Vỉa hè, ai bán ai mua?

Từ... chiếm dụng
Vỉa hè, ai bán ai mua?

Vỉa hè là phần hành lang đường dành cho người đi bộ và chắc chắn không là tài sản của riêng ai. Thế nhưng, vào thời buổi “tấc đất, tấc vàng” hiện nay, nhiều hộ có nhà mặt tiền đường đã nghiễm nhiên cho mình cái quyền sử dụng vỉa hè và khai thác nó tối đa. Họ đã tự đẩy cái giá cắt cổ cho mỗi mét vuông vỉa hè để thụ hưởng mà không phải đóng một đồng thuế nào.

Từ... chiếm dụng

Vỉa hè, ai bán ai mua? ảnh 1

Nhậu quán vỉa hè giờ tan tầm, bất chấp có vi phạm luật hay không. Ảnh: THÙY VY

Bình thường, vỉa hè đã “cõng” trên mình bao nhiêu thứ “hợp pháp” từ thùng rác, trụ điện, thùng điện thoại, cây xanh đến … nhà chờ xe buýt, gây không ít khó khăn cho người đi bộ. Thế nhưng, hiện nay vỉa hè còn “gánh” thêm nhiều thứ khác trước tình trạng lấn chiếm.

Tại TPHCM, những năm gần đây, tình trạng lấn chiếm vỉa hè dường như đã trở thành “căn bệnh nan y” vào các buổi tối với các điểm nhậu nhẹt. Trên các tuyến đường Thái Văn Lung (quận 1), Nguyễn Tri Phương (quận 10), Nguyễn Đình Chiểu (quận 3)… sự hoạt động huyên náo của các quán nhậu, cà phê đồng nghĩa với việc cơi nới, “quy hoạch” từng đoạn vỉa hè làm chỗ đặt bàn, để xe. Người đi bộ dở khóc dở cười khi phải bước thấp, bước cao - khi bước lên vỉa hè, khi đi xuống lòng đường.

Đặc biệt, tại các điểm bán đồ ăn vặt - chỉ cần chục mét vuông đất, một vài bộ bàn ghế… người ta đã có thể “khai trương” một địa chỉ ăn uống. Đáng nói là việc lê la vỉa hè, ngồi vắt chân ăn vặt lại đang được giới trẻ xem như một thú vui không thể thiếu mỗi khi chiều về. Không những ở các quận trung tâm mà ngay tại khu vực vùng ven như Gò Vấp, quận 9, Thủ Đức, huyện Bình Chánh… vỉa hè của các tuyến đường chính đều không thoát khỏi bị xâm lấn bởi các điểm bán mũ bảo hiểm, kính râm, nước uống…, thậm chí càng xa trung tâm thì càng dễ xảy ra tình trạng tràn xuống cả lề đường.

Điều gây bức xúc nhất trong dư luận là nhiều hộ dân hoặc các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ở mặt tiền đường, sau khi đóng góp kinh phí với nhà nước để sửa chữa, chỉnh trang vỉa hè thì đã tự cho mình cái quyền “sở hữu” nó. Tiêu biểu nhất là khu vực bán máy tính dọc tuyến đường Tôn Thất Tùng (quận 1). Trên tuyến đường này, quán cơm Minh Đức cũng ngang nhiên “sở hữu” toàn bộ phần vỉa hè trước quán để bày bán hàng trong khi phần diện tích để kinh doanh của quán này không nhỏ. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại đây đã gây ách tắc giao thông từ nhiều năm nay nhưng không hiểu sao cứ tồn tại. Có ý kiến cho rằng chắc cũng như một số điểm khác, có thể có sự “bảo kê” từ cơ quan chức năng (?!).

Đến... cho thuê

Vỉa hè, ai bán ai mua? ảnh 2

Chen nhau từng mét vuông vỉa hè trên con đường nhỏ hẹp Nguyễn Thượng Hiền (quận 3, TPHCM) để mua bán, làm ăn.

Trong vai một người tìm vỉa hè thuê để bán sách, chúng tôi vào hỏi một số chủ nhà trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) thì được biết khu vực này đã cho thuê không còn chỗ nào trống. Nhìn thấy dáng vẻ chúng tôi là sinh viên, đi kiếm vỉa hè bán sách để có thêm thu nhập, bà chủ nhà nói: “Bán sách cồng kềnh thì làm gì có đủ tiền để mướn chứ, một xe bánh xếp như vậy (chỉ khoảng 1m²) là 1,5 triệu đồng/tháng rồi đó”.

Lân la dò hỏi, chúng tôi được biết vỉa hè cũng có nhiều giá. Cách đó vài căn, người chủ chiếc xe bán bánh xếp trước một cửa hàng tạp hóa cho biết chỉ phải trả với giá 900.000 đồng/tháng. Những người thuê vỉa hè buôn bán ở đây đều biết vỉa hè của nhà nước nhưng “mình buôn bán trước mặt tiền của nhà người ta thì người ta phải lấy tiền thôi” - chị bán hột vịt lộn trước một siêu thị điện thoại di động cho biết như vậy.

Vỉa hè cũng được chia làm nhiều ca, có nơi sáng bán nước mía, chiều bán hột vịt lộn. Và dĩ nhiên, giữa hai “đối tác” đi thuê và cho thuê vỉa hè chẳng cần bất cứ bản hợp đồng thuê mướn nào cả. Nếu thuận lòng nhau thì hợp tác lâu dài. Nếu người thuê bày bừa hay quá quắt, chủ nhà có thể báo công an đến “hốt” bất cứ lúc nào. Không ít trường hợp chủ kiếm cớ gây chuyện, đòi lại mặt bằng, cốt cũng chỉ để tăng giá cho thuê.

“Sốt” theo chứng khoán

Vỉa hè, ai bán ai mua? ảnh 3

Vỉa hè đường Tôn Thất Tùng Q1 không còn chỗ trống cho người đi bộ. Ảnh: THÙY VY

Có ai ngờ rằng, vỉa hè tại TPHCM cũng “sốt” theo chứng khoán. Sau “cơn sốt” chứng khoán thì vỉa hè trên đường Nguyễn Công Trứ (quận 1) đã trở nên chật chội và đắt đỏ hơn. Chỉ khoảng hơn 10m² vỉa hè trước số nhà 388 nhưng giá cho thuê gần 1,7 triệu đồng/tháng. Chị M, người thuê phần diện tích trên để bán cơm cho chúng tôi biết, chị chỉ thuê từ 17 giờ đến 22 giờ hàng ngày với giá 750.000 đồng/tháng. Còn ban ngày (từ 9 giờ đến 14 giờ) có một người khác đến thuê để bán hủ tiếu với giá 900.000 đồng/tháng. Chị thuê phần đất này để buôn bán nay đã 1 năm. Ban đầu giá chỉ 600.000 đồng/tháng.

Giờ đây, thấy vỉa hè ngày càng quý hiếm, nhiều người đến hỏi thuê nên chủ nhà đã tăng giá. Cũng với diện tích như trên, tại phần vỉa hè trước số nhà 100 và 102 Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) nhưng chị S. thuê với giá 1.000.000 đồng/tháng. Khoảng 18 giờ mỗi ngày, khi công ty phía trong nhà nghỉ làm việc thì mấy mẹ con chị cũng dọn hàng ốc, mực, nghêu, sò ra bán đến 22 giờ. “Đối với mẹ con tôi, như thế vẫn còn may mắn lắm rồi vì còn có được chỗ ăn, chỗ làm. Chứ nhiều người muốn thuê chưa chắc tìm được chỗ.

Họ (ý nói công an) thường làm gắt lắm!”, chị S. tâm sự. Đặc biệt, có một chủ hộ trên đường Tôn Thất Thuyết (quận 4) khi rao bán nhà đã có lời “quảng cáo” kèm theo không e dè: “Vỉa hè đang cho thuê, thu nhập 3 triệu đồng/tháng”. Lần theo địa chỉ này, chúng tôi gặp ông H.A.T, chủ nhà này. Ông này cho hay: “Gia đình tôi thường vắng nhà. Diện tích hiên và phần vỉa hè khoảng 20m² để trống cũng…phí nên đã cho 5 người khác buôn bán. Buổi sáng có 3 người bán, buổi chiều 1 người bán bún riêu, gỏi cuốn và 1 sạp quần áo”. Khi tôi hỏi muốn thuê chừng 6m², từ 15 giờ đến 21 giờ hàng ngày thì vợ chồng ông đã ra giá 500.000 đồng/tháng. “Đó là ưu tiên em là sinh viên chứ người khác không có giá rẻ đến thế đâu”.

Nhóm PV TS-XH

Tin cùng chuyên mục