Hậu di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm - Ngổn ngang tiếp diễn

Điệp khúc “xin gia hạn”
Hậu di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm - Ngổn ngang tiếp diễn

Điệp khúc “xin gia hạn”

Hậu di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm - Ngổn ngang tiếp diễn ảnh 1

Nhiều nhà máy sản xuất cao su ngang nhiên xả khói lên bầu trời. Ảnh: THÀNH TÂM

Nhiều năm nay người dân sống tại phường Phước Long B (quận 9, TPHCM) liên tục kêu cứu vì hàng ngày phải sống chung với khói bụi “tuồn ra” từ xưởng chế tạo của Công ty Xây lắp máy 18. Dù vậy, cơ quan chức năng quận 9 vẫn không thể “giải tỏa” được xưởng sản xuất này.

Theo Phòng Tài nguyên - Môi trường quận 9, có lẽ đến hết năm 2007 đơn vị này mới có thể chuyển đi được vì chưa đầu tư xây dựng xong mặt bằng cơ sở mới ở địa phương khác.

Trên địa bàn quận 9 còn có ba đơn vị gây ô nhiễm nữa vẫn “cò cưa” là Xưởng thực nghiệm của Công ty Hóa chất cơ bản miền Nam, Xí nghiệp Chăn nuôi heo Phước Long, cơ sở luyện thép Tiến Đạt; đơn vị nhanh nhất cũng phải hết quý 3 - 2007.

Thế nhưng điều mà phần lớn người dân quận 9, chủ yếu ở các phường Long Bình, Long Thạnh Mỹ và Tân Phú, lo nhất lại là gần 120 lò gạch thủ công đang “hùng hục” nhả khói mù mịt suốt ngày. Với nguồn chất đốt hổ lốn: vỏ hạt điều, vỏ trấu, lốp xe… lại không có hệ thống thu gom và xử lý khói nên khói rất độc và tỏa ra tứ tung.

 Anh Phan Ngọc Hiền (đường Hoàng Hữu Nam - phường Long Bình) bức xúc: “Vào sáng sớm hoặc chiều, khói bốc lên đen cả vùng, người già và trẻ em đều ho sặc sụa, bụi khói và than phủ đen khắp vườn tược lẫn nhà cửa…”. Không những vậy, những con đường xung quanh các lò gạch như Nguyễn Xiển, Hoàng Hữu Nam… đã biến dạng do hoạt động vận chuyển đất sét đến lò gạch diễn ra suốt đêm ngày. Một cán bộ môi trường quận 9 sau khi đi thực địa cũng thừa nhận là khi mưa xuống thì chỉ có xe tải mới đi được trên các con đường này!

Bao giờ thì những “lò sản xuất” khói bụi này không còn hiện diện trong khu dân cư khi hạn chót cho tồn tại của Bộ Xây dựng là hết năm 2005, còn “ân hạn” của UBND TPHCM là hết năm 2006? Theo Phòng Tài nguyên - Môi trường quận 9 thì việc di dời và chuyển đổi công nghệ sản xuất sang công nghệ tuy-nen vượt quá khả năng của các chủ lò gạch lẫn quận. Do vậy, hiện phòng đang xây dựng phương án di dời, chuyển đổi để trình quận và xin thành phố trợ giúp, hy vọng đến cuối năm 2009 thì mới giải quyết dứt điểm xong!

Buông xuôi chuyện xử lý?

Không chỉ ở quận 9 mà ở nhiều quận huyện khác, “nạn” xin gia hạn di dời cũng diễn ra phổ biến. Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn (đường Trần Phú - quận 5) đã có chủ trương di dời trước cả khi chương trình di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm ra đời nhưng vẫn “trưng” ra nhiều khó khăn để được trì hoãn đến năm 2012!.

Xí nghiệp Chế biến thực phẩm COLUSA và Xí nghiệp Đóng tàu - sửa chữa tàu Bình Triệu (quận Thủ Đức) thì được quận đồng ý gia hạn đến năm 2010! Quận Tân Phú lại có đến 18 doanh nghiệp gây ô nhiễm được gia hạn đến hết 2007.

Ngoài lý do “muôn thuở” là chưa kiếm được mặt bằng thích hợp, giá thuê đất quá cao, thiếu vốn, vướng thủ tục hành chính… làm chậm thời gian di dời thì một trở ngại nữa là các quận - huyện hầu như không đủ “lực” để buộc doanh nghiệp “ra đi”. Chẳng hạn như với các khu chế xuất - khu công nghiệp, các cơ quan chức năng cấp quận - huyện đành “bó tay” khi muốn vào kiểm tra.

Còn với những đơn vị thuộc diện di dời hay buộc phải cưỡng chế thì quận - huyện cũng rất lúng túng, không biết quy trình, thủ tục cưỡng chế như thế nào. Chẳng hạn như đối với Nhà máy Phân bón Bình Điền, dù các cấp thành phố đã khẳng định sẽ buộc cưỡng chế di dời từ lâu nhưng mới đây một Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh thừa nhận chưa biết khi nào cưỡng chế được!

Cấp quận huyện đã “lực bất tòng tâm” vậy nhưng “cấp trên” lại càng rối bời hơn. Đến giờ nhiều khu - cụm công nghiệp tiếp nhận các cơ sở di dời như KCN Lê Minh Xuân mở rộng, khu sản xuất nước chấm… vẫn chưa thành hình. Thực trạng đang như mớ bòng bong, nhưng đáng lo hơn khi mới đây Sở Công nghiệp TPHCM có văn bản kiến nghị UBND TPHCM… giải thể, chấm dứt hoạt động của Ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường thành phố. Kèm thêm đó là kiến nghị giao về các sở ngành và quận huyện tiếp tục giải quyết, xử lý những cái “hậu” của chương trình; còn Sở Công nghiệp chỉ phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc triển khai các quy hoạch ngành, chuyển dịch cơ cấu kinh tế…

Tuy UBND TPHCM vẫn chưa có ý kiến gì về kiến nghị trên nhưng trong thời gian này, khi đề cập đến công tác di dời, lãnh đạo Sở Công nghiệp cứ tuyên bố “hết nhiệm vụ, đã chuyển giao về các sở và quận huyện”; còn cán bộ chuyên trách của Sở Tài nguyên - Môi trường thì lại bảo chương trình di dời còn tiếp tục, có gì cứ hỏi Ban chỉ đạo. Khi còn “nhạc trưởng” đã không giải quyết rốt ráo được thì với tình trạng đùn đẩy như hiện nay, liệu bao giờ các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm mới biến hết được.

Hoàng Liêm

Tin cùng chuyên mục