Đối thoại để tháo gỡ, kết nối để phát triển

Ngày 23-5, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (DSEZA) tổ chức hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp năm 2025 với chủ đề “Đối thoại để tháo gỡ - Kết nối để phát triển”.

Hội nghị không chỉ là nơi tiếp nhận ý kiến, mà còn là dịp để Ban Quản lý tự đánh giá lại phương thức điều hành, cải thiện năng lực phục vụ và khơi thông nguồn lực đầu tư cho giai đoạn phát triển mới của TP Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Hội nghị không chỉ là nơi tiếp nhận ý kiến, mà còn là dịp để Ban Quản lý tự đánh giá lại phương thức điều hành, cải thiện năng lực phục vụ và khơi thông nguồn lực đầu tư cho giai đoạn phát triển mới của TP Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Đối thoại thực chất, đồng hành trách nhiệm

Tại hội nghị, ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng (DSEZA) khẳng định, đối thoại là cam kết thực chất, đồng hành là trách nhiệm, không chỉ là khẩu hiệu. Trong quá trình chuyển đổi toàn diện, doanh nghiệp được xác định là trung tâm phát triển, do đó chính quyền cần chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ, từ hành chính sang kiến tạo.

z6630807272115_945f6265048d8ef43bedb02f5aa34b1d.jpg
Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng (DSEZA) phát biểu. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Hiện DSEZA đang điều phối 4 trụ cột chiến lược gồm: Khu Công nghệ cao, Khu CNTT tập trung, hệ thống các Khu công nghiệp và Khu thương mại tự do – mô hình đang được đề xuất thí điểm toàn quốc. Sắp tới, DSEZA sẽ tiếp nhận thêm 3 khu công nghiệp đang hoạt động và 10 khu công nghiệp quy hoạch tại Quảng Nam, mở rộng điều hành theo không gian phát triển mới sau sáp nhập địa giới hành chính. Do đó, đối thoại không chỉ để tháo gỡ khó khăn, mà còn là nền tảng khai mở cơ hội, xây dựng vùng kinh tế đặc thù lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Song song đó, DSEZA đẩy mạnh cải cách thủ tục, ứng dụng công nghệ số, triển khai mô hình “một đầu mối – một quy trình – một kết quả” để hỗ trợ nhà đầu tư.

Liên quan chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, theo ông Phạm Đức Thường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực XII, những năm qua, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách giảm tiền thuê đất. Từ năm 2021 đến nay, liên tục áp dụng chính sách giảm 30% tiền thuê đất cho doanh nghiệp trực tiếp thuê đất của Nhà nước theo hình thức trả tiền hằng năm, có quyết định hoặc hợp đồng thuê đất hợp lệ.

Nghị định 87/2025 mới nhất đã mở rộng đối tượng thụ hưởng, gồm các trường hợp trước đây chưa hoàn tất thủ tục pháp lý nhưng đến cuối năm 2024 đã được gia hạn thuê đất. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thuê lại đất thông qua các công ty hạ tầng như SDN, Daizico… không thuộc đối tượng được giảm trực tiếp.

DSC09782.JPG
Tuyên dương doanh nghiệp tiêu biểu. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo ông Phạm Đức Thường, mục tiêu chính sách là hỗ trợ đúng người chịu chi phí thực tế. Dù việc chia sẻ phần giảm tiền thuê đất từ doanh nghiệp hạ tầng cho nhà đầu tư thứ cấp là quan hệ dân sự, song nên có sự chia sẻ hài hòa lợi ích, nhất là khi khoản tiền thuê đất được thể hiện rõ trong cơ cấu giá. Nhà nước không can thiệp, nhưng khuyến khích các bên cùng ngồi lại bàn bạc, vì lợi ích chung của cả hệ sinh thái khu công nghiệp.

Liên kết để vượt khó

Trước những biến động lớn từ thị trường quốc tế, đặc biệt là việc Chính phủ Hoa Kỳ áp thuế đối ứng, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc CTCP Cao su Đà Nẵng cho biết, các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu cao sang Mỹ đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đơn vị đã chủ động từ sớm trong việc đa dạng hóa thị trường để tránh rủi ro tập trung. Để hạn chế nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá, doanh nghiệp cần kiểm soát tốt xuất xứ nguyên vật liệu, đồng thời đa dạng hóa nguồn cung.

z6630807272121_a030e6cc3f650b06f84ef599b941b072.jpg
Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc CTCP Cao su Đà Nẵng chia sẻ. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt kiến nghị các doanh nghiệp nên chuẩn hóa hồ sơ nguyên liệu và chia sẻ thông tin nếu cùng hoạt động trong khu vực, tránh cạnh tranh bằng giá – nguyên nhân dễ dẫn đến việc bị áp thuế. Thay vào đó, nên nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư công nghệ để cạnh tranh sòng phẳng. Ngoài ra, ông đề xuất chính quyền TP Đà Nẵng tăng cường kết nối giao thương qua các kênh ngoại giao, tổ chức diễn đàn để doanh nghiệp có cơ hội tham gia, liên kết với nhau để cùng làm việc với hãng tàu và duy trì tuyến logistics. Đồng thời, xây dựng hàng rào kỹ thuật, ban hành giá sàn và thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt.

DSC09744.JPG
Hơn 200 doanh nghiệp Đà Nẵng tham gia hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ở góc độ khác, theo ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Đà Nẵng, thiếu hụt lao động vẫn là bài toán nan giải hiện nay. Với khoảng 3.500 công nhân, doanh nghiệp gặp khó khi tuyển dụng, nhất là lao động phổ thông. Dù có hỗ trợ từ các đơn vị ngoài, nhu cầu lớn vẫn chưa được đáp ứng. Trong khi đó, lực lượng lao động ở Đà Nẵng hạn chế, còn người lao động từ Quảng Nam, Quảng Ngãi trước đây chiếm 50% nay đã chuyển dịch về quê. Ông Nguyễn Văn Phu đề xuất tận dụng nguồn sinh viên từ các trường đại học thông qua mô hình vừa học vừa làm, giúp sinh viên có thu nhập và tích lũy kinh nghiệm. Tuy nhiên, cơ chế hiện tại chưa cho phép triển khai hiệu quả. Ông mong Nhà nước sớm tháo gỡ vướng mắc này để doanh nghiệp và cơ sở giáo dục cùng có lợi.

Tin cùng chuyên mục