Từ vụ sông Thị Vải “đang chết”

Khẩn cấp bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai

Toàn bộ lưu vực sông Đồng Nai đã bị ô nhiễm
Khẩn cấp bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai
Khẩn cấp bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai ảnh 1

Sông Thị Vải là một trong những con sông quan trọng trong lưu vực sông Đồng Nai. Chính vì thế, sự kiện Công ty Vedan “đầu độc” dòng sông này bị cảnh sát môi trường bắt quả tang đã làm rúng động dư luận. Thế nhưng, không chỉ có dòng sông này mà hàng loạt sông, kênh khác thuộc lưu vực sông Đồng Nai - nơi có hàng chục triệu người của 11 tỉnh - thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sinh sống, cũng đang “thập tử nhất sinh” vì ô nhiễm…

Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá (ảnh), Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường thuộc Đại học Công nghiệp TPHCM -  người đã có hơn 10 năm nghiên cứu về lưu vực này, buồn bã tâm sự:

"Cách đây khoảng 12-13 năm, tôi và Giáo sư Lâm Minh Triết - lúc đó còn công tác tại Viện Môi trường và Tài nguyên, thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, đã đặt vấn đề phải triển khai ngay các giải pháp cần thiết để bảo vệ môi trường cho toàn bộ lưu vực sông Đồng Nai với lãnh đạo của 11 tỉnh thành nằm trong lưu vực này. Lãnh đạo của 11 tỉnh, thành đều đồng ý với đề xuất của chúng tôi, nhưng tiếc rằng chẳng mấy địa phương có động thái cụ thể để thực hiện đề xuất ấy. Họ nại ra rất nhiều lý do: không có kinh phí, thiếu nhân sự và… rất khó phối hợp với địa phương bạn vì mỗi địa phương có những mục tiêu phát triển rất khác nhau, nguồn vốn cho công tác bảo vệ môi trường không giống nhau…

Sau này, dưới sự chủ trì của Bộ Tài nguyên - Môi trường, đại diện 11 tỉnh, thành trên đã có rất nhiều cuộc họp bàn về việc bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai song cũng không đi đến đâu. Ngay cả khi Chính phủ có quyết định thành lập Ủy ban bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai, Bộ Tài nguyên - Môi trường cùng các địa phương có họp bàn mấy lần, chuẩn bị cho sự ra đời của ủy ban này, nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu”.

Toàn bộ lưu vực sông Đồng Nai đã bị ô nhiễm

- Điều gì làm các nhà khoa học như ông bức xúc, đề xuất phải khẩn cấp có giải pháp để bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai?

Tuy mức độ khác nhau nhưng có thể nói phần lớn tài nguyên đất, nước, thực vật, sinh vật… trong lưu vực sông Đồng Nai đều đã bị ô nhiễm và suy thoái. Trong khu vực này hiện có khoảng 42 khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) đều ít, nhiều đổ chất thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn ra các con sông, kênh gần nhất. Riêng sông Sài Gòn gần như hứng gần hết chất thải các KCN của tỉnh Bình Dương. Sông Thị Vải, sông Dinh, vịnh Gành Rái… thì hứng chất thải của các KCN ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu…

Khẩn cấp bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai ảnh 2

Sông Sài Gòn ô nhiễm đầy lục bình và rác. Ảnh chụp lúc 9 giờ ngày 19-9-2008. Ảnh: THÀNH TÂM

Hiện nay, nhiều đoạn ở vùng hạ lưu của sông Đồng Nai cũng đã bị ô nhiễm đến mức báo động, nguồn nước bị nhiễm mặn, không còn khả năng sử dụng cho mục đích tưới tiêu và sinh hoạt. Đã vậy, tốc độ ô nhiễm trong toàn lưu vực lại tăng mạnh trong 5 năm gần đây. Hiện nay, bình quân hệ thống sông Đồng Nai tiếp nhận khoảng 111.600m3 nước thải công nghiệp/ngày, trong đó chứa hàng chục tấn hóa chất vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Dự báo trong những năm tới, nếu tốc độ tăng trưởng công nghiệp trong khu vực tăng khoảng 15%/năm mà ngành chức năng không có ngay các giải pháp bảo vệ môi trường thì vô cùng nguy hiểm. Bởi đến năm 2010, hệ thống sông Đồng Nai sẽ tiếp nhận thêm khoảng 1,73 triệu m3 nước thải sinh hoạt (trong đó có khoảng 702 tấn cặn lơ lửng, 59 tấn ni tơ tổng, nhiều vi trùng gây bệnh...), khoảng 1,54 triệu m3 nước thải công nghiệp (trong đó có khoảng 278 tấn cặn lơ lửng, 89 tấn ni tơ tổng và nhiều kim loại nặng) rất có hại cho môi trường. Cùng với sự ô nhiễm nguồn nước, nhiều diện tích đất màu mỡ cũng đang dần biến mất.

Một nguy cơ khác đáng lưu ý, hiện nay đã có khoảng 15% đất trong lưu vực này đang bị xói mòn nguy hiểm. Nhiều khu vực như huyện Đạ Tẻh, Đức Trọng, Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng), huyện Tân Phú, Định Quán (tỉnh Đồng Nai)… đã bị xói lở với tốc độ “mất” từ 100-230 tấn đất/ha/năm. Đất bị xói mòn đồng nghĩa với việc nhiều thành phần dinh dưỡng liên quan đến độ phì nhiêu của đất cũng bị trôi rửa như ni tơ, P205… Thảm thực vật vì thế cũng bị ảnh hưởng. Sống trong môi trường bị suy thoái, ô nhiễm, tất nhiên chất lượng sống của con người cũng bị giảm đáng kể. Với diễn biến đang theo chiều hướng rất nghiêm trọng làm xấu môi trường, cần khẩn cấp thành lập Ủy ban bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai.

Người có trách nhiệm còn quá thờ ơ

- Các nhà khoa học bức xúc, công luận cũng đã lên tiếng (xin trích 2 bài viết  liên quan đến ô nhiễm lưu vực sông Đồng Nai), Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thành lập Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, song tình hình ô nhiễm môi trường ở đây vẫn chưa được cải thiện. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Các địa phương cho rằng thiếu kinh phí cũng như nhân sự để thực hiện nhiệm vụ này. Thế nhưng, theo tôi điều đó chỉ đúng một phần, điều quan trọng là còn quá nhiều người có trách nhiệm thờ ơ với công tác bảo vệ môi trường. Nếu có trách nhiệm và nhiệt tâm thì họ đã có thể thay đổi tình thế cho dù không được nhiều như mong đợi. Đã vậy, nhiều địa phương còn vì lợi ích cục bộ mà không tích cực phối hợp với các địa phương khác để bảo vệ môi trường sống chung cho cả cộng đồng dân cư trong lưu vực sông Đồng Nai bao gồm dân của TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu…

- Sông Thị Vải đang bị “giết chết”, có lẽ là lời cảnh tỉnh cho những người có trách nhiệm?

Tôi hy vọng thế. Sông Thị Vải “chết” đã gây ra những tác hại vô cùng lớn về môi trường cho khu vực. Mong rằng qua sự việc này, ngành chức năng sẽ rút ra được những bài học bổ ích.

- Cảm ơn ông.

Nguyễn Khoa

Báo SGGP đã từng lên tiếng

  • Chất lượng nước sông Sài Gòn đang diễn biến phức tạp

Đó là cảnh báo đáng buồn của các nhà khoa học đến từ Khoa Môi trường Đại học Bách khoa TPHCM và Khoa Kỹ thuật đô thị Trường Đại học Tokyo. Theo họ, riêng năm 2007, nồng độ Mangan (Mn) đã tăng 4 lần, vượt tiêu chuẩn chất lượng nước mặt sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Đây là một chất cùng với sắt (Fe) gây đục cho nước. Chúng không những làm mất vẻ mỹ quan của môi trường nước, gây mùi khó chịu mà còn ảnh hưởng đến độ cứng của nước và duy trì sự phát triển của một số vi khuẩn trong hệ thống phân phối nước - làm tắc đường ống nước. Một nghiên cứu gần đây nhất còn cho thấy, nếu tiếp xúc quá nhiều với Mn thì có thể ảnh hưởng không tốt đến thần kinh, giới hạn sự phát triển trí tuệ ở trẻ em. Tình trạng nhiễm vi sinh trên sông cũng luôn ở mức cao vì bị nhiễm bẩn nặng từ nước thải trong hệ thống kênh rạch của thành phố.

Ở khu vực thượng lưu, mức độ ô nhiễm tăng mạnh trong mùa mưa do nước chảy tràn kéo theo phân thải của các sinh vật. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đinh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM cũng có những nhận xét đáng lo ngại về chất lượng nước sông Sài Gòn. Theo tiến sĩ, qua nhiều năm tiến hành quan trắc, chi cục đều phát hiện có dầu trong nước. Các chất rắn lơ lửng trong nước có chiều hướng tăng dần từ thượng nguồn tới hạ nguồn và tăng nhiều trong mùa mưa do ảnh hưởng của xói lở đất và phù sa chuyển về hạ nguồn. Đáng lo ngại là ở Phú Cường, nơi lấy nước để cung cấp cho Nhà máy nước Tân Hiệp, mức độ ô nhiễm hữu cơ, vi sinh ngày càng tăng.

Ông Bùi Thanh Giang, Giám đốc Nhà máy nước Tân Hiệp cũng kêu: “Từ năm 2004 đến nay, chất lượng nguồn nước sông phục vụ cho nhà máy suy giảm rất nhanh”. Đặc biệt là lượng Amoniac tăng rất cao. Nếu như trước đây Amoniac chỉ tăng theo mùa, theo thủy triều thì nay gần như tăng thường xuyên trong ngày. Thực tế này đã làm cho Nhà máy nước Tân Hiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý nước vào những thời điểm thành phố cần tăng sản lượng nước phục vụ nhân dân.

Cũng theo tài liệu do các nhà khoa học đến từ Đại học Bách khoa TPHCM và Đại học Tokyo thu thập được thì từ năm 2002 đến nay, sông Sài Gòn đã bệnh đến 5 lần: tháng 12-2002 ô nhiễm chất hữu cơ nghiêm trọng dẫn đến cá chết hàng loạt trên sông, tháng 3-2005 nhiễm mặn nghiêm trọng dẫn đến Nhà máy nước Tân Hiệp đôi lúc phải ngưng hoạt động, tháng 9-2005 nước bị nhiễm bẩn, đục và có màu, tháng 5-2006 nước trong đường ống cấp nước bị nhiễm bẩn với nhiều nghi ngờ là do nước sông bị ô nhiễm Mn và Fe, tháng 9-2007 ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước…

An Nhiên - Hạnh Nhung (Trích bài viết
đăng trên Báo SGGP phát hành cách đây 5 tháng)

  • Sông Đồng Nai cũng… bệnh

Theo số liệu của Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Đồng Nai, một số khu vực gần Biên Hòa, hàm lượng coliform (một dòng vi khuẩn có thể gây bệnh tiêu chảy) vượt chỉ tiêu cho phép từ 186 đến 920 lần, thậm chí có nơi vượt 1.860 lần.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 24 KCN được thành lập với diện tích trên 6.500ha, trong có có 19 KCN với khoảng 642 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay mới chỉ có 9 KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Theo thống kê, hiện lượng nước xả thải trung bình tại các KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ước tính khoảng 60.000 m3/ngày, và rất ít trong số đó đã được xử lý sau khi xả thải ra các sông, suối.

Đến nay, mỗi ngày hệ thống sông Đồng Nai sẽ tiếp nhận khoảng 1,73 triệu m3 nước thải sinh hoạt, trong đó có 702 tấn cặn lơ lửng, 421 tấn BOD5; 756 tấn COD... và nhiều vi trùng gây bệnh cùng với các tác nhân gây ô nhiễm khác. Ngoài ra, với 74 KCN sẽ được hình thành vào năm 2010, thì hệ thống sông này còn phải tiếp nhận khoảng 1,54 triệu m3 nước thải công nghiệp; trong đó có khoảng 278 tấn cặn lơ lửng, 231 tấn BOD5, các kim loại nặng...

Sơn Lam (Thông tin đã đăng
trên Báo SGGP cách đây 6 tháng)

  • Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến 2020

Theo đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2007, Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai sẽ chỉ đạo, điều phối việc bảo vệ môi trường ở đây theo hướng: tiếp tục xử lý những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng dọc theo lưu vực sông với mục tiêu: 100% cơ sở sản xuất phải sử dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm; 80% KCN-KCX, 40% khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung; thu gom 90% chất thải rắn sinh hoạt, 90% chất thải rắn công nghiệp, 70% chất thải nguy hại và 100% chất thải bệnh viện; xây dựng hệ thống quan trắc môi trường; hạn chế tình trạng khai thác cát bừa bãi; bảo vệ tốt rừng đầu nguồn. Mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2011-2015: xử lý hoàn thành 90% cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ở 12 tỉnh, thành; ít nhất 60% khu đô thị và 100% KCN-KCX có hệ thống xử lý nước thải tập trung, thực hiện công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường. Giai đoạn 2016-2020, xử lý hoàn thành trên 95% cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, tăng cường bảo vệ nguồn nước, khôi phục cơ bản rừng đầu nguồn bị suy thoái.

Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên, lâu dài, đòi hỏi tập trung nguồn lực đầu tư và quyết tâm cao của chính quyền các địa phương.

An Nhiên

Tin cùng chuyên mục