Nghịch lý hoạt động xe buýt tại TPHCM. Bài 3: Bao nhiêu tuyến trùng lắp?

Nghịch lý hoạt động xe buýt tại TPHCM. Bài 3: Bao nhiêu tuyến trùng lắp?

Nhiều tuyến đường bị “bóp nghẹt” 

Chiều 27-8, có mặt trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh (đoạn từ cầu Bình Triệu đến giao lộ Nguyễn Xí), chúng tôi chứng kiến cảnh cả chục xe buýt chen chúc nhau ra vào Bến xe miền Đông (cổng trước của bến xe). Tiếng la hét xin đường của phụ xe cộng với tiếng còi xe khiến cả một khu vực inh ỏi, ngột ngạt vì xe buýt. Đoạn đường này được coi là “điểm nóng” khi có tới 14 tuyến xe buýt qua lại hàng ngày. Cách đó không xa, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn từ ngã tư Hàng Xanh tới Bến xe miền Đông (cổng sau của bến xe) cũng bị “cày nát” bởi 12 tuyến xe buýt. Nhìn trên bản đồ xe buýt, khu vực này tương tự như một cột cờ hình tam giác có những đường viền khổng lồ được dựng lên từ chính đường đi dày đặc của xe buýt. 

Luồng tuyến xe buýt trùng lắp không chỉ gây lãng phí mà còn dẫn đến nạn kẹt xe - một trong những vấn đề nhức nhối của giao thông TPHCM hiện nay. Và để giảm bớt tiền trợ giá cho xe buýt thì việc điều chỉnh luồng tuyến sao cho hợp lý cũng là một trong những giải pháp quan trọng được các chuyên gia, cơ quan chức năng đề ra. Tuy nhiên, đến nay việc xác định luồng tuyến nào trùng lắp, chồng lấn vẫn còn là chuyện… tranh cãi.

Một khu vực khác cũng chịu cảnh bị xe buýt “bóp nghẹt” là Ngã tư Bảy Hiền. Các tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, Hoàng Văn Thụ, Lý Thường Kiệt, Trường Chinh đều có từ 3 - 8 tuyến xe buýt, sau đó tất cả đổ dồn về khu vực ngã tư. Số lượng tuyến xe lúc này lên đến 10 tuyến và tất cả chạy vòng vòng 1 đoạn đường Hoàng Văn Thụ, Xuân Hồng, Xuân Diệu và 1 đoạn Trường Chinh. Em Nguyễn Văn Thanh, một học sinh thường vào Trung tâm Thể dục thể thao quận Tân Bình sinh hoạt cho biết xe buýt là nỗi khiếp sợ của em, vì đường khá đông nhưng xe buýt thường chạy rất nhanh.

Nhiều khi xe buýt áp sát lề đường Xuân Hồng (để quẹo sang đường Trường Chinh) ép luôn cả người đi trên đường. Em cho biết đã từng mấy lần bị loạng choạng suýt ngã khi đi gần xe buýt “hùng hổ” như thế. Mà ở khu vực này thì xe buýt qua lại như… con thoi. Tương tự, ngay gần đó là tuyến đường Trường Chinh (đoạn từ Tân Kỳ Tân Quý tới đường Phạm Văn Bạch), trên bản đồ xe buýt, nó đa sắc hơn cầu vồng vì được tô vẽ bởi 14 màu, mỗi màu biểu thị 1 tuyến xe buýt chạy qua. 

Ngoài ra, nhiều tuyến đường khác của TP cũng được xe buýt “chăm sóc kỹ”, tập trung ở các tuyến như: Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), Hùng Vương, Kinh Dương Vương, Hàm Nghi, xa lộ Hà Nội…

Trùng lắp tuyến - Vẫn trong mức độ cho phép?

Nghịch lý hoạt động xe buýt tại TPHCM. Bài 3: Bao nhiêu tuyến trùng lắp? ảnh 1

Hình ảnh xe buýt các tuyến khác nhau dàn hàng ngang hoặc nối đuôi nhau trên nhiều tuyến đường đã khá quen thuộc ở TP. Ảnh: Hoàng Anh Thư

Cũng cần nói rõ, việc tổ chức mạng lưới luồng tuyến ở bất kỳ quốc gia nào cũng gặp phải vấn đề trùng tuyến. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trùng tuyến ở mức độ nào? Bởi lẽ, nếu việc trùng tuyến hợp lý sẽ tạo điều kiện cho hành khách chuyển tuyến thuận lợi hơn. Ngược lại, nếu mức độ trùng lắp tuyến chồng chéo quá nhiều sẽ gây lãng phí lớn.

Hầu hết các luồng tuyến hiện nay đều đổ về khu vực trung tâm thành phố nên tạo ra tình trạng tuyến trùng tuyến. Việc trùng lắp có nguyên nhân do thành phố đã phát triển “nóng” cùng lúc hàng ngàn xe buýt trong khi việc quy hoạch chưa có nên luồng tuyến cứ phát triển mà không theo một quy hoạch chuẩn nào.

Đó là chưa kể, hoạt động xe buýt tại TPHCM có quá nhiều đơn vị vận tải tham gia (31 hợp tác xã, 4 doanh nghiệp các thành phần kinh tế khác) và doanh nghiệp nào cũng muốn khai thác luồng tuyến đông khách nên dẫn đến trùng lắp. Trong khi đó, việc đánh giá về mức độ trùng lắp luồng tuyến tại TPHCM lại chưa thống nhất.

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (trực thuộc Sở GTVT TPHCM), mạng lưới tuyến xe buýt thành phố hiện có 7 đường có từ 7 đến 12 tuyến xe buýt trùng lắp nhưng cự ly rất ngắn (chỉ từ 200 - 1.300m) và lại là các tuyến trục (Hoàng Văn Thụ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bạch Đằng…) hoặc các cửa ngỏ ra vào thành phố (Trường Chinh, Kinh Dương Vương…) hay những đường dẫn vào các bến xe khách liên tỉnh. Ngoài ra, theo phản ánh của các đơn vị vận tải, hiện có 12 tuyến trùng lắp cần phải xem xét điều chỉnh. Tuy nhiên, sau khi Sở GTVT xem xét lại thì chỉ có 4 tuyến trùng lắp nhưng độ trùng lắp cũng dưới 30%, tức theo quy định không cần điều chỉnh. Có 8 tuyến có độ trùng lắp từ 30%-45% cần điều chỉnh nhưng qua phân tích đánh giá của đơn vị này thì chỉ cần điều chỉnh duy nhất tuyến 55 trùng với tuyến 16 (!).

Theo một nghiên cứu đánh giá chuyên ngành “Làm gì để hệ thống xe buýt TPHCM phát triển bền vững” của Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hằng (Trường ĐH Giao thông, cơ sở 2 TPHCM) công bố thì hệ số tuyến của toàn bộ mạng lưới xe buýt TPHCM hiện nay là 2,48 (nghĩa là vẫn nằm trong giới hạn cho phép: 2-3). Trong khi đó, đề tài nghiên cứu “Tái cấu trúc cơ cấu và hệ thống xe buýt TPHCM theo hướng giảm ách tắc giao thông, tiết kiệm nhiên liệu và giảm ô nhiễm môi trường” của Tiến sĩ Phạm Xuân Mai (Trường ĐH Bách khoa TPHCM) thì cho kết quả: Mức độ trùng lắp luồng tuyến xe buýt hiện nay tại TPHCM đến 65%. 

Công tác xác định sự trùng lắp luồng tuyến mạng lưới xe buýt chưa thống nhất cũng đồng nghĩa với việc chưa xác định được mức độ lãng phí mà nó gây ra.

Bài 4: Xe không cần khách? 

VÂN ANH - MẠNH HÒA

Thông tin liên quan:

>> Bài 2: Nhu cầu nhiều, luồng tuyến ít
>> Bài 1: Đường nhỏ, xe lớn

Tin cùng chuyên mục