Hướng tới xuất khẩu lao động trình độ cao

10 tháng đầu năm 2016, cả nước có hơn 98.000 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), chủ yếu là xuất khẩu “thô”, giá trị không cao. TPHCM có số lượng đưa người đi XKLĐ chiếm khoảng 10% trong cả nước. Trước tình hình trên, Sở LĐTB-XH TPHCM đã phối hơp với các doanh nghiệp (DN) XKLĐ và cơ sở giáo dục nghề nghiệp bàn cách phối hợp đào tạo nghề phục vụ XKLĐ, nâng cao giá trị lao động Việt Nam.
Hướng tới xuất khẩu lao động trình độ cao

10 tháng đầu năm 2016, cả nước có hơn 98.000 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), chủ yếu là xuất khẩu “thô”, giá trị không cao. TPHCM có số lượng đưa người đi XKLĐ chiếm khoảng 10% trong cả nước. Trước tình hình trên, Sở LĐTB-XH TPHCM đã phối hơp với các doanh nghiệp (DN) XKLĐ và cơ sở giáo dục nghề nghiệp bàn cách phối hợp đào tạo nghề phục vụ XKLĐ, nâng cao giá trị lao động Việt Nam.

Từ “thô” đến “tinh”

Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, nguồn tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo. Hơn 78% số lao động đi làm công việc giản đơn, lao động phổ thông. Ông Trần Tiến Duy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nhật Huy Khang, nhận xét nhược điểm của lao động Việt Nam là ngoại ngữ kém; dễ bị dụ dỗ và dễ dàng bỏ trốn khỏi nơi tiếp nhận… Dẫn chứng về sự khác biệt giữa “xuất khẩu thô” và “xuất khẩu tinh” trong XKLĐ, ông Trần Viết Phú, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghệ TPHCM, so sánh, một lao động phổ thông xuất khẩu tại Nhật Bản nhận mức lương bình quân 1.000USD/tháng, trong lúc đó, lao động có tay nghề đạt theo tiêu chuẩn JID sẽ nhận khoảng 3.000USD/tháng.

Theo ông Trần Tiến Duy, thay vì chạy theo số lượng xuất khẩu lao động phổ thông, Nhà nước cần đẩy mạnh phái cử kỹ sư, lao động có trình độ tới Nhật và các nước phát triển nhằm tạo ra và mang về giá trị thặng dư lớn hơn. Vì lao động phổ thông đi XKLĐ chủ yếu kiếm tiền. Còn các kỹ sư, lao động có trình độ cao nếu được làm việc ở Nhật Bản hay các nước phát triển thì khi về Việt Nam, sẽ vận dụng phục vụ cho nền kinh tế nước nhà, nhất là các ngành nghề trọng điểm. Với riêng thị trường Nhật Bản, các chuyên gia lao động - việc làm đề nghị, cần thống nhất quan điểm, mục đích phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản không phải là XKLĐ mà coi đây là chương trình đào tạo nâng cao nhận thức, tay nghề, kỹ năng, tác phong và ý chí nhằm hướng đến điều cao hơn là xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho đất nước nói chung và TPHCM nói riêng.

Sở LĐTB-XH thông tin, nhu cầu tiếp nhận lao động đi làm ở nước ngoài vào năm 2017 ở TPHCM khoảng 16.000 người, tập trung ở ngành cơ khí chế tạo, xây dựng, khán hộ công, nông nghiệp… Muốn giá trị của lao động xuất khẩu tăng, muốn xuất lao động trình độ cao - tức “xuất khẩu tinh”, theo ông Trần Viết Phú, điều tất yếu lao động phải qua đào tạo theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế hoặc chính các nước tiếp nhận lao động. Để làm được điều này, cơ quan quản lý cần sớm ban hành Khung trình độ nghề quốc gia, tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia tương đương các nước trong khu vực và quốc tế, được công nhận lẫn nhau. Công tác đào tạo lao động xuất khẩu có hiệu quả phải có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, DN XKLĐ và cơ sở giáo dục nghề nghiệp với một phương châm bền vững, lâu dài chứ không nên làm thời vụ, manh mún như hiện nay.

Lao động được Công ty TNHH Esuhai phối hợp với cơ sở dạy nghề đào tạo tay nghề, kỹ năng, văn hóa, thể lực trước khi sang Nhật Bản tu nghiệp

Sẵn sàng đào tạo riêng theo yêu cầu của DN

Ông Lê Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề TPHCM, cho hay trường rất hứng thú trong chuyện hợp tác với DN. Khó khăn hiện nay với nhà trường là thiếu thông tin. Ông Bình phản ánh, website của Sở LĐTB-XH đăng danh sách của 46 công ty và 22 chi nhánh có chức năng XKLĐ. Song, ông vẫn mù tịt, không biết các công ty sẽ xuất sang thị trường nào, thế mạnh của từng công ty là gì? Về phía các DN, ông Lê Quốc Bình chia sẻ, lâu lâu DN cũng đến gõ cửa nhà trường xin tiếp cận, tư vấn tuyển dụng. Xong đợt tuyển dụng đó, họ cũng... đi đâu mất, chứ chưa có sự gắn kết bền vững. “Trường tôi không có sinh viên thất nghiệp. Chúng tôi luôn xác định phục vụ nhu cầu của DN, trong đó có DN XKLĐ. Nếu DN quan tâm, chúng tôi sẵn sàng phối hợp, mạnh dạn ký hợp đồng, đào tạo riêng theo yêu cầu của DN”, ông Lê Quốc Bình mở lời. 

Sẵn sàng phối hợp với DN đào tạo theo yêu cầu cũng là thông điệp của Thạc sĩ Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức. Bà Lý cho biết, cùng với cập nhật chương trình đào tạo hiện đại, trường còn đào tạo song hành giữa lý thuyết và thực hành theo mô hình “học kỳ doanh nghiệp”. Năm vừa qua, đã có hơn 400 sinh viên công nghệ phần mềm, mạng máy tính, hướng dẫn du lịch, quản lý doanh nghiệp… đến các DN “học”. Nhiều sinh viên của trường đã tham gia vào thị trường lao động Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, các trường đã có địa chỉ rõ ràng, DN muốn được đào tạo như thế nào thì cứ đến liên hệ, đặt hàng cụ thể. Về phía cơ quan nhà nước, ông Lâm cam kết, sở đã và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN. Về nguồn nhân lực, một trong các giải pháp đột phá mà sở kiến nghị UBND TPHCM là cử giáo viên dạy nghề đi học ở nước ngoài. Tất nhiên, không thể vừa cử giáo viên, lại cử thêm phiên dịch nên TP sẽ làm mạnh chương trình đào tạo ngoại ngữ cho giáo viên dạy nghề. Ông Lâm cũng đề nghị các DN XKLĐ cập nhật địa chỉ liên lạc của tất cả người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã về TPHCM để TP đang cần ở lĩnh vực nào thì mời họ vô làm, chứ nhiều người đã đi lao động ở nước phát triển mà về mở quán bán thịt bò, rất lãng phí.

 Ông NGUYỄN XUÂN LANH, Trợ lý giám đốc Công ty Esuhai:

Nên cho sinh viên tốt nghiệp vay tiền đi XKLĐ

Mức trần mà Bộ LĐTB-XH đưa ra khi thu của người lao động đi XKLĐ tại Nhật Bản là 3.600USD (khoảng 75 triệu đồng). Tuy nhiên, nhiều nơi thu của người lao động 100, 150 hay 200 triệu đồng, làm cho người lao động bị hỏa mù thông tin, còn các trường nghề không tin tưởng vào DN, không biết đâu là DN làm ăn đàng hoàng mà hợp tác. Hiện nay, rất nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường nghề muốn đi XKLĐ nhưng không có tài chính. Cùng với chấn chỉnh các DN lạm thu của người lao động và có cơ chế thắt chặt mối quan hệ trong đào tạo nghề trước khi XKLĐ, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp muốn đi XKLĐ. Các em đi sang Nhật mỗi tháng có lương 20 - 30 triệu đồng, nếu các em có nhu cầu vay 80 triệu đồng để làm chi phí đi thì tôi nghĩ đó không là vấn đề quá lớn. Rất cần được tháo gỡ!

Ông NGUYỄN TÙNG LÂM, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Xây dựng TPHCM:

Hàng hóa có chuẩn, con người cũng cần chuẩn

Chúng tôi đã đào tạo và tổ chức sát hạch cho trên 400 học viên nghề kỹ thuật xây dựng theo tiêu chuẩn, kỹ thuật của Nhật Bản và một số nước khác. Tuy nhiên, việc đào tạo và sát hạch chủ yếu phụ thuộc vào các chuyên gia Nhật Bản và các công ty phái cử chứ nhà trường chưa chủ động được. Từ đó, chưa chủ động đánh giá được chất lượng nguồn lao động và hiệu quả của công tác đào tạo nghề, do chưa có chuẩn năng lực để đối chiếu.

Hàng hóa có chuẩn, con người muốn xuất khẩu được, cũng cần có chuẩn năng lực của người lao động khi tham gia thị trường lao động nước ngoài. Đồng thời, cần xây dựng chính sách XKLĐ gắn chặt với đào tạo nghề nghiệp, đảm bảo chuẩn năng lực tối thiểu của người lao động làm việc tại thị trường nước ngoài, giúp nâng cao giá trị của lao động, nâng cao thu nhập của người lao động và chất lượng nguồn nhân lực của TP.

Tiến sĩ HUỲNH THANH ĐIỀN, Thành viên Nhóm Tư vấn đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM:

Cần có hệ sinh thái đào tạo nghề phục vụ XKLĐ

Hệ sinh thái trước hết xuất phát từ nhu cầu của các nước tiếp nhận lao động. Nhu cầu về số lượng, trình độ tay nghề, ngoại ngữ, văn hóa... cần được chuyển tải tới các DN XKLĐ ở Việt Nam, từ đó DN tìm nguồn đào tạo, xuất khẩu. Thành phần thứ 3 trong hệ sinh thái là cơ sở đào tạo. Việc phối hợp hiện nay rất rời rạc, vậy cần kết nối với nhau như thế nào?

Với DN XKLĐ, các DN nên đến các trường giáo dục nghề nghiệp đặt hàng, tìm kiếm ứng viên chứ không phải là đi tìm kiếm người lao động đại trà, trôi nổi như hiện nay. Khi DN chuyển nhu cầu tới cơ sở dạy nghề, trường sẽ đào tạo theo đơn đặt hàng. Đó là cơ chế liên kết mà giữa hai bên - trường và DN XKLĐ - phải ngồi lại với nhau và rất có lợi với cả hai bên.  Một nguồn lợi ích to lớn mà chúng ta đang bỏ ngỏ, chính là lao động hết hạn hợp đồng về nước. Chúng ta cần kết nối những người đã về nước, để tham khảo xem những điều kiện cần đạt được là gì để có thể thăng tiến sau này, từ đó dạy cho những người lao động sắp đi XKLĐ.

Ông TRẦN ANH TUẤN, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM:

Không biết đơn vị nào uy tín, đơn vị nào không

Nhiều DN, nhà trường yêu cầu phải dự báo chính xác nhu cầu XKLĐ. Thật ra, dự báo XKLĐ thì nhắm mắt cũng dự báo được, đó là nhu cầu có thật của các thị trường, gom lại chỉ có mấy ngành: 1- cơ khí, xây dựng, đặc biệt cơ khí, có bao nhiêu lao động đủ chuẩn là... hốt sạch; 2- giao thông vận tải; 3- nông nghiệp; 4- chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng; 5 - dịch vụ, giúp việc…

Dự báo không phải là cái khó mà cái thiếu nhất hiện nay trong XKLĐ là thiếu thông tin. Tôi đi hướng nghiệp, thấy các em rất mê XKLĐ, nhưng không hiểu công ty nào uy tín, công ty nào không. Các em hỏi tôi, tôi cũng không biết hết DN mạnh, yếu thế nào. Có công ty cả năm không đưa người nào đi XKLĐ, tôi không thể giới thiệu các em các công ty này được.Đáp ứng nhu cầu XKLĐ đang khó, vì TPHCM có 4 ngành công nghiệp chủ lực, đào tạo còn không đủ nhu cầu 4 ngành này, lấy đâu ra người mà xuất khẩu. Hơn nữa, ở TPHCM, người có điều kiện, người ta đi du học chứ không đi XKLĐ, nên không cần bàn đến đối tượng này. Đối tượng cần quan tâm là lao động nông thôn, lao động chưa có nghề thôi. Vậy bài toán đặt ra là sự phối hợp đào tạo nghề cho những người này. Sự phối hợp giữa DN và cơ sở dạy nghề hiện nay mới cho vui thôi. Thành ra, cần giải bài toán thông tin và bài toán phối hợp.

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục