Dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa (quận Bình Thạnh TPHCM)

Không thể ngồi chờ...

* Trước ngày 15-12, nếu không giao mặt bằng sẽ bị cưỡng chế

Nếu căn cứ theo kế hoạch ban đầu, đến nay tiến độ dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa (đoạn 1.1 từ chân cầu Kinh đến Doanh trại quân đội thuộc phường 25, quận Bình Thạnh TPHCM) đã chậm gần 5 tháng. Điều đáng nói là, trong khi tất cả thủ tục để thực hiện dự án đã sẵn sàng khởi công từ nhiều tháng qua thì dự án vẫn phải nằm chờ vì vướng giải tỏa.

Dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở kênh Thanh Đa (đoạn 1.1) lẽ ra phải khởi công từ tháng 8 - 2007. Tuy nhiên, dự án bị vướng 19 hộ dân có nguồn gốc đất quân đội. Trong 19 hộ dân này, đã có 1 hộ đồng ý di dời và bàn giao mặt bằng vào ngày 16-11-2007. Theo UBND quận Bình Thạnh, trong số hộ này, có nhiều hộ theo hồ sơ ban đầu diện tích đất sử dụng chỉ được cấp 60 - 70m2 nhưng đến nay đất đã phình ra 700 - 800m2 và có 9 trường hợp đã được TP, UBND quận Bình Thạnh cấp giấy chủ quyền sử dụng đất ở.

Do phần đất phải giải tỏa của 18 hộ để thực hiện dự án là đất lấn chiếm ngoài diện tích được cấp nên UBND quận Bình Thạnh áp dụng phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại về đất và sàn theo công văn số 7419/UBND- ĐTMT ngày 31-10-2007 của UBND TPHCM. Cụ thể, áp dụng mức hỗ trợ chung về đất là 10 triệu đồng cho tất cả các hộ và 5 triệu đồng đối với 1 hộ có nguồn gốc đất lấn rạch.

Trong 2 ngày 22 và 23-11, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh đã tiếp xúc với 18 hộ dân để thông báo phương án bồi thường, hỗ trợ mà UBND TPHCM phê duyệt. Qua đó, có 15/18 hộ đã nhận quyết định phải thực hiện di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, đa số hộ dân cho biết họ sẽ di dời người và tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở nhưng không bàn giao mặt bằng vì không đồng ý việc áp giá bồi thường theo diện đất lấn chiếm.

Các hộ dân đề nghị được bồi thường theo giá đất ở hợp pháp vì đất của họ đã sử dụng ổn định từ trước năm 1993, có đóng thuế đất và có kê khai nhà 1999. Ngoài ra, theo các hộ dân, từ trước đến nay Quân khu 7 chưa có ý kiến gì về xử lý việc sử dụng đất của họ. Mặt khác, năm 2005 khi Quân khu 7 bàn giao đất cho UBND quận Bình Thạnh quản lý, một số hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở.

Trao đổi với PV Báo SGGP về vấn đề này, ông Trần Minh Thơ, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh, cho biết: Trước ngày 15-12, nếu hộ dân nào không chịu bàn giao mặt bằng để Khu Đường sông khởi công dự án, UBND quận Bình Thạnh sẽ tiến hành cưỡng chế. Mọi khiếu nại khác của người dân, quận sẽ báo cáo để UBND TPHCM xem xét, quyết định cuối cùng.

Năm nào cũng vậy, không phải đến mùa mưa bão mà ngay khi thời tiết bình thường, sạt lở vẫn có thể xảy ra tại khu vực bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, nhất là khu vực thuộc dự án đoạn 1.1. Trong điều kiện ngân sách TP còn khó khăn nhưng để đảm bảo tính mạng và tài sản cho dân sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao, lãnh đạo thành phố quyết định chia dự án tổng thể này ra thành 7 dự án thành phần để thực hiện. Dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa (đoạn 1.1) được ưu tiên thực hiện trước do tính chất địa hình phức tạp, nguy cơ sạt lở cao nhất.

Theo quy định, hành lang bảo vệ kênh Thanh Đa phải là 20m. Tuy nhiên, khi thực hiện xây dựng đoạn bờ kè ở đây, lãnh đạo quận Bình Thạnh đã chọn giải pháp chỉ giải tỏa 7,5m (tính từ mép bờ kênh trở vào) để việc giải tỏa ít ảnh hưởng nhất đến việc an cư của dân, giảm tối đa số hộ dân phải di dời. Tính đến nay, có 32/51 hộ bị ảnh hưởng của dự án đã bàn giao mặt bằng, nhiều hộ đã bàn giao cách đây vài tháng và trong số này có một số hộ đã bị giải tỏa hết nhà.

Riêng 19 hộ dân nói trên chỉ phải giải tỏa một phần nhà của mình, thế nhưng đây lại là những hộ đang làm cho dự án không thể khởi công được. Nếu xem xét kỹ, có thể thấy rõ khi bờ kè ven sông ở đây hoàn thành, không ai khác hơn chính các hộ này là điều sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi môi trường được cải thiện, cảnh quan được cải tạo, đường sá phong quang. Vì vậy, việc khăng khăng không chịu bàn giao mặt bằng để thi công bờ kè chỉ vì lợi ích cá nhân của những hộ này không thể chấp nhận được! 

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục