Nghịch lý hoạt động xe buýt tại TPHCM . Bài 1: Đường nhỏ, xe lớn

Nghịch lý hoạt động xe buýt tại TPHCM . Bài 1: Đường nhỏ, xe lớn

Trước đây, do nóng lòng trong việc phát triển vận tải khách công cộng để “đẩy lùi” xe cá nhân nên chỉ trong một thời gian ngắn, TPHCM đã đầu tư ồ ạt hàng ngàn xe buýt. Cũng vì mục đích trên mà phần lớn xe buýt được đầu tư có kích cỡ lớn. Đây là nghịch lý dễ thấy nhất của xe buýt TPHCM, đường sá thì chật hẹp mà xe lại to đùng. Nhiều bất hợp lý cũng đã phát sinh từ đây.

Đường hẹp, xe cỡ... quốc tế!

TPHCM hiện có khoảng 3.500 tuyến đường, đa số là đường hẹp. Đường rộng trên 12m chỉ chiếm khoảng 14%, đường từ 7 – 12m chiếm 51% và đường nhỏ hơn 7m chiếm đến 35%. Trong khi đó, theo tính toán, đường “lý tưởng” để xe buýt hoạt động thuận lợi phải rộng từ 8m trở lên. Theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, hiện có 12 đoạn đường nhỏ hơn 6m bố trí xe buýt loại 12 chỗ hoạt động; 9 đoạn đường ở khu vực nội thành bố trí xe buýt loại nhỏ hơn 16 ghế hoạt động, mỗi đường bố trí 1 tuyến đi qua với khoảng 250 chuyến/ngày.

Đường rộng từ 6 – 8m có 87 đoạn bố trí xe buýt đi qua; trong đó 70 đoạn đường bố trí xe buýt nhỏ và trung còn 17 đoạn bố trí xe buýt loại lớn. Đó là chưa nói, tính đến tháng đầu tháng 9-2008, có 209 “lô cốt” của các công trình trọng điểm chiếm dụng mặt đường của 76 tuyến đường. Các công trình này dự kiến sớm nhất cũng phải đến năm 2010 mới hoàn tất. Chưa kể, một phần lòng đường của nhiều tuyến đường như Lê Lai, Lê Lợi, Sương Nguyệt Ánh, Phạm Ngũ Lão… (quận 1) còn bị sử dụng làm chỗ đậu xe 4 bánh. Ngoài ra, theo thống kê, hiện nay số xe máy lưu thông chiếm đến 79% diện tích mặt đường, còn 21% dành cho các loại xe khác, trong đó có xe buýt. 

Nghịch lý hoạt động xe buýt tại TPHCM . Bài 1: Đường nhỏ, xe lớn ảnh 1

Một số tuyến sử dụng xe buýt cỡ nhỏ để phù hợp cự ly cũng như lượng khách. Ảnh: Việt Dũng

Kích cỡ xe buýt hiện nay lại được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế! Mạng lưới xe buýt TPHCM hiện có khoảng 3.200 xe (khối HTX có 2.365 xe, chiếm 73% số xe, trong đó có 853 xe loại 12 chỗ; khối công ty TNHH có 863 xe).

Theo số liệu của Trung tâm Điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM, tuy số lượng phương tiện của khối công ty TNHH chiếm tỷ trọng ít nhưng hầu hết là xe buýt có sức chứa lớn. Bình quân sức chứa của xe khối công ty TNHH là 62,04 chỗ/xe với số ghế bình quân trên 1 xe là 38,95 ghế. Ở khối HTX, sức chứa bình quân mỗi xe là 44,96 chỗ và số ghế bình quân là 27,39 ghế. 

Về lý thuyết, kích cỡ xe buýt sẽ được bố trí tùy theo số lượng hành khách. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều tuyến đường khách đi ít nhưng lại bố trí loại xe to. Để thử tham khảo, khoảng 15 giờ 20 ngày 26-8, chúng tôi có mặt trên xe buýt 53M-8721, tuyến số 49, chạy từ Bến Thành tới Metro Bình Phú (quận 8). Ngay từ đầu tuyến Bến Thành, cả xe chỉ có 6 hành khách. Xe đi thẳng đường Cách Mạng Tháng Tám rồi quẹo vào đường Ba Tháng Hai, tới trước trạm dừng ở cổng Học viện Hành chính Quốc gia, xe mới có vị khách thứ 7 và rước vị khách thứ 8 ở trạm dừng trước số nhà 358 cùng đường này.

Tiếp lộ trình, tới trước Bệnh viện Chợ Rẫy (đường Nguyễn Chí Thanh), 3 vị khách xuống xe, và sau đó, xe đón thêm 4 khách ở cuối đường Nguyễn Chí Thanh (gần đường Nguyễn Thị Nhỏ) và 1 khách cuối cùng trên đường Hậu Giang. Như vậy, cả 1 tuyến xe buýt (loại 40 chỗ), trong suốt 40 phút vận hành chỉ có 13 hành khách. Chiều ngược lại từ Metro Bình Phú về Bến Thành, xe 53M-7586 cũng rơi vào tình cảnh “xe chở gió” khi xuất bến với 7 hành khách và suốt tuyến, xe đón, trả lèo tèo chỉ vài khách. 

Gọt chân cho vừa giày 

Hệ quả của nghịch lý đường nhỏ, xe lớn đã cho thấy: Tốc độ của xe buýt chạy khá chậm và rất ít xe nào đảm bảo lịch trình, thời gian; trong khi việc đảm bảo đúng giờ là một trong những yêu cầu quan trọng của phương tiện này. Nhưng nổi cộm là tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra nhiều nơi có nguyên nhân là do xe buýt “quá cỡ”. Dễ thấy là tuyến đường Lê Lai (quận 1). Con đường này ngắn và khá hẹp nhưng hầu như chiều nào giao thông ở đây cũng bị ùn ứ, thậm chí kẹt xe khá lâu do các xe buýt cùng tranh nhau chạy. 

Việc mở rộng đường hiện hữu để phù hợp với kích cỡ chuẩn của xe buýt là điều không tưởng. Trong khi đó, yêu cầu xây dựng, phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng đối với một đô thị lớn thì không thể chờ. Như vậy, bài toán đường và xe đặt ra ở đây sẽ giải quyết sao? Nhiều nhà khoa học cho rằng, Sở GTVT TPHCM phải rà soát lại toàn bộ mạng lưới xe buýt để tính toán, lựa chọn loại phương tiện có sức chứa tương ứng với lượng hành khách trên từng tuyến đường.

Các tuyến chính hiện nay như Sài Gòn – Chợ Lớn, Sài Gòn – Bến xe miền Tây, Sài Gòn – Củ Chi, Bến xe miền Đông – Bến xe miền Tây… với lượng hành khách nhiều chắc chắn phải tập trung loại xe lớn, trong khi nhiều tuyến khác, đi vào khu dân cư nhỏ thì nhất thiết có loại xe phù hợp, vừa tránh ùn tắc vừa đỡ lãng phí. Tuy nhiên, vấn đề này cũng cần một nghiên cứu hết sức khoa học để tránh tình trạng chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. 

Và vấn đề cần thiết hơn cả là giải pháp sắp xếp xe buýt chỉ có thể mang lại hiệu quả khi bài toán xe cá nhân phải là một giải pháp song song, không thể thiếu. Tính đến ngày 31-5-2008, tổng số phương tiện giao thông cơ giới mà TPHCM đang quản lý đã lên đến 3.858.283 xe; trong đó hơn 3,5 triệu xe mô tô (tăng 8,5% so với thời điểm đầu năm 2008) và hơn 354.000 xe ô tô (tăng 5% so với thời điểm đầu năm 2008). Đó là chưa kể, mỗi ngày TP có khoảng 700.000 xe mô tô, xe gắn máy 2 bánh, 60.000 xe ô tô 4 bánh mang biển số các tỉnh - thành khác vào TPHCM cùng với khoảng 30.000 xe vận chuyển hàng hóa, cộng với khoảng 21.000 xe ba bánh các loại lưu thông trên đường.

Trong khi lượng xe gắn máy lưu thông hiện nay đã chiếm đến 79% diện tích mặt đường và vẫn tiếp tục tăng thì các phương tiện vận tải hành khách công cộng có “thu hẹp” đến mấy cũng không mang lại kết quả gì. Ngoài ra, hệ thống tàu điện ngầm, xe điện trên cao… cũng là một giải pháp không thể thiếu trong một đô thị văn minh. Vì vậy, vấn đề của xe buýt hiện nay thật ra lại không phải ở… xe buýt! 

Bài 2: Nhu cầu nhiều, luồng tuyến ít

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục