Lập tổ kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của cấp trên

 Chánh Văn phòng UBND TPHCM VÕ VĂN HOAN:Giám sát bằng công nghệ lẫn vi hành…

Phản hồi loạt bài Trên chỉ đạo, dưới thờ ơ:

>>  Bài 1: Quả bóng trì trệ

>> Bài 2: Làm rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm

Sau loạt bài Trên chỉ đạo, dưới thờ ơ đăng trên Báo SGGP số ra ngày 10, 11-4, nhiều ý kiến cho rằng, thực trạng này không chỉ xảy ra tại TPHCM mà trên phạm vi cả nước. Để giải quyết vấn đề nóng, bức xúc này, theo các chuyên gia cần có nhiều giải pháp. Còn đại diện chính quyền TPHCM cho biết, TPHCM đang triển khai giải pháp theo dõi, giám sát việc thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo.

 Chánh Văn phòng UBND TPHCM VÕ VĂN HOAN:

Giám sát bằng công nghệ lẫn vi hành…

Năm 2013, Văn phòng UBND TPHCM đã xây dựng phần mềm để theo dõi, quản lý các kết luận của Chủ tịch UBND TP. Nhưng phần mềm nói trên chỉ phục vụ trong phạm vi văn phòng ủy ban chứ chưa triển khai thành hệ thống đến các sở ngành, địa phương có liên quan. Sắp tới đây, phần mềm này sẽ được chia sẻ đến tất cả cơ quan. Nội dung có liên quan đến cơ quan nào thì ngay lập tức sẽ “nhảy” vào cơ quan đó. Cơ quan sẽ theo dõi nội dung công việc được giao để triển khai thực hiện… Hệ thống sẽ theo dõi 3 nội dung chính: Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện nội dung đó; Các đề án, công trình, chương trình, kế hoạch, dự thảo văn bản…; Thời gian triển khai thực hiện.

Sử dụng phần mềm theo dõi các ý kiến chỉ đạo UBND TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Ngoài ra, để giải quyết triệt để những tồn tại, trì trệ trong quá trình phối hợp triển khai thực hiện công việc giữa các cơ quan có liên quan, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng đã chỉ đạo lập tổ công tác kiểm tra các kết luận chỉ đạo của UBND TP. Tổ này có nhiệm vụ rà soát lại những nội dung đã được Thường trực UBND TP chỉ đạo nhưng chưa làm được, lý do tại sao, nguyên nhân ở đâu để từ đó phối hợp với nhau giải quyết vấn đề cho nhanh. Tổ công tác đã có quyết định thành lập và quy chế hoạt động cũng đã được thông qua. Danh sách, nội dung, lịch kiểm tra từ nay đến cuối năm 2017 cũng đã có. Mỗi tháng tổ sẽ kiểm tra 4 đơn vị. Dự kiến, đầu tháng 5, tổ bắt đầu “vi hành”.

Giải pháp quan trọng khác là sắp tới đây, tại các cuộc họp của Thường trực UBND TP hàng tháng, các sở ban ngành, quận huyện phải báo cáo tình hình thực hiện các kết luận của Thường trực UBND TP. Những nội dung đã làm được và chưa làm được phải báo cáo rõ. Tổ công tác liên ngành của UBND TP cũng sẽ thông tin các phần việc làm được của tổ. Đây là kênh tác động lẫn nhau để cùng thực hiện tốt nhiệm vụ đã được giao.

PGS-TS VÕ TRÍ HẢO, Phó trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế TPHCM:

Đưa ra tòa hành chính xét xử

Theo tôi, muốn “trên” bảo, “dưới” nghe thì điều đầu tiên là phải liêm khiết. Đặt trường hợp cấp dưới đã dùng tiền để chạy chọt cấp trên thì làm sao cấp dưới nghe cấp trên được? Vì vậy, phải bắt đầu từ vấn đề liêm chính trước. Nếu không liêm chính thì sẽ không thể giữ được trật tự kỷ cương, khi nhà dột từ nóc thì không làm được việc gì.

Chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền, nếu những mệnh lệnh hành chính, chính sách của cấp trên đã hợp lý thì phải được các cơ quan nhà nước cấp dưới tuân thủ. Nếu không thực hiện nghiêm thì kỷ cương sẽ bị rối loạn. Như vậy, dân không tin chính quyền là hệ lụy rất rõ.

Để trị tận gốc “bệnh” này, tôi cho rằng, cần phải tinh giản biên chế gắn liền với việc nâng cao lương, thu nhập của cán bộ công chức các cấp, để những người liêm chính thật sự có thể sống được bằng lương. Bên cạnh đó, phải nâng cao trách nhiệm chính trị của bộ máy chính quyền đối với nhân dân. Điều phải làm và làm thật tốt là phải duy trì, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương để người dân thấy được lá phiếu của mình đã bầu đúng người và thật sự có ý nghĩa quan trọng.

 Ngoài ra, phải làm cho tất cả các hành vi hành chính, mệnh lệnh hành chính mà “trên” bảo, “dưới” không nghe, không thi hành, ra tòa án hành chính. Muốn vậy, phải mở rộng phạm vi thẩm quyền xét xử của tòa án hành chính và không loại trừ bất cứ trường hợp nào. Một văn bản pháp luật cấp huyện, cấp tỉnh mà trái pháp luật thì cho công dân quyền khởi kiện ra tòa hành chính. Nếu mọi hành động, việc làm không đúng pháp luật đều bị trừng phạt thẳng tay thì “dưới” sẽ sợ...

Luật sư VŨ LAI BẰNG, nguyên thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao:

Phân cấp rõ,tăng cường giám sát

Nguyên tắc Đảng lãnh đạo trong quản lý hành chính Nhà nước tuyệt đối phải được tôn trọng và thực hiện triệt để, thế nhưng hiện nay có những nghị quyết của Đảng không được thực hiện đầy đủ.

Có thể nói, hệ thống pháp luật Việt Nam tương đối đồng bộ, đầy đủ để giải quyết vấn đề “trên” bảo, “dưới” không nghe. Để quản lý Nhà nước, chúng ta có Luật Cán bộ, công chức và Luật Hành chính; đồng thời Bộ luật Hình sự có điều khoản quy định về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy trách nhiệm để xử lý “trên” bảo, “dưới” không nghe... Pháp luật có chế tài từ thấp đến cao, nhưng vẫn tồn tại tình trạng này là do cơ cấu và phân công cơ cấu, nhiệm vụ cho các cơ quan, tổ chức xã hội chưa thật sự rõ ràng, đầy đủ. Việt Nam đang trên con đường đổi mới về cơ chế, chính sách kinh tế, do đó cần phân quyền, phân cấp cho các ngành, các cấp đầy đủ; phân định rõ ràng và tăng cường tính độc lập cho cấp dưới, cũng như cần giao quyền nhiều hơn, tương đối toàn diện cho địa phương.

Một nguyên nhân khác là việc kiểm tra, giám sát, quy trách nhiệm đối với tình trạng “trên” bảo, “dưới” không nghe, ở nhiều nơi còn buông lỏng. Đi kèm với đó là việc xử lý kỷ luật, xử lý trách nhiệm chưa thật sự nghiêm minh. Quy định “xử lý người đứng đầu” vẫn chưa tạo được sự thuyết phục khi rất ít người đứng đầu bị xử lý khi xảy ra vi phạm.

Do vậy, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cũng như thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng này tại địa phương, đơn vị của mình. Bên cạnh đó, cần tăng cường giáo dục về đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, những người có trách nhiệm quản lý xã hội bằng pháp luật.

VÂN ANH - ÁI CHÂN - HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục