Đất công lãng phí nhiều năm, trách nhiệm ở đâu?

Đất công lãng phí nhiều năm, trách nhiệm ở đâu?

Bài 1: Bị biến thành “tư” - khó đòi!

Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) được giao quản lý và sử dụng kho bãi, đất công đã sử dụng không đúng mục đích, cho thuê kiếm lợi hoặc bỏ trống gây lãng phí… thì rất nhiều quận, huyện “khát” từng mét đất để xây trường học, nhà tái định cư! Nhiều khu đất đã có quyết định thu hồi của UBNDTP nhưng quận, huyện vẫn không lấy lại được. Nguyên nhân do đâu?

Mỗi hồ sơ giao đất: 3 - 5 năm

Theo khảo sát của HĐNDTP, hiện có rất nhiều DN “ôm” nhiều kho bãi với diện tích hàng chục ngàn mét vuông, rồi bỏ trống nhiều năm. Tiêu biểu nhất có lẽ là các kho ở quận 8. Hàng loạt kho như: 442 Phạm Thế Hiển, phường 4 – Công ty Gạch bông Thanh Danh (1.267,6m2), kho 186 Mễ Cốc phường 15 – Tổng Công ty Cơ khí Sài Gòn (2.440,9m2), kho 363 Bến Bình Đông, phường 13 – Tổng Công ty Lương thực miền Nam (2.651,4m2), kho không số trên đường Hồ Ngọc Lãm, phường 16 – Công ty Thương mại kỹ thuật và Đầu tư PeTec (19.706,2m2), kho 42 - 46 Mạc Vân, phường 13 - Tổng Công ty Dệt may Gia Định (4.372,8m2), kho 165 Phong Phú, phường 11 - Công ty Lưới sợi bao bì TP (704,5m2) đang trong tình trạng bỏ trống và sắp sập…

Tại TPHCM “tấc đất, tấc vàng” nhưng đã có hàng ngàn khu đất công bị sử dụng lãng phí, sai mục đích, bị chiếm dụng chuyển đổi công năng, biến thành của “tư” làm thất thoát nguồn thu lớn cho ngân sách… Đây không phải là chuyện không ai biết. Nhiều ban chỉ đạo đã được thành lập nhằm chấn chỉnh, sắp xếp lại khối tài sản khổng lồ này, nhưng đến nay đây đó ở nhiều quận - huyện vẫn còn các khu đất, kho bãi bị lấn chiếm, cho thuê công khai.

Tuy bị bỏ trống nhưng việc thu hồi lại quá nhiêu khê. Dù các cơ quan chức năng đã mất đến 3 năm mới lập xong hồ sơ pháp lý để UBNDTP ra quyết định thu hồi kho bãi 15 Lương Ngọc Quyến (phường 13, quận 8) cho quận xây trường mầm non, nhưng đến nay đơn vị thuê kho bãi vẫn không chịu bàn giao mặt bằng. Quận đành ngồi chờ vì không thể tiến hành cưỡng chế do kho bãi này thuộc… Công ty kho bãi TP quản lý.

Trường hợp kho 481 Bến Ba Đình (diện tích 12.330m2) cũng do Công ty Kho bãi TP (thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn) quản lý còn “căng” hơn. Kho đã cho thuê mà bên thuê thì không chịu trả; vì vậy muốn thu hồi, phải chờ Công ty Kho bãi TP khởi kiện ra tòa đòi lại kho. UBND quận 8 cho rằng nên tách hai sự việc này ra.

Một mặt để cho quận cưỡng chế thu hồi trước phần diện tích hơn 10.000m2 kho bãi do bên thuê đang sử dụng; phần diện tích bên thuê đã phân nền bố trí cho cán bộ, công nhân viên xây nhà thì sẽ khảo sát, thu thập pháp lý, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định hiện hành; còn việc giải quyết thanh lý hợp đồng thuê kho bãi giữa Công ty Kho bãi TP và bên thuê là một vụ kiện độc lập giữa hai bên do tòa án giải quyết. Sở Xây dựng lại cho rằng UBNDTP nên dùng quyết định cưỡng chế hành chính đối với kho bãi này…

Ở quận 11 cũng vậy, từ năm 2003, đồng chí Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TPHCM, lúc đó là Chủ tịch UBNDTP đã thống nhất thu hồi mặt bằng 435/4 Hàn Hải Nguyên (quận 11) của Công ty CP Thủy sản số 5 để xây dựng trường học.

Thế nhưng, đã qua 5 năm, mọi hồ sơ thủ tục, định giá hoàn thành, chỉ còn chờ bàn giao mặt bằng thì bỗng dưng đầu năm 2008, Bộ NN-PTNT gởi công văn đề nghị UBNDTP cho công ty tiếp tục ổn định cơ sở sản xuất. Vì vậy, đến hạn giao mặt bằng, Ban giám đốc công ty không bàn giao mà hoãn để chờ kết quả của công văn kia.

Trong khi đó, tiền bồi thường mặt bằng 435/4 Hàn Hải Nguyên đã gởi vào ngân hàng để chờ thanh toán và các mặt bằng lân cận (cùng khu quy hoạch trường học) đã thu hồi xong cũng phải nằm chờ. Mặt bằng 152 Lạc Long Quân (dùng để xây dựng di dời chợ Bình Thới) cũng vậy. Đã gần 5 năm bỏ trống, đã qua không biết bao nhiêu hồ sơ thủ tục, thậm chí chính sách giá thay đổi phải định giá nhiều lần, thế nhưng đến nay vẫn bỏ không mà quận không thể thu hồi được.

Từ “công” thành “tư”, rồi sẽ được hợp thức hóa?!

Rảo một vòng dưới sự hướng dẫn của người dân xung quanh, chúng tôi thấy hầu hết kho bãi đều… biến tướng. Có nơi cho thuê mặt bằng thu lợi để bỏ “túi riêng”, có nơi cho người thân vào chiếm dụng xây nhà trái phép rồi ở luôn…

Kho 65 Nguyễn Thái Học, quận 1 bị chiếm dụng gần hết phần mặt tiền để xây dựng gần 10 căn nhà trệt và 1 lầu phía mặt tiền để cho thuê mở tiệm uốn tóc, tạp hóa và cả khách sạn. Còn phía bên trong thì bỏ trống và được làm bãi đậu xe mô tô. Kho 30 Nguyễn Cư Trinh, quận 1 thì biến thành nhà hàng ca nhạc, bên trong kho bãi này đã thay hình đổi dạng hoàn toàn. Kho 147 Trần Hưng Đạo, quận 1 nằm ở vị trí đắc địa - ngã ba cắt ngang với đường Đề Thám nhưng có một phần bị đóng cửa bỏ trống. Đối diện kho bãi 552 Xô Viết Nghệ Tĩnh là địa chỉ 555 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh, người thường sẽ không thể nhận ra đâu là kho bãi bởi tại đây cũng đã có một dãy nhà hơn 20 căn được xây dựng kiên cố mà theo người dân cho biết thì những căn nhà này cũng đã được… cấp sổ hồng (?!).

Nhiều nơi ở quận 8 cũng thế, do các đơn vị được giao quản lý kho bãi buông lỏng quản lý, đã để người dân vào chiếm dụng kho bãi xây nhà ở. Chẳng hạn như kho 97/6 Hưng Phú, phường 8 (156m2), do Công ty Bột mì Bình Đông quản lý, hiện đang có 4 hộ dân vào chiếm giữ xây dựng nhà trái phép rồi ở luôn nhiều năm nay.

Kho 30 Nguyễn Văn Của, phường 13 do Công ty cổ phần Bột giặt Net quản lý sử dụng, với mặt bằng phía ngoài là căn nhà 1 trệt, 3 lầu cũng đang có một số người vào ở. Nhưng điều đáng nói hơn, có kho bãi bị chiếm dụng rồi hợp thức hóa bán nhà theo Nghị định 61 của Chính phủ như kho 15 Lương Ngọc Quyến, phường 13 do Công ty cổ phần Hóa chất và vật tư khoa học kỹ thuật (Bộ Công thương) quản lý từ năm 1976 đến 1984, sau đó mới chuyển qua ký hợp đồng cho Công ty Kho bãi TP thuê sử dụng. Kho 338 Bến Bình Đông, phường 15 do Công ty cổ phần Ong mật TPHCM quản lý cũng đã xây dựng 12 căn nhà để cấp cho 12 hộ là cán bộ nhân viên của công ty ở.

Mà theo giải thích của công ty là vì trong những năm 1981 - 1994 do tình trạng nhà ở của cán bộ công nhân viên của công ty gặp nhiều khó khăn nên công ty đã cho 12 cán bộ lưu trú tại đây. Từ năm 1996, Công ty Mật ong TPHCM được cổ phần hóa và Ban giám đốc mới không được bàn giao về sự quản lý của kho 338 Bến Bình Đông, do đó đến nay các hộ này vẫn tiếp tục lưu trú ổn định, đều đã có hộ khẩu và đã được cấp số nhà.

Thậm chí, một số hộ đã bán lại cho người khác vào ở. Tương tự kho 481 Bến Ba Đình, phường 8 do Công ty Kho bãi TP quản lý đã cho Công ty Hóa chất vật liệu điện thuê sử dụng. Nhưng đơn vị lại tự ý chuyển đổi công năng, phân nền nhà ở bố trí cho 24 cán bộ công nhân viên của công ty với diện tích lên đến 2.036m2. Đến nay vẫn chưa thấy các cơ quan chức năng xử lý việc làm “rơi rớt” tài sản của nhà nước?!

LÊ LONG

Bài 2: Thiếu minh bạch trong vai trò quản lý nhà nước

Việc quản lý, sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đã được Chính phủ quy định từ năm 2001 bằng Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg. Nay đã được thay bởi Quyết định 09/2007/QĐ-TTg. Thế nhưng số mặt bằng bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích bị phát hiện ngày càng nhiều. Điều đó đã làm dư luận bức xúc đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý nhà nước ở đâu?

Những dấu hỏi?

Lần theo sự phản ánh của người dân, chúng tôi phát hiện ra rất nhiều mặt bằng bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Đất công lãng phí nhiều năm, trách nhiệm ở đâu? ảnh 1

Dãy nhà kho 617 Bến Bình Đông, P13, Q8 bỏ trống từ nhiều năm nay. Ảnh: Lê Long

Kho bãi 552 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh là một ví dụ. Người dân xung quanh cho biết, trước đây nó là một kho bãi chứa hàng hóa có diện tích khoảng 1.800m², nhưng giờ chẳng ai còn nhận ra nó là kho nữa.

Theo ghi nhận ngày 27-11 của PV Báo SGGP, tại đây có 1 dãy nhà gồm 21 căn được xây kiên cố từ 1 đến 3 tầng trên phần lớn đất của kho bãi này với đường hẻm (đã đổi thành hẻm 692) chạy từ đầu đường Xô Viết Nghệ Tĩnh vào cuối dãy nhà khoảng hơn 100m. Một phần kho nằm ở mặt tiền được cho thuê mở quán lẩu bò, một phần đang thi công xây dựng quán ăn.

Người dân xung quanh cho biết, cho biết, dãy nhà trên do Công ty Quản lý phát triển nhà Bình Thạnh bán cho dân cách đây mấy năm và đã được cấp sổ hồng. Được biết, kho bãi này trước đây do Công ty Kho bãi TP quản lý, được quận Bình Thạnh xin quy hoạch làm nhà trẻ nhưng không biết sao lại biến thành dãy nhà ở, phân lô bán lẻ và cho thuê mở quán ăn như thế (?).

Còn kho số 333 Trần Hưng Đạo, quận 1 với bề ngang mặt tiền rộng hơn 10m. Nhìn từ bên ngoài, kho bãi này có một tấm bảng ghi Khách sạn RITZ nhưng cánh cửa kho bãi này đóng kín mít. Người dân ở đây cho biết, kho này trước đây dùng để chứa và kinh doanh lương thực, nhưng không hiểu sao lại thành khách sạn?

Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng loạt kho bãi mà vị trí đất có giá trị cao nằm ngay tại những nơi đắc địa trên địa bàn quận 8 có giá hàng chục triệu đồng một mét vuông nhưng lại được cho thuê chứa hàng hóa hoặc kinh doanh. Kho 402 - 404 có diện tích 216,8m² nằm ngay mặt tiền đường Tùng Thiện Vương, phường 13 do Công ty Thực phẩm Hòa Bình quản lý, hiện đang cho Ngân hàng Á Châu thuê làm điểm giao dịch.

Kho 557 Bến Bình Đông, phường 13 do Trung tâm thương mại Sài Gòn quản lý với tòa nhà một trệt, một lầu bên ngoài, bên trong là kho bãi rộng 1.881m² nhưng hiện đang cho thuê làm xưởng lắp ráp xe đạp, chứa bột mì, dầu ăn và một phần bỏ trống.

Còn kho 207 có diện tích 523m² do Công ty Vissan quản lý cũng được giao cho đơn vị khác thuê để làm nơi chứa tỏi. Kho 456 Dương Bá Trạc, phường 1 do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chế biến dầu khí (Viện Dầu khí quốc gia Việt Nam) quản lý cũng đang cho thuê làm xưởng ép keo làm đế guốc. Kho 269 Bến Bình Đông, phường 11 do Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (Công ty Kho bãi TP) quản lý, cho thuê sản xuất bao bì, in ấn… Việc cho thuê sai chức năng diễn ra công khai, không lẽ không ai biết?

Dân không giám sát được vì bị “giấu”

Bác Nguyễn Văn Giang, cán bộ hưu trí nói một cách dí dỏm: Báo chí cứ nói nhà nước buông lỏng quản lý, chứ tôi thấy không có buông lỏng đâu mà giữ kín lắm! Nếu không sống gần các kho bãi để theo dõi sự “cắt xén, chia chác” thì chúng tôi sẽ không biết đó là tài sản công đâu. Có ông còn thách nhà báo ngon thì đi tìm địa chỉ các kho bãi từ các cơ quan quản lý nhà nước.

Và quả đúng như vậy, dù đã qua rất “nhiều cửa” nhưng chúng tôi cũng đành “bó tay” khi nhiều cơ quan chức năng viện ra nhiều lý do để kiên quyết không cung cấp cụ thể danh sách địa chỉ các kho bãi, đất công. Và cuối cùng, chúng tôi chỉ có trong tay con số chung, còn địa chỉ cụ thể thì phải nhặt nhạnh mỗi nơi một cái.

Trong khi đó, qua khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP về tình hình kho bãi trên địa bàn quận 8 mới phát hiện chỉ riêng quận này đã có 159 kho bãi với tổng diện tích lên đến 435.857m² và hơn 100 kho đã bị cho thuê, sử dụng sai mục đích hoặc bỏ trống, chiếm khoảng 2/3 tổng diện tích kho bãi trên địa bàn quận.

Hàng chục kho bãi chờ thu hồi và hàng ngàn người dân quận 8 đang phải sống trên sông, ven kênh rạch, không có đất để tái định cư. Vậy với hơn 10.500 khu đất công (8.400 khu do thành phố quản lý và 2.100 khu do các đơn vị trung ương quản lý) với tổng diện tích 232.500.000m², sẽ có bao nhiêu kho bãi bị bỏ trống lãng phí hoặc sử dụng sai mục đích và tiền đó vào tay ai?

Chẳng cơ quan nào trả lời được. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 80 (nay là BCĐ 09) thì từ khi thành lập (năm 2001) đến nay, chỉ có… 65 địa chỉ nhà, đất chính thức được thu hồi đưa vào xây dựng các công trình công cộng!

Trao đổi với chúng tôi, một số cán bộ hưu trí và người dân cho rằng nguyên nhân của việc để cho một số đơn vị sử dụng đất công sai mục đích, thu lợi bất chính là do thiếu công khai, minh bạch trong quá trình quản lý của các cấp chính quyền.

Theo bà con, chỉ cần công khai danh sách các khu đất công, người dân sẽ giám sát, phát hiện sai phạm ngay từ đầu chứ không để các đơn vị tùy tiện ăn chặn, chia chác như vậy. Thiết nghĩ, trong lúc cả nước đang thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đấu tranh chống tiêu cực thì ý kiến trên cần được nghiêm túc xem xét. 

HÀN NI - LÊ LONG

Tin cùng chuyên mục