Thảm họa ô nhiễm đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông - Bài 1: Kinh hoàng những… “tiểu Vedan”

Thâm nhập những “vùng cấm”
Thảm họa ô nhiễm đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông - Bài 1: Kinh hoàng những… “tiểu Vedan”

Vụ Công ty Vedan xả nước thải không qua xử lý ra sông Thị Vải được báo chí phản ánh thời gian qua đã gây bức xúc cho người dân cả nước. Từ các xã biên giới của huyện Châu Thành và Tân Biên (tỉnh Tây Ninh), nơi đầu nguồn con sông Vàm Cỏ Đông chảy qua, PV Báo SGGP đã thực hiện cuộc điều tra về những “tiểu Vedan” – những nhà máy chế biến củ mì (lò mì) cung cấp nguyên liệu cho Công ty Vedan – đang ngày đêm xả hàng ngàn m³ nước thải nguy hại xuống sông Vàm Cỏ Đông, biến một vùng sông nước hiền hòa dọc con sông này thành những “cánh đồng chết”.

Thâm nhập những “vùng cấm”

Xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên trong chiến tranh chống Mỹ là vùng căn cứ cách mạng với các địa danh Lò Gò, Xóm Giữa, suối Bà Sự… nằm sát bên dòng sông Vàm Cỏ Đông - nơi có đường biên giới Việt Nam - Campuchia chạy qua. Chỉ cách nay hơn chục năm, xã biên giới Hòa Hiệp vẫn còn ngút ngàn những cánh rừng già nối với Khu bảo tồn thiên nhiên Lò Gò - Xa Mát.

 Nhưng nay, thay vào đó là những cánh đồng mì xanh rì, ngút mắt và kéo theo đó là các nhà máy chế biến tinh bột khoai mì mọc lên. Đầu tiên là lò mì của Công ty Hiệp Long Hương với công suất vài trăm tấn/ngày; sau đến lò mì Sầm Nhất, Sầm Nhị (ấp Hòa Bình), rồi Minh Tuyền (ấp Hòa Đông B)… đều có công suất từ 500 - 700 tấn/ngày.

Thảm họa ô nhiễm đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông - Bài 1: Kinh hoàng những… “tiểu Vedan” ảnh 1

Hệ thống van được giấu kín dưới lòng đất mà PV Báo SGGP phát hiện được tại lò mì Sầm Nhất. Chỉ cần gạt nhẹ van, hàng trăm m³ nước thải độc hại sẽ đổ ra suối Bà Sự.

Không kể lúc trời mưa, nắng gắt, lúc nào Tiến - một thanh niên ấp Hòa Bình, cũng sẵn sàng dẫn đường cho tôi thâm nhập những “vùng cấm” tại các lò mì dọc theo suối Bà Sự, suối Cạn, suối Tre…

Nói là “vùng cấm” bởi nhà máy nào phía sau cũng được bố trí hệ thống dẫn nước thải từ nhà máy ra các hầm chứa rồi đổ xuống suối qua các van giấu kín dưới lòng đất. Để qua mắt được bảo vệ các nhà máy, chúng tôi phải giả làm người đi soi ếch, bám theo dòng suối lần tìm “đường ra” của các ống xả rồi ngược tới các hầm chứa thứ nước đen xì, hôi thối không sao tả nổi được giấu kín trong những rặng cây, vạt cỏ đã bị cháy sém vì ô nhiễm.

Chúng tôi men theo suối Bà Sự đoạn từ cầu Bà Sự để thâm nhập vào “vùng cấm” của lò mì Sầm Nhất và Sầm Nhị. Vượt qua đoạn bờ suối nhô lên dưới rặng tre, chúng tôi phát hiện một “cửa ra” nằm sâu dưới lòng đất. Gạt những cành tre phía trên và chỉ bới lớp lá, hệ thống van đã lộ ra. Chỉ cần gạt nhẹ cánh van, dòng nước đen ngòm từ những hầm chứa cách đó hơn chục mét đã ùng ục chảy ra dòng suối.

Lách sang bờ suối bên phải, chúng tôi phát hiện một rãnh nước thải lộ thiên chảy ra thứ nước trắng xát. Lội ngược theo rãnh nước với hai bên vạt cỏ đã vàng cháy, Tiến bảo: “Nước thải của lò Sầm Nhị chảy ra đây”.

Đi vào đống củi phía trong lò, chúng tôi phát hiện một đường nước chảy ngầm thoát ra. Đây chính là hệ thống xả nước thải mà Nhà máy Sầm Nhị chưa kịp chôn dưới đất và cứ thế “lộ thiên” chảy thẳng xuống suối Bà Sự.

Rời suối Bà Sự, chúng tôi qua xã Tân Phong nằm sát quốc lộ 22B đi Tân Biên. Gần tới ngã ba Cây Gòn, mùi hôi thối đã nồng nặc bốc ra. Chỉ cách ngã ba hơn trăm mét là tới cổng chính của Công ty LD Tapioca Việt Nam chuyên chế biến tinh bột khoai mì cho Công ty Vedan. Từ cầu D.14, men theo dòng suối Cạn, chúng tôi thâm nhập “vùng cấm” nằm phía sau nhà máy.

Đi chừng gần cây số, đã thấy những bờ đất bao quanh như con đê. Tiến nói: “Phía bên kia chắc chắn là những hầm chứa nước thải”. Để tìm “cửa ra” của những hầm chứa này, chúng tôi phải đi thêm một đoạn gần 1km nữa mới phát hiện những đường nước được làm rất kín, ẩn dưới vạt cỏ, bờ tre.

Thật không thể tin được, trước mắt chúng tôi là gần chục hầm (mỗi hầm có diện tích khoảng vài ngàn m²) chứa những thứ nước đen đặc, hôi thối nồng nặc, kết thành từng khối như tảng băng. Vào sát nhà máy, chúng tôi phát hiện một đường ống lộ thiên ào ạt đổ ra một dòng nước trắng xát, đặc sệt. Khu hầm chứa này ước khoảng hơn chục ha và mỗi ngày có gần 1.000m³ nước thải từ đây chưa qua xử lý được đổ thẳng xuống suối Cạn.

“Vô tư” xả nước thải ra sông Vàm Cỏ Đông

Thảm họa ô nhiễm đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông - Bài 1: Kinh hoàng những… “tiểu Vedan” ảnh 2

Một miệng cống xả trực tiếp nước thải không qua xử lý ra hầm chứa tại Công ty LD Tapioca. Từ đây nước thải được đổ ra suối Cạn rồi chảy thẳng ra sông Vàm Cỏ Đông. Ảnh: HOÀI NAM

Đặc điểm của các nhà máy chế biến tinh bột khoai mì là bao giờ cũng nằm gần sông, suối. Ngay như suối Bà Sự, đoạn đi qua ấp Hòa Bình và Hòa Đông B cũng đã có 3 nhà máy, có nhà máy chỉ cách nhau vài chục mét. Hệ thống nước thải của các nhà máy này thường được thiết kế theo dạng bậc thang.

Từ nhà máy, nước thải được chảy lộ thiên, hoặc trong những đường ống rồi dẫn ra một hầm chứa. Từ đây, nước thải được phân ra thành nhiều nhánh, đi qua từ 2 đến 3 hầm chứa nữa rồi “nằm” lại, sau đó xì qua những cửa van chảy thẳng ra suối.

Nhà máy mì Sầm Nhất và Sầm Nhị đặt bên suối Bà Sự chỉ cách sông Vàm Cỏ Đông vài trăm mét. Chỉ mươi phút sau khi hầm chứa mở van là thứ nước đen đục, nhờ nhờ sẽ tuôn ra, hòa vào dòng nước sông Vàm Cỏ Đông.

Còn các lò mì nằm phía suối Cạn và suối Tre nước thải phải chảy vòng qua ngã Ba Vịnh mất 3 – 5km, sau đó mới đổ ra sông Vàm Cỏ Đông.

Từ xã Hòa Hiệp, chúng tôi đi về phía hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông. Đến địa phận xã An Cơ (huyện Châu Thành) đã thấy xuất hiện 2 tháp nhà máy chế biến tinh bột khoai mì cao ngất nằm ngay trong khu dân cư thuộc ấp An Lộc.

Một người dân cho biết, hai anh em Sầm Phát, Sầm Hên đã xây 2 nhà máy này gần chục năm qua. Hai nhà máy mì Sầm Nhất và Sầm Nhị mà chúng tôi đề cập ở phần trên là tên hai anh em ruột, con của chủ lò mì Sầm Hên.

Thâm nhập vào “vùng cấm” của lò mì Sầm Phát và Sầm Hên, chúng tôi phát hiện hệ thống chứa nước thải cũng giống y như lò Sầm Nhất và Sầm Nhị. Chỉ có điều, hệ thống dẫn nước và hầm chứa của lò Sầm Phát và Sầm Hên được xử lý có vẻ “bài bản” hơn nhờ các hầm chứa giữ nước lâu hơn mới xả ra suối.

Nếu lò Sầm Phát xả nước thải ra kênh Bà Đằng, thì lò Sầm Hên xả ra kênh Tiêu. Tất cả thứ nước đen đặc, hôi thối nồng nặc đó đều được xả hết ra sông Vàm Cỏ Đông. Và trên đường chảy của nó, thứ nước thải độc hại kia đi đến đâu là “tàn sát” môi trường đến đó.

Bài 2: Những “cánh đồng chết”

Hoài Nam

Tin cùng chuyên mục