Lợi ích từ bản đồ số dùng chung

UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch xây dựng kho dữ liệu dùng chung trên 3 nền tảng là người dân, doanh nghiệp và bản đồ. Đến thời điểm này, còn một cơ sở dữ liệu rất quan trọng mà TP đang gấp rút làm, đó là kho dữ liệu dùng chung liên quan đến bản đồ số.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu

Theo Sở TT-TT TPHCM, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin địa lý (GIS) trong các hệ thống thông tin tại quận huyện, sở ngành còn rất hạn chế, chỉ mới tập trung trong công tác quản lý nhà đất và quy hoạch đô thị. Điều này do thành phố chưa triển khai dịch vụ bản đồ số dùng chung (do chờ tiến độ hoàn thành và chia sẻ dữ liệu bản đồ).

Song song đó, các ứng dụng khai thác dịch vụ bản đồ chủ yếu sử dụng trên dịch vụ bản đồ nền GoogleMaps (cổng thông tin quy hoạch...) hoặc dịch vụ bản đồ nền (cổng 1022, cổng thông tin giao thông...), thiếu quy định thống nhất chung trong sử dụng dịch vụ và thiếu cơ chế tích hợp chia sẻ dữ liệu bản đồ, đặc biệt là các lớp dữ liệu dùng chung thuộc bản đồ nền để khai thác dùng chung... 

Trong khi đó, bản đồ số dùng chung là nội dung quan trọng để xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở trong Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh”.

Chính vì vậy, Sở TT-TT TPHCM đã triển khai thí điểm bản đồ số dùng chung, hướng tới hình thành kho dữ liệu dùng chung, tích hợp các tập dữ liệu (datasets) trên cơ sở bắt đầu từ 3 nhóm dữ liệu gốc (master data) về người dân, doanh nghiệp, bản đồ số; cơ sở dữ liệu mã (CSDL) và danh mục (CSDL tham chiếu - reference data).

Ngoài ra, các thực thể dữ liệu còn có trục tham chiếu quan trọng là thời gian và không gian. CSDL về thông tin người dân (sinh ra, lớn lên, công việc...); dữ liệu tài sản, nhà đất; dữ liệu giao thông; dữ liệu về giấy chứng nhận, giấy phép; dữ liệu về các sự kiện, vấn đề xảy ra đối với thành phố... đều cần xác định thời gian và địa điểm. 

Lợi ích từ bản đồ số dùng chung ảnh 1 Bản đồ số dùng chung sẽ xác định rõ thời gian, địa điểm khi tra cứu thông tin. Ảnh: T.BA

Vì vậy, dịch vụ bản đồ số là một ứng dụng - dịch vụ quan trọng cần thiết thuộc nền tảng HCM LGSP (LGSP là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh/thành, chứa các dịch vụ dùng chung để chia sẻ dữ liệu) cho các phần mềm ứng dụng để phục vụ tham chiếu và lưu trữ thông tin địa chỉ với một mã vị trí địa lý thống nhất chung (Geocode) một cách chính xác, trực quan… Từ đó hình thành các lớp dữ liệu có thể liên kết, chồng các lớp dữ liệu, chia sẻ dữ liệu thống nhất trên nền hệ thống thông tin địa lý thống nhất.

Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho biết từ nay đến tháng 6-2020, thành phố sẽ thí điểm tích hợp một số dữ liệu, thông tin đã được các sở ngành, địa phương phê duyệt vào một bản đồ số dùng chung. Thông qua bản đồ số dùng chung này, người dân, doanh nghiệp sẽ dễ dàng tra cứu các thông tin chi tiết của tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội…

Đơn cử, ở lĩnh vực y tế, doanh nghiệp có thể thông qua bản đồ số để biết được TPHCM có bao nhiêu cơ sở khám chữa bệnh. Từ đó, nếu muốn đầu tư xây dựng một cơ sở khám chữa bệnh mới thì nên đặt ở đâu.

Người dân cũng dễ dàng tra cứu địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy, tốt nhất cho nhu cầu của mình. Hay ở mảng giáo dục, phụ huynh và học sinh sẽ nắm được danh sách các cơ sở giáo dục nhà nước và tư nhân tại TPHCM, chất lượng và quy mô ra sao, để so sánh, chọn lựa, đầu tư…

Mục đích chung của TPHCM trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2025, đặc biệt đến cuối năm 2020 là phải vận hành được một số cơ sở dữ liệu dùng chung. Do vậy, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch xây dựng kho dữ liệu dùng chung trên 3 nền tảng là người dân, doanh nghiệp và bản đồ.

Đến nay, TPHCM đã triển khai thực hiện nội dung liên quan đến người dân là dân cư và hộ tịch, dự kiến tháng 6-2020 sẽ hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu về người dân. Tuy nhiên, vẫn còn “thiếu” bản đồ số dùng chung. 

“Việc xây dựng bản đồ số dùng chung hết sức quan trọng, nhất là hiện nay bản đồ số của TPHCM nằm trong tình trạng mỗi đơn vị, cơ quan có dữ liệu thông tin riêng lẻ. Điều này dẫn đến không có sự thống nhất, không đáp ứng được tính cập nhật thường xuyên và phản ánh đúng hiện trạng. Trong khi đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung là nhiệm vụ trọng tâm, phản ảnh đúng hiện trạng của TPHCM”, bà Võ Thị Trung Trinh nhấn mạnh.

Triển khai 2 giai đoạn 

- Giai đoạn 1: Thuê dịch vụ bản đồ nền của nhà cung cấp dịch vụ bản đồ, đánh giá đảm bảo yêu cầu; trên cơ sở đó thực hiện biên tập bổ sung các lớp, trường thông tin đã được các sở chuyên ngành phê duyệt và cung cấp, chia sẻ cho dịch vụ bản đồ số dùng chung làm cơ sở dữ liệu đầu kỳ phục vụ triển khai dịch vụ. 

- Giai đoạn 2: Sau khi Sở TN-MT TPHCM hoàn thành dự án “Chỉnh lý biến động bản đồ địa chính, xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai TPHCM” và dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý ở tỷ lệ 1/2000, 1/5000 khu vực TPHCM”, được duy trì cập nhật thường xuyên và chia sẻ dữ liệu, Sở TT-TT sẽ phối hợp với Sở TN-MT để tham mưu cho UBND TPHCM phương án xây dựng bản đồ số dùng chung cho thành phố.

Tin cùng chuyên mục