tư rất mạnh vào công nghệ, thu hút đầu tư nhân tài trên toàn cầu. Các bạn có thể tư vấn, giới thiệu cho chính quyền để điều chỉnh các chính sách phát triển cho phù hợp và cho Bộ TT-TT”, quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi.

Tin cùng chuyên mục