Nguy cơ mất trắng thị trường lao động tại Hàn Quốc

Thời gian gần đây, số lượng người lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc ngày càng gia tăng làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lao động Việt Nam nói chung và quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Nguy cơ mất trắng thị trường lao động tại Hàn Quốc

 (SGGPO).- Thời gian gần đây, số lượng người lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc ngày càng gia tăng làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lao động Việt Nam nói chung và quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Theo thống kê của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, trong tổng số trên 60.000 lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại Hàn Quốc, có 8.780 người đang cư trú bất hợp pháp. Nghiêm trọng hơn là tình trạng người lao động bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc cũng tăng lên trong thời gian gần đây.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, kể từ khi thực hiện Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) được thực hiện từ năm 2004 theo thỏa thuận giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Việc làm và lao động Hàn Quốc, cho tới nay, đã có 62.971 lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc. Trong đó, phần lớn là lao động phổ thông, làm việc chủ yếu trong ngành sản xuất chế tạo (79%), số còn lại làm việc trong các ngành nông nghiệp (10%), xây dựng (8,8%), ngư nghiệp và dịch vụ (2,2%).

Nhìn chung, đa số người lao động Việt Nam được phía sử dụng lao động Hàn Quốc đánh giá cao về sự chăm chỉ, cần cù, sáng tạo…

Bên cạnh đó, người lao động Việt Nam cũng bị phía Hàn Quốc xếp vào tốp dẫn đầu so với các nước khác về yêu cầu đòi chuyển đổi chỗ làm việc với các lý do không chính đáng (chiếm tỷ lệ 32%). Một bộ phận người lao động Việt Nam chưa có ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động, kỹ năng giao tiếp tiếng Hàn còn nhiều hạn chế.

Tình trạng này đã ảnh hưởng xấu đến hình ảnh lao động Việt Nam và tình hình hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã cân nhắc đến biện pháp hạn chế việc tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn hoặc cắt giảm chỉ tiêu tiếp nhận lao động Việt Nam. Nếu tình trạng trên trở nên nghiêm trọng hơn thì phía Hàn Quốc có thể áp dụng biện pháp dừng thực hiện thỏa thuận phái cử lao động Việt Nam sang Hàn Quốc.

Lao động Việt Nam phải về nước trước thời hạn. Ảnh chụp tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: Văn Phúc
Lao động Việt Nam phải về nước trước thời hạn. Ảnh chụp tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: Văn Phúc

Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trước tình trạng người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp và chuyển đổi nơi làm việc vì lý do không chính đáng gia tăng, lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã giao cho Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Trung tâm lao động ngoài nước, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và các cơ quan liên quan xây dựng đề án ngăn ngừa tình trạng cư trú bất hợp pháp và chuyển đổi nơi làm việc vì lý do không chính đáng của người lao động làm việc tại Hàn Quốc.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, đề án đã đưa ra một số giải pháp, như: thay đổi cách thức tuyển chọn lao động trong ngành nông nghiệp và ngư nghiệp; phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình động viên người lao động về nước; xử phạt các trường hợp cư trú bất hợp pháp; áp dụng biện pháp hạn chế tuyển chọn người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc từ các xã/phường có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao; áp dụng hình thức đặt cọc hoặc bảo lãnh để chống bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc; tăng cường công tác quản lý lao động của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về trách nhiệm phải về nước đúng hạn; các chính sách áp dụng với những người lao động về nước đúng hạn (như được nhận lại khoản tiền bảo hiểm hồi hương, được nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển để tiếp tục làm việc hợp pháp tại Hàn Quốc, được đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm...).

Đại diện Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) tại Việt Nam cũng cho biết, Chính phủ Hàn Quốc đang thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại nước này.

Hiện cảnh sát tư pháp của Hàn Quốc tăng cường tổ chức các lực lượng để truy quét gắt gao lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Chính phủ Hàn Quốc áp dụng hình thức xử phạt đối với chủ sử dụng lao động sử dụng lao động bất hợp pháp, các chủ sử dụng này sẽ bị phạt tiền tối đa 20.000 USD, bị cấm vĩnh viễn không được sử dụng lao động nước ngoài hoặc có thể bị cấm hoạt động. Người lao động cư trú bất hợp pháp sẽ bị xử phạt tối đa 40 triệu won hoặc bị phạt tù tối đa là 12 tháng.

Trong trường hợp người lao động không nộp phạt thì sẽ bị buộc phải cải tạo lao động để đủ tiền nộp phạt. Những lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sẽ không bao giờ được quay trở lại nước này làm việc.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục