Phân luồng đường 1 chiều (TPHCM): Tiếp tục hay dừng lại?

Phân luồng đường 1 chiều (TPHCM): Tiếp tục hay dừng lại?

Từ đầu năm đến nay, Sở GTCC TPHCM đã triển khai phân luồng hàng loạt tuyến đường và sắp tới sẽ có thêm nhiều tuyến đường được “một chiều hóa”… Theo nhiều chuyên gia, đây đang được xem là giải pháp căn cơ nhất trong điều kiện đường sá ở khu vực trung tâm khó có thể mở rộng thêm. Tuy nhiên, những trục trặc trong các lần phân luồng trước đây đã khiến không ít người lo lắng, nhất là thời điểm mà ngành GTCC dự kiến phân luồng lại xảy ra vào những tháng cuối năm.

Chỉ ùn, không tắc: thành công?

Phân luồng đường 1 chiều (TPHCM): Tiếp tục hay dừng lại? ảnh 1

Vào giờ cao điểm, đường Võ Văn Tần vẫn không bị tắt dù lượng xe có tăng. Ảnh: THÙY VY

Điều đầu tiên cần khẳng định là hiệu quả của việc phân luồng. Các tuyến đường được phân luồng một chiều từ đầu năm đến nay đã thoáng hơn và ít xảy ra kẹt xe. Nếu như trước đây khu vực đường Trần Hưng Đạo - Nguyễn Tri Phương - Trần Phú; Phan Đình Giót - Phạm Hồng Thái - Phổ Quang; Trần Quốc Thảo - Lê Quý Đôn; Nguyễn Thị Minh Khai – Võ Văn Tần… kẹt xe như cơm bữa thì nhờ phân luồng, tốc độ lưu thông đã nhanh hơn.

Anh Bùi Hồng Linh, chạy xe ôm thường qua lại trên những tuyến đường này bày tỏ: “Mấy ngày đầu cũng có hơi ùn, nhưng khoảng 1 tuần sau và đến nay lưu thông tại các khu vực đường phân luồng 1 chiều đã được cải thiện, nhất là đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn từ đường Huyền Trân Công Chúa ra đến Phùng Khắc Khoan”.

Còn chị Thu Phượng nhà ở đường Trần Quốc Thảo cũng cho rằng, từ lúc đường Trần Quốc Thảo được phân luồng 1 chiều đã không còn tình trạng ùn tắc tại ngã tư Điện Biên Phủ - Tú Xương, ngã ba Nguyễn Thị Minh Khai - Lê Quý Đôn cũng không còn cảnh kẹt xe kéo dài.

Tuy nhiên, vào các giờ cao điểm, hiện tượng ùn ứ vẫn còn, nếu không có mặt cảnh sát giao thông thì cũng dễ kẹt xe. Theo khảo sát của Sở GTCC, tại tất cả các tuyến đường đã tổ chức phân luồng 1 chiều thì không còn kẹt xe, trừ một vài tuyến có xảy ra ùn ứ những ngày đầu do người dân chưa quen. Tuy nhiên, nếu chỉ ùn mà không tắc thì cũng đã thành công, nhiều ý kiến nhận xét như vậy.

Tiếp tục hay như vậy là đủ?

Phân luồng đường 1 chiều (TPHCM): Tiếp tục hay dừng lại? ảnh 2

Vẫn còn những người dân theo thói quen cũ đi vào đường một chiều Võ Văn Tần. Ảnh: THÙY VY

Có hai luồng ý kiến về việc này. Phó phòng Quản lý giao thông đường bộ (Sở GTCC TPHCM) Đậu An Phúc thì khẳng định: “Trước đây, TPHCM quy hoạch chỉ vài triệu dân nhưng nay dân số đã gần đến 10 triệu người và lượng xe gắn máy đã vượt xa con số 3 triệu chiếc, chưa kể xe có biển số đăng ký các tỉnh, thành phố khác đang lưu thông trên địa bàn. Theo tôi, phân luồng 1 chiều các tuyến đường là biện pháp căn cơ và hiệu quả nhất hiện nay”.

Một cán bộ giảng dạy chuyên ngành giao thông cũng cho rằng, khi lượng xe tăng nhanh mà ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân chưa cao thì việc tách biệt 2 dòng xe, tránh đan xen bằng giải pháp phân luồng sẽ khắc phục được tình trạng kẹt xe.

Phó Giám đốc Khu Quản lý GTĐT số 1 Nguyễn Vĩnh Ninh nhấn mạnh, để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông khu vực nội thành TPHCM phải tiếp tục phân luồng 1 chiều các tuyến đường. Trước hết, phân luồng theo từng khu vực với các tuyến ngắn, sau đó phân luồng 1 chiều tất cả các tuyến để kết nối đồng bộ.

Về quy trình thực hiện phân luồng, ông cho biết đã khảo sát rất kỹ về mật độ phương tiện, thực trạng giao thông toàn khu vực để tính toán phân luồng trên cơ sở khoa học nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Từ nay đến hết năm 2007, Khu Quản lý GTĐT sẽ tiếp tục thực hiện phân luồng tại khoảng 20 tuyến đường khu vực trung tâm quận 1.

Những ý kiến ngược lại thì cho rằng cần phải có một nghiên cứu tổng thể hơn về việc phân luồng và không nên quá “lạm dụng” việc phân luồng. Cơ sở của luồng ý kiến này là những bất cập trong các đợt phân luồng trước.

Ngay đợt phân luồng mới vừa thực hiện tại khu vực trung tâm quận 3 cũng có ý kiến cho rằng còn thiếu khoa học. Cụ thể là việc phân luồng đường Võ Văn Tần và đường Nguyễn Đình Chiểu, đây là hai đường song song gần nhau nhưng lại được phân luồng cùng 1 chiều. Hay đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn thì lưu thông 2 chiều, đoạn thì 1 chiều… khiến người tham gia giao thông rất khó nhớ.

Bằng chứng là đến nay, đã hơn 1 tháng sau khi thực hiện phân luồng, ngành GTCC vẫn phải “cắm” 1-2 đội viên trật tự tại giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai – Phùng Khắc Khoan để hướng dẫn mà vẫn có người chạy lố qua. Những ý kiến này cũng cho rằng lý giải của ngành GTCC rằng chỉ phân luồng 1 chiều từng đoạn, không thực hiện trên phạm vi rộng là vì không đủ lực lượng để điều tiết, sợ dẫn đến rối loạn cũng không thỏa đáng. Vì nếu phân luồng hợp lý thì việc điều tiết không quá phức tạp, khó khăn. Mặt khác, cơ sở khoa học của việc phân luồng cũng được nhiều người đặt vấn đề.

Tuy ngành GTCC cho rằng khảo sát của phía tư vấn nước ngoài chỉ để tham khảo nhưng trên thực tế, hầu hết các lần phân luồng đều phải có biện pháp điều chỉnh, bổ sung. Điều đó cho thấy, dường như các giải pháp vẫn chưa “tới”. Cụ thể nhất là việc tổ chức phân luồng vào thời điểm diễn ra kỳ thi đại học. Nhiều người thắc mắc rằng không phân luồng thì đã xảy ra kẹt xe vào các kỳ thi đại học, chọn ngay thời điểm đó thì quả là ngành GTCC quá quan liêu.

Ngay việc lấy ý kiến người dân về các giải pháp phân luồng, nhiều ý kiến cho rằng đó là động tác cho có. Sở dĩ có ý kiến này là vì người dân không được công khai các vấn đề liên quan đến việc lấy ý kiến.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đậu An Phúc cũng thừa nhận: “Từ các đợt phân luồng vừa qua, phía Sở GTCC cũng đã rút ra được những kinh nghiệm trong việc phân luồng như về thời điểm triển khai và phương án dự phòng khi có vấn đề phát sinh”.

Vì thế, ngành GTCC cần phải có quy trình phản biện chặt chẽ hơn trước khi thực hiện các đợt phân luồng tiếp theo, nhất là những tháng sắp tới là cao điểm kinh doanh hàng hóa cuối năm, các công trình tất bật vào đợt nước rút. Nếu xảy ra sự cố thì hậu quả sẽ không nhỏ.

Theo kế hoạch của Khu Quản lý GTĐT số 1, các tuyến đường sẽ được phân luồng 1 chiều trong năm nay trên địa bàn quận 1 gồm: Lê Lai, Phạm Ngũ Lão, Thái Văn Lung, Thi Sách, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm, Phó Đức Chính, Calmette, Yersin, Ký Con, Phạm Ngọc Thạch, Pasteur, Cống Quỳnh, Bùi Thị Xuân…

HỒ THU

Tin bài liên quan:

- Phân luồng giao thông tại giao lộ QL 52 - đường Tây Hòa

Tin cùng chuyên mục