Lượng hóa các tiêu chí cải cách, nêu đích danh điều kiện kinh doanh cần bãi bỏ

Phiên bản 2018, phiên bản thứ 5 của Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hiện đang được Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì soạn thảo. 

Trong khi chờ nghị quyết được ban hành, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

- PHÓNG VIÊN: Ông có nhận xét gì khi nhìn lại môi trường đầu tư kinh doanh trong năm vừa qua?

>> TS LÊ THANH VÂN: Những bước cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2017 là đáng ghi nhận. Một cách ngắn gọn, tôi thấy có 3 thuận lợi căn bản. Thứ nhất, chính sách, pháp luật đã thông thoáng hơn trước, nhiều đạo luật, trong đó có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp giữa năm 2017 đã được sửa đổi theo tinh thần kiến tạo. Bên cạnh đó, cải cách hành chính đã và đang giảm bớt sự phiền hà cho doanh nghiệp. Đặc biệt, không thể không nhắc đến việc “chiếc lò” chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang nóng, góp phần khôi phục, củng cố niềm tin của nhà đầu tư và nhân dân… Tất nhiên, vẫn còn những bất cập, hạn chế nhất định. Nhìn chung, thể chế kinh tế thị trường vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, vừa thi hành, vừa kiến tạo nên không tránh được những sai sót và trong một số trường hợp nhất định, phải trả giá.

Cải cách hành chính tuy đã có những kết quả ban đầu, nhưng sức ì của bộ máy còn lớn, đội ngũ cán bộ công chức vừa đông về số lượng, vừa không đồng đều về chất lượng và cơ bản chưa ứng phó kịp với những thay đổi nhanh chóng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính của nhiều bộ, như Bộ TT-TT, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ LĐTB-XH... vẫn chưa có phương án cụ thể. 10 năm liên tục, Ngân hàng Thế giới (WB) không ghi nhận cải cách nào của Việt Nam về đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản. Chi phí kinh doanh cũng khá lớn, “bào mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực cũng như năng suất lao động chưa đủ sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới.

- Có lẽ chính do những hạn chế mà ông vừa chỉ ra nên dù có nhiều tiêu chí được thăng hạng, một số tiêu chí về môi trường kinh doanh của chúng ta vẫn còn yếu. Đơn cử, thứ hạng về khởi sự kinh doanh của Việt Nam vẫn ở mức dưới trung bình, xếp 123/190 nền kinh tế được WB xếp hạng. Theo ông, cần phải làm gì để khắc phục những điểm yếu này?

Tôi thấy vẫn cần khẳng định lại với nhau về quan điểm, tư duy chiến lược. Cần xác định rõ kinh tế thị trường là động lực của phát triển, định hướng XHCN là mục tiêu lâu dài, là đích hướng tới chiến lược nên bảo đảm công bằng xã hội chính là mục tiêu trước mắt. Từ nhận thức đó, phải xác định lại vai trò của doanh nghiệp Nhà nước làm trụ cột cho những lĩnh vực thiết yếu nhất, mà tư nhân không thể làm. Còn lại, trao hết cho xã hội đảm nhận. Điều này cũng có nghĩa là phải rà soát lại đầu tư công. Trong một thời gian dài vừa qua, chúng ta đầu tư quá dàn trải, trong khi khả năng cân đối vốn còn hạn chế, nên kết quả là có tạo ra hạ tầng tốt, nhưng cũng để lại những tiêu cực lớn. Thuận lợi đáng kể là lần đầu tiên chúng ta đã có kế hoạch đầu tư công trung hạn, cần lựa chọn lĩnh vực có sức lan tỏa mạnh mẽ để đầu tư.

- Ông có thể gợi ý một số giải pháp cụ thể?

Xác lập rõ ràng, minh bạch cơ chế quản lý, giám sát của hệ thống kinh tế quốc doanh, với trách nhiệm ràng buộc về pháp lý giữa cơ quan quản lý nhà nước với các đơn vị kinh tế được giao quyền tự chủ. Đồng thời, tiếp tục cải cách bộ máy hành chính theo hướng xác định lại chức năng của từng cơ quan nhà nước ở từng cấp một cách rạch ròi: từ chức năng xác định nhiệm vụ, từ nhiệm vụ xác định công việc, từ công việc xác định vị trí việc làm. Trong đó, phân định rõ tầng nấc về thẩm quyền, ranh giới của từng cấp để tránh chồng chéo, mâu thuẫn về thẩm quyền và trách nhiệm. Đó là cơ sở căn bản tạo nên một bộ máy kiến tạo và phục vụ. Thủ tục hành chính nhờ đó mà sẽ bớt rườm rà. 

Cải cách chế độ nhân sự theo hướng coi trọng hành vi thực chứng, thay vì tiêu chuẩn định tính cũng không kém phần quan trọng. Lấy cạnh tranh trong tranh cử và thi tuyển làm phương thức lựa chọn hiền tài, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho bộ máy lãnh đạo và quản lý ở các cấp. Làm được như vậy, lập tức chính đội ngũ tinh hoa ấy sẽ hoạch định đường lối đúng, tổ chức thi hành đúng, hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm. Cùng với đó, phải công khai hóa mọi quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả các cấp; trao quyền mạnh hơn cho các tổ chức xã hội và phương tiện truyền thông, cùng với nhân dân giám sát bộ máy. Chú trọng đổi mới giáo dục, chấn hưng văn hóa, bảo vệ môi trường sống... Tóm lại, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ cải thiện được khi các tiêu chí cải cách được lượng hóa, các yêu cầu sửa đổi, cắt giảm thủ tục, điều kiện được nêu đích danh, kèm theo cơ chế giám sát chặt chẽ, kỷ luật hành chính nghiêm minh.


- Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục