Một tuần hai tin mừng

Trong tuần qua, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế tỏ ra hết sức phấn khởi với hai tin mừng.

Một, các nhà khoa học vừa tìm được những dấu hiệu cho thấy có 4 chú tê giác con vừa chào đời trong vài tuần lễ gần đây tại Vườn quốc gia Ujung Kulon, Indonesia. Theo Bộ Lâm nghiệp Indonesia, vài tuần trước, một đoàn khảo sát đã đi dọc theo hành trình quen thuộc của loài tê giác từ Bắc đến Nam Ujung Kulon.

Với sự hỗ trợ của hàng loạt camera lắp đặt sẵn, họ tìm thấy một dấu chân tê giác rất nhỏ (16-17cm) song hành với dấu chân lớn hơn; được xác định là của một cặp tê giác mẹ – con. Chỉ một ngày sau phát hiện này, họ lại được “mục sở thị” một cặp dấu chân mẹ – con với kích thước khác. Hai dấu chân nhỏ của hai “tê giác nhóc” kể trên cho thấy chúng chỉ mới 3 ngày tuổi hoặc ít hơn.

Cũng trong ngày thứ 2, đoàn khảo sát còn may mắn hơn: “mặt đối mặt” với một tê giác con, có lẽ là một con cái, đi cùng với mẹ của nó. Sau đó, đoàn còn tìm thấy dấu chân nhỏ thứ 4 ở một khu vực khác. Bốn tê giác vừa ra đời là loại tê giác Java, một loài thú đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng rất lớn. Toàn thế giới hiện còn khoảng 60 cá thể loại này, sinh sống chủ yếu tại Ujung Kulon.

Ngoài ra, chỉ có Vườn quốc gia Cát Tiên của Việt Nam là địa chỉ duy nhất còn tê giác Java sinh sống, nhưng số lượng ước tính không quá 8 cá thể và chưa thấy có dấu hiệu sinh sản từ nhiều năm nay. Vì lẽ đó, việc xuất hiện tới 4 tê giác con trong một khoảng thời gian rất ngắn được coi là tín hiệu hết sức đáng mừng cho tương lai của loài động vật hoang dã này.

Hai, một nghị định mới về buôn bán các loài động thực vật hoang dã vừa chính thức có hiệu lực tại Trung Quốc từ ngày 1-9. Động thái này ngay lập tức được các tổ chức bảo tồn tự nhiên, đặc biệt là Quỹ Bảo tồn hổ thế giới, hoan nghênh nhiệt liệt.

Trung Quốc là thành viên của Công ước CITES từ năm 1981, song bất chấp việc CITES đã cấm buôn bán hổ từ năm 1987, thị trường buôn bán và tiêu thụ nội địa xương hổ của Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất trên thế giới. Năm 1993, Trung Quốc loại bỏ xương hổ ra khỏi các danh mục dược liệu chính thức và dừng tất cả các hoạt động chế biến xương hổ thành dược liệu.

Nghị định vừa ban hành của Trung Quốc khẳng định mạnh mẽ hơn việc thi hành luật 1993 bằng cách nghiêm cấm xuất nhập khẩu và buôn bán các sản phẩm từ hổ ở mọi nơi và dưới mọi hình thức.

Ông Huang Lixin, Hiệu trưởng một trường học về thuốc cổ truyền Trung Quốc tại Mỹ nói: “Việc sử dụng các nguyên liệu thay thế xương hổ trong các bài thuốc cổ truyền Trung Quốc là cần thiết để đảm bảo “sức khỏe” tốt cho thiên nhiên, cho hành tinh của chúng ta”. Nghiên cứu mới nhất về loài hổ cho thấy, toàn thế giới chỉ còn khoảng 5.000 con hổ hoang dã. Số hổ hoang dã ở Trung Quốc chủ yếu tập trung ở vùng biên giới với Nga, nhưng cũng chỉ còn không quá 20 con!

“Trông người lại ngẫm đến ta”. Thị trường tiêu thụ, buôn bán động thực vật hoang dã ở Việt Nam xem ra vẫn hoạt động... khá tưng bừng. Theo báo cáo mới nhất mà TRAFFIC, một tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế, vừa công bố chính thức, gần 700 loài sinh vật ở nước ta đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng ở cấp quốc gia, trong đó hơn 300 loài có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu.

Một cuộc điều tra mới đây cho thấy hơn 50% cư dân Hà Nội “thưởng thức” thịt thú rừng ít nhất một lần trong năm. TPHCM đang trong quá trình thống kê, khảo sát, nhưng chắc chắn cũng không kém cạnh gì!

ANH THƯ
 

Tin cùng chuyên mục