Xử lý thảm họa dầu tràn ô nhiễm :Thừa nghiên cứu, thiếu kết luận

Xử lý thảm họa dầu tràn ô nhiễm :Thừa nghiên cứu, thiếu kết luận

Đã hơn ba tháng vùng biển nước ta bị ô nhiễm bởi dầu thô xâm thực nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn bất lực trong việc xác định nguyên nhân và giải pháp phòng chống.

  • Dầu ô nhiễm - ngày càng nhiều

Theo công trình nghiên cứu của PGS-TS Nguyễn Đình Dương và TS Hoàng Dương Tùng (Viện Địa lý), ước tính sơ bộ, từ tháng 12-2006 đến cuối tháng 4-2007, vùng biển Đông nước ta đã hứng chịu từ 21.620 - 51.400 tấn dầu thô trôi nổi. Qua phân tích 26 bức ảnh mua của Nhật (với độ phân giải 100m, bề ngang tuyến chụp 300km) được hệ thống viễn thám ALOS-PALSAR (vệ tinh ALOS với bộ cảm biến PALSAR) chụp từ tháng 12-2006 đến tháng 4-2007, các chuyên gia đã phát hiện có 14 dấu vết dầu loang ở 7 bức ảnh.

Người dân phường Thọ Quang, TP Đà Nẵng tổ chức thu gom dầu tràn trên biển. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Người dân phường Thọ Quang, TP Đà Nẵng tổ chức thu gom dầu tràn trên biển. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Đến hết tháng 4-2007, đã có 20 tỉnh nước ta bị ảnh hưởng dầu tràn, lượng dầu thu gom được chỉ 1.721 tấn (xử lý được 1.440 tấn). Con số này hầu như không đáng kể so với khối lượng dầu loang hàng chục ngàn tấn thực tế ở vùng lãnh hải nước ta cũng như trên toàn biển Đông. Chỉ tính riêng hai ngày 6-12-2006 và 8-3-2007, các vệt dầu xuất hiện có diện tích tới 4.450ha với “trữ lượng” khoảng 22.250 - 44.500m3, còn tính tất cả 14 dải dầu tràn đã liệt kê thì lượng dầu có thể lên tới hơn 60.000m3.

  • Vẫn chưa khẳng định

Về nạn dầu tràn, ngoài nghiên cứu của nhóm tác giả ở Viện Địa lý nói trên, còn có các nghiên cứu - tham luận của nhiều cá nhân và tập thể khác vừa được trình bày tại một hội thảo về vấn đề này do Bộ Tài nguyên - Môi trường chủ trì cuối tháng 4-2007 vừa qua. Tuy nhiên, nội dung các báo cáo đều nói nhiều về thực trạng dầu tràn, dừng lại ở mức độ đề xuất sử dụng các phương pháp và công cụ hỗ trợ để tìm ra nguyên nhân, nguồn gốc, giải pháp ứng cứu chứ chưa “dám” khẳng định gì. TS Nguyễn Trần Dương (Chủ nhiệm một dự án cấp nhà nước về dầu tràn) chỉ giới thiệu những công nghệ, thiết bị và phương tiện ứng cứu dầu tràn như phao hút, tấm hút, tàu thu gom, xuồng cứu sinh, máy tách nhanh hỗn hợp dầu - nước…

Còn TS Lê Minh và TS Nguyễn Quốc Khánh (Trung tâm Viễn thám thuộc Bộ TN-MT) tuy sử dụng ảnh tư liệu từ vệ tinh MODIS của Trạm thu ảnh - Viện Vật lý (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhưng cũng thừa nhận đây là giải pháp tạm thời, chỉ giúp phát hiện và dự đoán các vết dầu loang chứ chưa thể tìm ra nguyên nhân sự cố tràn dầu. Lý do là ảnh vệ tinh MODIS là loại ảnh quang học, rất hạn chế trong việc theo dõi diễn biến dầu loang trên biển với điều kiện thời tiết nhiều mây mù che khuất như ở Việt Nam.

Ngay cả Thiếu tướng Nguyễn Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn (Bộ Quốc phòng), Chánh Văn phòng UB Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, cũng dừng lại ở những lập luận và đưa ra nhiều giả thuyết: “Trường hợp ô nhiễm trên diện rộng, số lượng dầu thu gom nhiều, trong thời gian dài và do cùng một nguồn gốc dầu thô gây ra thì chỉ có thể do sự cố mỏ dầu hoặc tàu chứa dầu của mỏ. Trường hợp tàu dầu súc xả ra biển số lượng không đáng kể nên không thể gây ô nhiễm trên diện rộng với thời gian dài…”.

  • Giải pháp: kiến nghị và chờ đợi!

Trước mắt, các nhà khoa học ở Viện Địa lý cho rằng cần bỏ ra 1,2 tỷ đồng để mua khoảng 300 tấm ảnh vệ tinh ALOS - PALSAR phục vụ nghiên cứu tổng thể về sự cố dầu tràn. Về lâu dài, đề nghị phải xây dựng hệ thống giám sát cảnh báo sự cố dầu tràn trên biển với kinh phí xây lắp 5 tỷ đồng và chi phí hoạt động hàng năm khoảng 2 tỷ đồng.

Nhóm nhà khoa học ở Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường thì cho biết vẫn đang tiếp tục hoàn thiện các tính toán của mình và phối hợp với các đơn vị liên quan như Cục Bảo vệ môi trường, Viện Khoa học Tự nhiên - Công nghệ quốc gia… để kết hợp phương pháp tính toán với khảo sát thực tế… Mặc dù biết có hạn chế như đã nói trên nhưng Viện Vật lý cũng đành “hài lòng” với việc khai thác ảnh vệ tinh MODIS để quan trắc hàng ngày, hy vọng phát hiện các “vật thể lạ” trên biển…

Bộ trưởng Bộ TN-MT Mai Ái Trực đề nghị kết hợp nhiều phương pháp như viễn thám, phân tích ảnh vệ tinh, mô hình lan truyền dầu trên biển, kỹ thuật phân tích đánh dấu sinh học, so sánh mẫu dầu đối chứng… để tính toán, truy tìm nguồn gốc dầu tràn. Ông cũng kêu gọi các cơ quan chuyên môn và nhà khoa học tích cực hơn nữa trong việc tập trung nhân lực, vật lực và tài chính tương xứng để triển khai nhanh công tác nghiên cứu, sớm tìm ra nguyên nhân và nguồn gốc tràn dầu.

Căn cơ hơn, nhiều nhà khoa học và quản lý kiến nghị nước ta phải nhanh chóng đăng ký tham gia Hệ thống Quan trắc trái đất toàn cầu (GEOSS), Văn phòng Hỗ trợ nghiên cứu thiên tai châu Á (SENTINEL ASIA) và liên hệ với hãng dịch vụ cung cấp các dữ liệu không gian RADARSAT (MDA Geospatial Services), Công ty Thương mại ảnh châu Âu (Eurimage SpA)... nhằm đảm bảo tiếp nhận được rộng rãi dữ liệu viễn thám phục vụ kịp thời nghiên cứu phát hiện ra nguyên nhân, vị trí và theo dõi diễn biến của sự cố tràn dầu ở vùng biển nước ta. 

HOÀNG LIÊM 

Tin cùng chuyên mục