Liên kết khai phóng tiềm năng vùng ĐBSCL

Sau 42 năm giải phóng, từ một vùng đất nghèo khó, ĐBSCL đã phát triển vượt bậc và có nhiều đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. 
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, hệ lụy từ biến đổi khí hậu, dòng Mê Công biến dạng, rất cần những chính sách, cơ chế đột phá, tạo ra những cú hích mới cho vùng ĐBSCL phát triển.
Chuyển biến lớn về nông nghiệp, hạ tầng giao thông

Ông Hồ Công Bửng, có thể được xưng là lão nông dân của xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, An Giang vì đã ở cái tuổi xưa nay hiếm. Từ những ngày đầu làm nông nghiệp với “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, giờ đây ông vẫn có thể điều khiển máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng lúa của gia đình mình. Bên con đê mát rượi buổi trưa hè, ngồi suy ngẫm quãng thời gian bám với ruộng đồng, ông Bửng không ngờ gia đình mình phát triển được như ngày hôm nay. Với 4 chiếc máy cày, 2 máy gặt đập liên hợp, sức máy giờ đã thay sức người để dọc ngang trên hơn 15ha đất trồng lúa của gia đình. Không chỉ thế, những người con của ông cũng bám với nông nghiệp, có cơ ngơi riêng khang trang. 

Những trường hợp đổi đời như gia đình ông Bửng không hiếm trên vùng đất này. Chỉ sau 2 thập niên, sản lượng lúa của khu vực ĐBSCL đã được nhân lên gấp đôi, từ gần 9,5 triệu tấn năm 1990 lên trên 21 triệu tấn năm 2010. Đến hết năm 2016, đã đạt hơn 25 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu gạo luôn chiếm khoảng 90% cả nước, 20% thị phần gạo thương mại toàn cầu.
Liên kết khai phóng tiềm năng vùng ĐBSCL ảnh 1 Cầu Cao Lãnh sắp hoàn thành, góp phần kết nối giao thông phía Tây ĐBSCL. Ảnh: NGUYÊN VINH
Tháng 10-2016, tàu container Tân cảng Pioneer V1631S của Công ty cổ phần Vận tải biển Tân Cảng (Tân Cảng Shipping), thành viên của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đã cập cảng Tân Cảng - Cái Cui (TP Cần Thơ). Tàu Pioneer cũng là tàu container đầu tiên vào cảng ở ĐBSCL, trở thành chuyến tàu thương mại đầu tiên khai trương luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu thông qua kênh Quan Chánh Bố, đồng thời cũng là chuyến hàng đầu tiên trực tiếp từ cảng Hải Phòng vào TP Cần Thơ, không qua cảng của TPHCM. Việc “mở nút thắt” đường biển, hệ thống cảng biển, logistics sẽ phát triển, cung cấp dịch vụ thuận tiện, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp tới vùng ĐBSCL nhanh chóng thay vì phải vận chuyển lên cụm cảng ở TPHCM như trước đây, góp phần nâng cao hiệu quả, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho hàng nông sản của vùng.

Theo nhiều doanh nghiệp, hệ thống hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL bây giờ đã phát triển vượt bậc. Giai đoạn 2010 - 2015, Trung ương đã đầu tư gần 60.000 tỷ đồng hoàn thành các công trình giao thông trong vùng. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng giao thông của vùng chuyển biến rõ nét. Nhiều công trình giao thông trọng yếu đã hoàn thành, làm thay đổi bộ mặt vùng. Đặc biệt là việc hoàn thành các cầu lớn trong khu vực đã phá thế ngăn sông cách trở. Song song đó, việc hoàn thành xây dựng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc đi vào hoạt động, tạo thuận lợi cho giao thương giữa các địa phương trong vùng với cả nước và quốc tế.

Liên kết vùng - yêu cầu bức bách

Trước những khó khăn và thách thức đặt ra như: Biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, yêu cầu cấp thiết và mang tính tất yếu là phải tăng cường các mối quan hệ, liên kết vùng. Cụ thể là các địa phương trong vùng cùng đưa ra những chính sách, mục tiêu phát triển bền vững góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước. 

Trong những năm gần đây, nhà nước đã đầu tư nhiều về lĩnh vực thủy lợi, giao thông, cơ sở hạ tầng nhưng lại bị chi phối bởi cơ chế tỉnh làm phân tán, phân chia nguồn lực dẫn đến đầu tư nhỏ lẻ, không tạo được lợi thế phát triển toàn vùng. “Quy hoạch vùng được phê duyệt, nhưng chủ thể vùng không rõ nên việc tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra... mờ nhạt. Các vùng nói chung và ĐBSCL nói riêng không phải là một cấp hành chính, việc phân bổ ngân sách, nguồn lực đầu tư cho vùng hoàn toàn do Trung ương đảm nhiệm. Do vậy việc đầu tư cho vùng phụ thuộc vào sự đầu tư của Trung ương với các tỉnh, thành chủ yếu là để phát triển địa phương”, một chuyên gia phân tích.
Liên kết khai phóng tiềm năng vùng ĐBSCL ảnh 2 Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, hệ lụy từ biến đổi khí hậu, dòng Mê Công biến dạng, rất cần những chính sách, cơ chế đột phá, tạo ra những cú hích mới cho vùng ĐBSCL phát triển.
Về phân bổ nguồn lực cần có cơ chế hợp lý giữa các địa phương theo hướng tập trung cho những khu vực trọng điểm. Đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ thích hợp đối với các địa phương còn lại. Tuy nhiên, trước đó cần phải có những nghiên cứu cơ bản về vùng và xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học vùng (tài nguyên đất, nước, rừng, biển...) để làm nền tảng phân tiểu vùng và liên kết vùng, kết nối không gian phát triển và sản xuất, từ kết nối sản xuất đến tiêu thụ, cuối cùng là kết nối thị trường, doanh nghiệp. Đây là một cứ liệu cơ sở quan trọng để theo dõi, đánh giá, dự báo trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng đã được thực hiện trước đây. Nếu không có sự liên kết thì không thể nâng cao năng lực cạnh tranh, không phát huy được lợi thế, tiềm năng của vùng, của địa phương.

Tin cùng chuyên mục