Bạn đọc đặt câu hỏi

Lỗ Ban là ai?

Lỗ Ban là ai?

Hỏi: Tôi thường nghe trong ngành xây dựng nói tới “thước Lỗ Ban”, còn dân gian lại hay nhắc tới “bùa Lỗ Ban”. Xin cho biết Lỗ Ban là ai? Hoàng Vũ (K06A1, Đại học Kiến trúc, TPHCM) 

LÊ ANH MINH:
Lỗ Ban (hoặc) được xem là ông tổ của nghề mộc và nghề xây dựng. Có vài thuyết về lai lịch của ông. Lỗ Ban là thợ mộc giỏi của nước Lỗ (nay là tỉnh Sơn Đông) thời Xuân Thu (770-476 TCN). Tên ông là Ban (hoặc), họ là Công Thâu . Lỗ Ban nghĩa là “ông Ban người nước Lỗ”.

Lỗ Ban là ai? ảnh 1

Tượng thờ Lỗ Ban ở Đài Loan. Chân tượng có khắc chữ Xảo thánh Tiên sư , tức là Lỗ Ban Công . (http://taipedia.cca.gov.tw).

E.T.C. Werner (A Dictionary of Chinese Mythology) cho rằng Lỗ Ban sinh năm 506 TCN. Cha là Công Thâu Hiền. Công Thâu Ban thuở trẻ là thợ giỏi về các loại vật liệu như gỗ, đá, kim loại. Năm 40 tuổi ông ở ẩn trên núi Lịch Sơn, tu luyện pháp thuật.

Một thuyết khác cho rằng Lỗ Ban là người Đôn Hoàng , Túc Châu (nay là huyện Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc), thời Chiến Quốc (475-221 TCN). Ông có tài nghệ tinh xảo, chế tạo diều gỗ cho người ngồi trên đó bay đi do thám thành trì nước Tống.

Một thuyết khác lại cho rằng ông tên là Công Thâu Ban, thường gọi là Công Thâu Tử , vốn là con của Lỗ Mục Công (có sách chép là Lỗ Chiêu Công). Tương truyền Công Thâu Tử chế tạo nhiều loại máy móc, có thể dùng trong tác chiến, thí dụ như thang mây (vân thê) bắc lên tường thành để công phá thành. Mặc Tử là người chủ trương phản chiến, từng đánh bại Công Thâu Ban về kỹ thuật công phá thành. Sách Mặc Tử, thiên Công Thâu chép: “Công Thâu Ban làm thang mây cho nước Sở xong, sắp đem đi đánh Tống. Mặc Tử nghe tin, bèn đi suốt mười ngày mười đêm từ nước Lỗ đến kinh đô của nước Sở để yết kiến Công Thâu Ban. [...] Mặc Tử cởi đai lưng giả làm thành, lấy thẻ tre giả làm khí giới. Công Thâu Ban chín lần bày cách đánh thành giả ấy nhưng Mặc Tử chín lần cự lại. Công Thâu Ban dùng hết khí giới đánh thành mà Mặc Tử thì còn cách chống giữ. Công Thâu Ban chịu thua”.

Theo các thuyết trên, từ điển Từ Hải nói nên xem Lỗ Ban và Công Thâu Ban là hai người khác nhau. Trong dân gian thường truyền tụng về sự linh nghiệm của bùa Lỗ Ban, thước Lỗ Ban, v.v... Thợ mộc và thợ xây dựng thờ Lỗ Ban làm tổ sư, ngày vía là 13 tháng 6 Âm lịch.

Thơ Bút tre là gì?

Hỏi:
Xin cho biết về Bút Tre và thơ Bút Tre?
Trần Bá Duy (Đường Đoàn Thị Điểm, TX Kon Tum)

HOÀNG ANH:
Bút Tre là bút hiệu của Đặng Văn Đăng (tức Quang), người xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê (nay là huyện Sông Thao), tỉnh Phú Thọ, sinh năm 1910, mất năm 1987. Ông đỗ Tú tài ban triết học, viết báo, ký tên là Lục Y Lang. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông tham gia hoạt động cách mạng, từng làm bí thư thứ hai tại Tòa đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Rumani, Trưởng ty Văn hóa tỉnh Phú Thọ, ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam…

Ông sáng tạo một lối thơ lục bát độc đáo, tạo được tiếng cười tinh nghịch nhưng không kém phần ý nhị. Nhiều người tự xưng là “hậu Bút Tre” đã mô phỏng và phát triển “lối thơ Bút Tre” (các trích dẫn dưới đây là của Bút Tre và những “hậu Bút Tre”).

“Lối thơ Bút Tre” có mấy đặc điểm như sau:
1. Tách một từ kép ra làm đôi, cho bắc cầu từ câu trên xuống câu dưới. Ví dụ:
- Tôi nay vừa thấy có kinh
Nghiệm là vờ giữ cho mình thật nghiêm (kinh nghiệm)
Anh còn ở lại Buôn-Mê
Thuột xong một cái mới về cùng em (Buôn-Mê-Thuột)

2. Ép thanh để theo đúng luật bằng trắc trong thơ lục bát. Ví dụ:
- Ăn xong, tráng miệng quả chuồi (chuối),
Ra về, nhớ mãi cái buồi (buổi) liên hoan.
- Không đi, không biết Tam Đao (Đảo),
Đi thì chẳng biết nơi nào mà ngu (ngủ).

3. Gieo vần sai luật, buộc người đọc phải tự tìm một từ khác để gieo vần cho đúng luật. Ví dụ:
- Đứng trên bãi biển bồn chồn,
Bao nhiêu cô gái ngứa chân chạy quanh.
Từ chân sai luật, vì không vần với từ chồn ở cuối câu trên, vừa cùng một thanh (phù bình thanh, tức từ không có dấu) với từ quanh ở cuối câu sau. Do đó, người đọc phải tìm một từ khác để thay cho từ chân, vừa vần với từ chồn, vừa có trầm bình thanh (tức có dấu huyền).

Thơ Bút Tre không dừng lại ở những đặc điểm trên, đang được các “hậu Bút Tre” không ngừng sáng tạo, khiến “lối thơ Bút Tre” ngày càng nghịch ngợm và vui nhộn hơn.

Tin cùng chuyên mục