Lòng lề đường là của công

Lòng, lề đường là một phần của hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ do Nhà nước đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư và quản lý. Đây là điều hiển nhiên, tưởng chừng ai cũng phải biết, phải tôn trọng, nhưng trên thực tế lại không như vậy. Nhiều chủ nhà mặt tiền vẫn cứ “tưởng” rằng quyền sử dụng phần lòng, lề đường trước cửa nhà mình là của mình.
Lòng lề đường là của công
Nhiều người dân TPHCM đã từng “khốn khổ” vì vừa dừng bước trên vỉa hè, nghe điện thoại, xem tờ báo… là bị chủ ngôi nhà “mặt tiền” ra nhắc khéo “đi chỗ khác” cho họ kinh doanh, buôn bán. Bực bội, nhưng biết kêu ai bây giờ vì thật sự đây là chuyện quá nhỏ so với hàng “núi” các vấn đề mà lực lượng quản lý đô thị các địa phương phải giải quyết. Cũng vậy, nhiều “bác tài” ô tô vừa dừng, đậu xe dưới lòng đường (nơi không cấm dừng, đậu) là liền bị chủ các ngôi nhà “mặt tiền” ra nói thẳng: “đi dùm nơi khác đậu”. Ở TPHCM chưa ghi nhận trường hợp chủ xe bị chủ nhà “mặt tiền” bôi bẩn xe để “dằn mặt”, nhưng tình huống như vậy đã xảy ra ở không ít địa phương. Ngành chức năng đã phải vào cuộc, người bôi bẩn xe người khác đã bị phạt, thế nhưng tình trạng “tưởng” lòng, lề đường trước cửa nhà mình là… của mình, chưa thấy giảm.

  Ở chiều ngược lại, nhiều tài xế ô tô, xe 2 bánh cũng “tưởng” lòng đường là nơi dừng, đậu xe thoải mái. Họ vô tư dừng, đậu xe mà không biết (mà có lẽ biết) việc ấy ảnh hưởng rất tiêu cực tới giao thông, nhất là đối với một đô thị lớn, đông đúc và giao thông luôn trong tình trạng quá tải như TPHCM. Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, thành phố có tới gần 50% đường giao thông có khổ rộng dưới 7m, chỉ vừa đảm bảo cho 2 làn xe lưu thông xuôi ngược. Chỉ cần có một ô tô dừng, đậu lâu trên đường là khả năng gây ra ùn ứ giao thông rất cao. 

Không phải ngẫu nhiên mà UBND TPHCM vừa triển khai đề án thu phí đậu ô tô ở lòng, lề đường để hạn chế tình trạng chiếm dụng đường giao thông làm nơi dừng, đậu xe. Đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn của thành phố nhằm hướng tới một không gian giao thông thông thoáng, không ùn tắc. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này một cách toàn diện, nghĩa là không chỉ giữ cho lòng, lề đường không bị chiếm dụng mà còn để cho người dân có thể thoải mái đi bộ, dừng, đậu xe khi có nhu cầu (ở những nơi không cấm dừng, đậu), bên cạnh việc tuyên truyền, giải thích thì cần có giải pháp “trị” căn bệnh “tưởng” nêu trên của không ít người.

Tin cùng chuyên mục